17/11/2014 11:05 GMT+7

​Thêm một thông điệp giảm tai nạn giao thông

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đại biểu Quốc hội đã đạt được sự nhất trí cao phải tăng thuế rượu bia với lý do chính là để bảo vệ sức khỏe người VN, chứ không phải nhằm tăng thu ngân sách.


PGS.TS Bùi Thị An - Ảnh: Lê Kiên

Thậm chí tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội là nữ tại phiên thảo luận chiều 15-11 đề nghị “phải tăng thuế thật cao” thì mới giảm được người sử dụng.

PGS.TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nói rằng bà không thể hiểu nổi tại sao trên khắp các tuyến phố ở thủ đô, cũng như các vị trí đẹp ở tỉnh thành khác lại có rất nhiều quán bia rượu và khách thì tấp nập suốt ngày đêm.

Một đất nước kinh tế phát triển chậm nhưng tăng trưởng bia rượu thì hàng đầu thế giới, là một trong ba... cường quốc tiêu thụ bia lớn nhất (chiếm vị trí số 1 Đông Nam Á).

“Uống rượu bia suốt ngày thì lấy thời giờ đâu để làm việc, rồi tai nạn giao thông, tan vỡ gia đình, men gan mỡ máu...” - bà An than phiền.

Theo báo cáo của Bộ Công an, 43% số vụ tai nạn giao thông xảy ra có nguyên nhân từ người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, không làm chủ được tốc độ, hành vi.

Tỉ lệ này cũng tương thích với một thống kê của Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội): trong số khoảng 20.000 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông mỗi năm thì gần 50% người bị tai nạn có nồng độ cồn trong máu.

Chiếm vị trí cao trong số các quốc gia sử dụng nhiều bia rượu, VN cũng đồng thời chiếm vị trí cao trong số các quốc gia có tỉ lệ người chết và bị thương do tai nạn giao thông nhiều nhất thế giới.

Đại biểu Bùi Thị An cho rằng sở dĩ người VN dùng nhiều bia rượu như vậy, ngoài tập quán sử dụng nước uống có cồn của người dân, còn do quy định về quản lý kinh doanh các mặt hàng này quá dễ dãi.

Đây cũng là lý do để Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá (đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đề nghị phải tăng mạnh mức thuế suất đối với bia rượu. “Khi còn trẻ thì bán sức khỏe để la cà, khi về già thì bán cửa bán nhà để mua sức khỏe” - bà Khá ví von.

Đại biểu Lê Khánh Dung (Quảng Bình) cũng tha thiết đề nghị Quốc hội rằng nếu phải lựa chọn giữa khó khăn của ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá, bia rượu (khi tăng thuế) với việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người VN thì Quốc hội tất nhiên là phải lựa chọn bảo vệ giống nòi.

Tất nhiên, để giảm tai nạn giao thông thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như tiếp tục cải thiện ý thức - văn hóa người tham gia giao thông, phát triển hạ tầng giao thông, ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông...

Nhưng với quyết tâm thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ngay tại kỳ họp này, trong đó tăng mức thuế suất với các mặt hàng bia rượu cũng là một giải pháp để hạn chế người sử dụng với hi vọng góp phần giảm bớt tai nạn giao thông.

“Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, đó là thông điệp được truyền đi trong các buổi lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông năm 2014 vừa diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước.

Việc tăng thuế để hạn chế sử dụng bia rượu cũng được hi vọng là một thông điệp mạnh, một lời cảnh báo để không còn tình trạng những con “ma men” dẫn người điều khiển phương tiện giao thông đi vào địa ngục.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên