14/08/2021 09:00 GMT+7

Thêm nguồn vắc xin: Chờ 'hành lang' hợp tác công - tư

NGỌC HIỂN thực hiện
NGỌC HIỂN thực hiện

TTO - Quốc hội, Chính phủ đều đã có chủ trương huy động mọi nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp chủ động tìm nguồn vắc xin COVID-19 để sớm tiêm cho người dân, người lao động, hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Thêm nguồn vắc xin: Chờ hành lang hợp tác công - tư - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin cho người dân trên diện rộng hướng đến miễn dịch cộng đồng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết dù thời gian qua chúng ta đã huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, nhận viện trợ, mua, chuyển giao công nghệ và kể cả thúc đẩy nghiên cứu vắc xin nội địa... nhưng số lượng vắc xin có được không như mong đợi. 

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, VN cần một số lượng vắc xin rất lớn, đặt ra vấn đề cần một giải pháp lâu dài cho chiến lược vắc xin.

Cần lượng vắc xin lớn cho vùng TP.HCM

* Dù đã đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin với quy mô chưa từng có nhưng việc cung ứng và độ phủ vắc xin tại TP.HCM chưa cao là vì sao, thưa ông?

- TP.HCM là trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, đóng góp 22% GDP và 26% tổng thu ngân sách, song 2 tháng qua TP bị tác động nặng nề bởi COVID-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân cũng như tình hình kinh tế - xã hội của TP.

Tất cả các nguồn lực đã chung tay cùng TP chống dịch ngày đêm, đạt được những kết quả nhất định với hơn 67.000 người đã xuất viện. 

Tuy vậy, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm và số người người qua đời vì dịch bệnh vẫn tăng. TP sẽ tiếp tục chống dịch quyết liệt hơn, thực hiện chỉ thị 16 và giãn cách nghiêm hơn, hiệu quả hơn. 

Song những giải pháp đó chỉ mang tính tạm thời; giải pháp căn cơ là phải đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, đảm bảo miễn dịch cộng đồng với mục tiêu trên 80% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin.

TP đã đạt được những kỷ lục về tiêm vắc xin, song việc tiêm ngừa đã bị chững lại do cạn nguồn vắc xin, thậm chí có nhiều quận phải tạm ngưng tiêm do thiếu vắc xin. Quan trọng nhất hiện nay là làm sao có nguồn vắc xin. 

Chính phủ cũng đã tận dụng các nguồn vắc xin qua kênh ngoại giao nhưng vẫn còn thiếu. Không chỉ thiếu cho TP.HCM mà cả các tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Dương, Long An thuộc "vùng TP.HCM" cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch. 

Để TP an toàn thì cả vùng phải "xanh", tức là phải phủ vắc xin nhằm tạo miễn dịch cộng đồng cho cả vùng.

* Để đạt được miễn dịch cộng đồng cho vùng TP.HCM cần có sớm một lượng lớn vắc xin, với tình hình hiện nay liệu có khả thi?

- Vùng TP.HCM có đến 8 tỉnh thành, dân số chỉ 20% song đóng góp đến 51% GDP và 55% tổng thu ngân sách của cả nước. Số liệu trên cho thấy đây là vùng đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế quốc gia, song lại là vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch. 

Để đạt được mục tiêu phủ vắc xin cả vùng, đòi hỏi phải có nguồn vắc xin rất lớn. Do đó, cần đẩy mạnh huy động tối đa mọi nguồn lực có thể cho chiến lược vắc xin, từ việc thúc đẩy sản xuất vắc xin nội địa cho đến nhập khẩu, mua vắc xin. 

Trong đó, cũng cần tính tới việc xã hội hóa. Ví dụ cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp (DN) mua vắc xin về, DN sẽ để một tỉ lệ phần trăm nhất định để Nhà nước tiêm cho những đối tượng ưu tiên, diện chính sách, người yếu thế. 

Còn lại, DN sẽ tính đến chuyện tiêm dịch vụ. Như vậy, cơ chế này đảm bảo được lợi ích 3 bên giữa Nhà nước, nhân dân và DN. Đây là điều cần phải khuyến khích trong bối cảnh nguồn vắc xin đang cạn dần.

Thêm nguồn vắc xin: Chờ hành lang hợp tác công - tư - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Tư nhân chi viện cho Nhà nước

* Trong bối cảnh "khát" vắc xin COVID-19 hiện nay, việc đặt ra vấn đề vắc xin dịch vụ có cấp thiết?

- Nghị quyết 30 của Quốc hội đã nêu: "Chính phủ thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng dịch COVID-19, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển quỹ vắc xin phòng COVID-19, truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng, phòng chống dịch để sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng".

Nghị quyết 86 của Chính phủ cũng đặt vấn đề cần tăng cường tìm kiếm và khuyến khích DN, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin, thuốc điều trị COVID-19. 

Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung, cần khuyến khích sự năng động của DN để chúng ta có vắc xin nhanh nhất, tiêm cho người dân sớm nhất. 

Muốn đa dạng về nguồn cung, muốn khối DN sốt sắng mang vắc xin về VN, chúng ta phải có một cơ chế thuận lợi để họ nhập khẩu, ít nhất là tiêm cho người lao động trong DN, hiệp hội ngành nghề của mình. 

Nếu không có cơ chế rõ ràng, sẽ khó để DN tham gia từ khâu đàm phán, nhập khẩu, bảo quản đến tiêm, phân phối vắc xin...

* Hiện có DN tại TP.HCM đề xuất mua 5 triệu liều vắc xin Moderna với phương án hợp tác công - tư, "mua 5 liều vắc xin sẽ tặng xã hội 1 liều", ông đánh giá ra sao?

- Theo tôi, cần có cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhập khẩu, ưu tiên cho những DN đã tìm kiếm được nguồn cung vắc xin trong bối cảnh khan hiếm. 

Cơ chế cụ thể như thế nào các cơ quan nhà nước sẽ tính toán, song theo tôi cần phải nâng tỉ lệ hỗ trợ vắc xin cho Nhà nước, có thể là 5-5 hoặc hơn để đóng góp vào quỹ vắc xin chung của cả nước nhiều hơn. 

Mục đích để hài hòa lợi ích: Nhà nước có thêm vắc xin để tiêm miễn phí cho những người dân diện ưu tiên, còn DN cũng có một phần vắc xin để tiêm cho người lao động của mình.

Điều quan trọng vẫn là cần có một cơ chế hợp tác công - tư rõ ràng, hài hòa lợi ích giữa các bên với mục tiêu tối thượng là đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất để giữ được sinh mạng người dân, sớm phục hồi kinh tế. 

Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng lên Chính phủ về vấn đề vắc xin một cách dài hơi khi tiêm mũi 2, mũi 3, thậm chí là sau này còn có thể tiêm nhắc lại. Việc cần làm lúc này là làm sao để vắc xin lên máy bay, về đến VN sớm nhất có thể, đáp ứng sự mong mỏi của người dân. 

Bên cạnh đó, chúng ta có những tin vui từ hai đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin nội là Nano Covax và Covivac cũng đã có những bước thử nghiệm đạt kết quả tích cực. Mong rằng hai loại vắc xin nội này sớm vượt qua các quy trình sản xuất để nhanh chóng tham gia vào chiến lược vắc xin của VN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng.

Tổ có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc phòng chống COVID-19 từ các đối tác song phương và đa phương; thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài liên quan đến cung cấp, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 cho VN...

Không để doanh nghiệp đơn độc

Đây là câu hỏi lớn được đặt ra khi COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi giải pháp căn cơ nhất là chỉ có thể là vắc xin để sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Đầu tháng 8, Văn phòng Chính phủ đã có 2 văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý, có văn bản hỗ trợ cho Vimedimex mua vắc xin Sputnik V từ UAE và giao Bộ Y tế đàm phán, hỗ trợ 4 hiệp hội mua vắc xin hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu.

Hai công văn này đã mở ra một hướng mới: tiêm chủng theo đặt hàng - một kiểu "dịch vụ đặc biệt" mà người nhận dịch vụ không phải là người chi trả chi phí.

Từ cuối tháng 7, bốn hiệp hội Dệt may, da giày và túi xách, Điện tử, Mỹ nghệ và Chế biến gỗ đã có đơn kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc xin để tiêm miễn phí cho người lao động.

Các hiệp hội cho hay đã chủ động tìm nguồn vắc xin từ Tập đoàn Royal Stratergic Partner (UAE) và Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã làm việc với tập đoàn để xác minh về khả năng cung ứng vắc xin.

Bốn hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với tập đoàn này hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu VN có đủ điều kiện để triển khai các thủ tục nhập khẩu, sau đó ưu tiên hỗ trợ cho các hiệp hội để thực hiện việc tiêm vắc xin cho người lao động trên cơ sở các chi phí do doanh nghiệp các ngành trên chi trả.

Đại diện của một hiệp hội cho biết đã nhận được văn bản của Bộ Y tế đề nghị phối hợp và cung cấp thêm các thông tin về đối tác cung cấp vắc xin tại UAE để có hướng triển khai.

Theo vị này, đối tác không làm việc trực tiếp với các hiệp hội, doanh nghiệp mà chỉ làm việc với đơn vị được Chính phủ ủy quyền hoặc cấp phép cho phép nhập khẩu vắc xin.

Cơ bản mọi hoạt động để có thể nhập khẩu được vắc xin như trao đổi, đàm phán với đối tác, thực hiện các thủ tục nhập khẩu, vận chuyển và bảo quản, tiêm vắc xin phải do Bộ Y tế hoặc các doanh nghiệp được chỉ định thực hiện.

Một trong số doanh nghiệp đang đề xuất nhập khẩu vắc xin COVID-19 (không thuộc 4 hiệp nói trên) cho biết đã ký hợp đồng với đối tác ở UAE, sắp tới sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền và nộp hồ sơ lên Bộ Y tế.

Trả lời báo chí ngày 13-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thực hiện chủ trương của Chính phủ, khuyến khích các doanh nghiệp và đơn vị tìm kiếm nguồn vắc xin,

Bộ Y tế sẽ tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu, nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin. Khi vắc xin vào VN, trong vòng 2 ngày Bộ Y tế sẽ thẩm định, rà soát hồ sơ và cho phép sử dụng nếu đảm bảo về chất lượng và pháp lý.

Ông Thuấn cũng cho biết Bộ Y tế đã cử các chuyên gia để tư vấn cho doanh nghiệp, giới thiệu các nhà máy sản xuất vắc xin có thể cung cấp hàng, khi vắc xin về bộ này sẽ hỗ trợ kiểm tra chất lượng, nếu doanh nghiệp và đơn vị cần thì Bộ Y tế sẽ giới thiệu cơ sở tiêm chủng để đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả.

NGỌC AN - LAN ANH

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật tiếp tục hỗ trợ, nhượng lại vắc xin cho Việt Nam Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật tiếp tục hỗ trợ, nhượng lại vắc xin cho Việt Nam

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Đại sứ Yamada Takio kiến nghị với Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ, nhượng lại vắc xin cho Việt Nam, trong bối cảnh đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đang ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng.

NGỌC HIỂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên