Theo Hãng tin Yonhap, ngày 30-12, một chuyến bay của Hãng hàng không Jeju Air đã phải quay lại điểm khởi hành vì lỗi bộ phận càng đáp.
Đáng chú ý, lỗi này giống với lỗi được tìm thấy trên chuyến bay của Jeju Air gặp tai nạn trước đó chỉ một ngày, khiến ít nhất 179 người thiệt mạng. Máy bay được sử dụng cũng cùng dòng Boeing B737-800 với chiếc máy bay gặp nạn.
Video mô phỏng vụ máy bay Hàn Quốc va chạm với chim trời, trượt khỏi đường băng và bốc cháy
Chuyến bay gặp sự cố mang số hiệu 7C101, khởi hành lúc 6h37 (giờ địa phương) từ sân bay quốc tế Gimpo (thủ đô Seoul) với địa điểm dự kiến là đảo Jeju.
Tuy nhiên, ngay sau khi cất cánh, tổ bay đã phát hiện bộ phận càng đáp gặp sự cố. Tổ bay sau đó báo với 161 hành khách về vấn đề này và hạ cánh lại xuống sân bay Gimpo lúc 7h25.
Các hành khách sau đó đã được đổi sang một máy bay khác để hoàn thành chuyến bay.
Càng đáp máy bay là bộ phận cực kỳ quan trọng, đảm bảo việc cất và hạ cánh của máy bay diễn ra an toàn và thuận lợi. Trong vụ tai nạn ngày 29-12, cả ba càng đáp đều không hoạt động và buộc máy bay này hạ cánh bằng bụng.
Hiện hãng Jeju Air đang khai thác 39 máy bay Boeing B737-800, chiếm gần hết tổ bay gồm 41 máy bay của mình.
Thảm kịch máy bay ngày 29-12 và sự cố ngày 30-12 khép lại một năm đầy sóng gió của ngành hàng không dân dụng thế giới.
Từ sau vụ va chạm trên đường băng giữa máy bay dân dụng và máy bay quân sự tại sân bay Haneda (Nhật Bản) ngày 2-1 đến nay, thế giới đã liên tục ghi nhận một loạt vụ tai nạn, sự cố máy bay lớn chỉ trong vòng một năm.
Một trong những điểm nhấn đáng buồn trong năm qua là các vấn đề về kiểm soát chất lượng sản phẩm của hãng sản xuất máy bay Boeing.
Liên tiếp những vụ bung cửa, rơi bánh xe cùng nhiều lỗi kỹ thuật khác đã khiến Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đưa Boeing vào tầm ngắm và giảm năng suất sản xuất của hãng này, góp phần trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm máy bay toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận