11/07/2020 08:27 GMT+7

Thêm quy định ghi nhãn... quá khó

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa do Bộ Khoa học - công nghệ soạn thảo nhận nhiều phản ứng của doanh nghiệp (DN) do làm khó kinh doanh và cản trở thương mại quốc tế.

Thêm quy định ghi nhãn... quá khó - Ảnh 1.

Hàng xuất khẩu VN sẽ gặp khó nếu nghị định 43 sửa đổi được ban hành - Ảnh: T.T.D.

Việc thay đổi những quy định về dán nhãn trong thời gian ngắn đã gây mệt mỏi cho DN và tốn kém hàng ngàn tỉ đồng để in nhãn mới. Với những quy định bổ sung, hàng hóa từ các nước vào VN cũng như hàng VN xuất khẩu đi các nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

“Tính ra trong vòng 4 năm qua cứ 2 năm một lần cơ quan nhà nước ra quy định thay đổi quy định nhãn hàng hóa, khổ cho DN quá. Mỗi lần như vậy các DN mất hàng ngàn tỉ đồng...

Ông TRẦN QUANG TRUNG

Thêm việc cho doanh nghiệp

Đại diện Ủy ban thực phẩm đồ uống thuộc Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại VN bày tỏ quan ngại sâu sắc việc sửa đổi nghị định 43 về nhãn hàng hóa. 

Cụ thể từ năm 2017 - 2019 đã có hai lần quy định pháp luật về dán nhãn và tiếp tục có thêm lần thay đổi thứ 3 dự kiến hiệu lực từ tháng 6-2021. Việc thay đổi quá thường xuyên như vậy gây tốn kém cho DN hàng ngàn tỉ đồng chỉ để thay nhãn mới.

Nghị định mới yêu cầu phải ghi tên thương nhân chịu trách nhiệm hàng hóa (thường là nhà nhập khẩu) lên nhãn gốc mới được thông quan tại cửa khẩu. 

Trong khi đó, các DN đa quốc gia sản xuất ở nhiều nơi và bán hàng khắp thế giới có cùng một nhãn chính. Với quy định này, các nhà xuất khẩu sẽ phải thiết kế nhãn riêng cho VN gây tốn kém và không khả thi vì chỉ khi nào thị trường đủ lớn thì nhà sản xuất mới làm vậy.

Ví dụ, máy bay của Boeing/Airbus trước khi nhập về VN phải dán nhãn "Nhà nhập khẩu: VietJet hoặc Bamboo"... mới được nhập. Hay điện thoại iPhone, Nokia... trước khi xuất sang VN phải dán nhãn cho từng chiếc điện thoại với tên nhà nhập khẩu là Vinaphone, MobiFone, FPT... Điều này chắc là Apple hay Nokia sẽ không thể đáp ứng.

"Các DN mong muốn có một môi trường kinh doanh với luật pháp ổn định, chí ít là 5-10 năm. Thay đổi quá nhiều khiến các DN vô cùng mệt mỏi và tốn kém hàng ngàn tỉ do phải thay đổi nhãn quá thường xuyên, khiến môi trường kinh doanh trở nên bất ổn và gây rất nhiều khó khăn cho DN" - đại diện Amcham cho hay.

Bà Tố Nga - đại diện Tiểu ban trang thiết bị y tế và chẩn đoán thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại VN (EuroCham) - cho rằng sửa đổi nghị định 43 trong đó quy định ghi nhãn điện tử là hài hòa quy định quốc tế, tiết kiệm chi phí in ấn cho DN.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo lại đưa vào nhiều quy định mới gây khó khăn, cản trở thương mại giữa VN và các nước vì đây là những yêu cầu riêng có tại thị trường VN. Ví dụ quy định hàng hóa nhập khẩu vào VN bắt buộc phải ghi trên nhãn gốc đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý (nhập khẩu) và yêu cầu phải có đầy đủ tại cửa khẩu. 

"Quy định cũ là DN được đưa về công ty và sau đó in nhãn phụ bổ sung. Yêu cầu tại cửa khẩu là giết chết DN, nhất là đối với DN ngành vật tư y tế và chẩn đoán chúng tôi" - bà Tố Nga nói.

Hàng xuất khẩu cũng gặp khó

Theo ông Trần Quang Trung - Hiệp hội Sữa VN, việc quy định phải ghi thông tin bằng chữ của nước nhập khẩu cũng vô lý vì nhiều quốc gia dùng chữ tượng hình như Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông thì làm sao các cơ quan chức năng đọc được mà quản lý. 

Chưa kể các nhà nhập khẩu có yêu cầu ghi nhãn theo họ chứ không phải theo quy định của VN. "Bộ Khoa học - công nghệ đưa ra lý do ghi nhãn để chống gian lận thương mại, nhưng chống gian lận bằng luật khác và chúng ta có rất nhiều luật, cơ quan kiểm soát rồi chứ không phải là ghi nhãn" - ông Trung cho hay.

Ông Trần Quang Trung cũng cho biết do dịch Covid-19, sản xuất của nhiều nhà máy sữa bị đình trệ, nhãn mác đã in sẵn còn rất nhiều sẽ phải hủy đi, rất lãng phí. "Nhà nước muốn quy định thêm thì phải có lộ trình dài cho DN chuẩn bị từ 3-5 năm chứ tháng 6-2021 đã áp dụng ngay là không kịp" - ông Trung than.

Ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - quan ngại: cũng giống như quy định chứng nhận mã số mã vạch, nhãn in trên hàng hóa xuất khẩu cũng phải theo nhà nhập khẩu, theo quy định của nước nhập khẩu. Do đó, việc quy định nhãn xuất khẩu theo quy định của VN là gây khó khăn cho DN và ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa.

Theo nhiều DN, quy định nói trên cũng trái với thông lệ quốc tế vì theo thông lệ quốc tế, tổ chức, cá nhân xuất khẩu (tức là tổ chức, cá nhân tại VN) chỉ chịu trách nhiệm cung cấp hàng hóa đúng theo giao kèo trong hợp đồng, còn người nhập khẩu là chủ sở hữu hàng hóa phải chịu trách nhiệm đảm bảo việc ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật của nước nhập khẩu. 

Đây chỉ nên là lưu ý cho các DN cẩn trọng khi ký kết hợp đồng, chứ không thể yêu cầu DN VN đảm bảo thay cho DN nước ngoài được.

Ghi nhận ý kiến để trình Chính phủ

Trước những bức xúc của DN, hiệp hội, ông Trần Quốc Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học - công nghệ) - cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của DN, đề nghị DN và hiệp hội đóng góp ý kiến bằng văn bản nêu rõ những tốn kém, thiệt hại nếu áp dụng các quy định sửa đổi để có căn cứ báo cáo với Chính phủ xem xét.

"Về chủ trương, chúng tôi đồng tình với các DN đó là những gì sửa đổi đóng góp vào sự tiến bộ, hỗ trợ DN như ghi nhãn điện tử thì nên sửa sớm và phải có lộ trình thực hiện" - ông Tuấn nói.

Nhiều chỉ tiêu hơn cả Nhật Bản

Đại diện nhóm thực phẩm dinh dưỡng thuộc EuroCham lại đưa ra một bất hợp lý khác tại nghị định 43 sửa đổi.

Đó là điều 17 khoản 5A quy định "Đối với thực phẩm được công bố là thực phẩm dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện thông tin về các thành phần dinh dưỡng tối thiểu gồm: tổng năng lượng; hàm lượng chất béo bao gồm chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa; hàm lượng protein; hàm lượng carbonhydrate, bao gồm cả đường; hàm lượng muối".

Quy định này gây tốn kém, quá nhiều và khó khả thi. Ngay như Nhật Bản, có yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, cũng chỉ yêu cầu nhãn thực phẩm ghi 5 chỉ tiêu: năng lượng, đạm, chất béo, bột đường, natri (muối), và có loại trừ chứ không phải là 8 chỉ tiêu cho tất cả thực phẩm bao gói sẵn như dự thảo.

Bộ Công thương đang soạn dự thảo về quy định ghi nhãn Made in Vietnam Bộ Công thương đang soạn dự thảo về quy định ghi nhãn Made in Vietnam

TTO - Khi đã giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho nhau trong FTA, các bên đều có nhu cầu chính đáng là ưu đãi đó phải được dành cho đúng người, đúng sản phẩm.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên