Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung vừa ký ban hành thông tư số 09-2023 về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam (gọi tắt thông tư 09-2023).
Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam năm 2023 bao gồm 1.820 hoạt chất với 4.537 tên thương phẩm (loại thuốc).
Trong đó nhóm thuốc trừ sâu chiếm nhiều nhất với 712 hoạt chất và 1.725 tên thương phẩm. Tiếp đến là thuốc trừ bệnh có 683 hoạt chất với 1.561 loại thuốc, thuốc trừ cỏ có 260 hoạt chất với 791 tên thương phẩm...
So với thông tư 19-2022, thông tư mới tăng thêm 69 hoạt chất và 163 loại thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam, chủ yếu nằm trong nhóm thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh và thuốc trừ cỏ.
Thông tư 09-2023 vẫn giữ nguyên 31 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam, bao gồm các hoạt chất: 2.4.5 T, Captan, Captafol, Methamidophos, Aldrin, Carbofuran, Chlordane, Methyl Parathion, Parathion Ethyl, BHC, Lindane...
Thông tư này thay thế thông tư số 19-2022 và có hiệu lực kể từ ngày 8-12-2023.
Ngày 27-10, thông tin với Tuổi Trẻ Online về điểm mới của thông tư 09-2023, Cục Bảo vệ thực vật cho biết danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam năm 2023 được bổ sung thêm 12 hoạt chất mới, trong đó có 6 hoạt chất là thuốc sinh học, còn lại là các hoạt chất mới an toàn và hiệu quả.
Số thuốc bảo vệ thực vật sinh học được đăng ký vào danh mục là 26 loại thuốc, chiếm 10,79% trên tổng số thuốc đã được đăng ký vào danh mục.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã tự nguyện rút khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam 15 loại thuốc.
"Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam năm 2023 bổ sung thêm một số loại thuốc phòng trừ các sinh vật gây hại trên một số cây trồng có giá trị xuất khẩu cao như bưởi, sầu riêng, thanh long…
Bên cạnh đó, danh mục này cũng bổ sung thêm nhiều loại thuốc có hiệu lực tốt, dạng thuốc tiên tiến như OD, EW, WG…, đặc biệt là các thuốc đăng ký sử dụng trên rau, quả, chè đều có thời gian cách ly ngắn, độ độc thấp" - Cục Bảo vệ thực vật cho hay.
Đối với danh mục thuốc cấm sử dụng tại Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật cho biết danh mục tuân thủ theo các công ước, nghị định thư mà Việt Nam là thành viên tham gia như Công ước Stockholm, Công ước Rotterdam, Công ước Basel….
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận