Ngày 24-5, bà Nguyễn Thị Thu Hương, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đơn vị vừa nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt ở lần kiểm tra trực tuyến hồi tháng 1.
400 vùng trồng sầu riêng đang chờ kiểm tra
Kết quả có 47/51 vùng trồng sầu riêng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số.
Hồ sơ khắc phục của 4 vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do hồ sơ gửi chưa đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía bạn không đánh giá được sự cải thiện.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
"Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi cho phía bạn.
Sau khi thống nhất được lịch trình và nội dung kiểm tra, cục sẽ thông báo cho các địa phương để chủ động chuẩn bị, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và Tổng cục Hải quan Trung Quốc triển khai theo kế hoạch của phía bạn" - bà Hương thông tin thêm.
Xuất khẩu sầu riêng tăng 41%
Cũng theo bà Hương, từ năm 2019 tới nay, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 22 nước trên thế giới. Khối lượng xuất khẩu hằng năm khoảng 10.000 - 15.000 tấn.
Năm 2022 là năm đầu tiên mở cửa thị trường Trung Quốc, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt trên 46.000 tấn.
5 tháng đầu năm 2023, khối lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu đạt trên 65.000 tấn, tăng 41% so với cả năm 2022. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2022, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 78% tổng lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ xuất khẩu sầu riêng quả tươi sang thị trường Trung Quốc là 97%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3 tháng đầu năm, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên xuất khẩu chỉ mang tính cầm chừng.
Bước sang tháng 4 và tháng 5, nguồn cung sầu riêng bắt đầu lớn nên dự kiến xuất khẩu mặt hàng này sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm nay đạt 1,4 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc chiếm 59% tổng lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
"Xuất khẩu rau quả tăng nhờ thuận lợi từ thị trường Trung Quốc. Trong tháng 4 nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng giờ hoạt động đến 22h mỗi ngày để tiếp nhận xe hàng. Điều này cho thấy sức hút từ thị trường Trung Quốc đang rất lớn sau 3 năm suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trung Quốc đang siết dần nhập khẩu tiểu ngạch và chuyển qua chính ngạch, chất lượng rau quả nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao. Doanh nghiệp và nhà vườn phải tuân thủ và kiểm soát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói" - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận