06/12/2018 13:12 GMT+7

"Thêm một cơ hội để giữ Hội An mãi tử tế"

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Sau nhiều năm ấp ủ, thai nghén, tối 4-12 buổi lễ ra mắt đề án "Hội An nhân tình thuần hậu" chính thức được UBND TP Hội An tổ chức tại Quảng trường Sông Hoài với sự có mặt của hàng trăm người dân tại phố cổ.

Thêm một cơ hội để giữ Hội An mãi tử tế - Ảnh 1.

Sự gần gũi, thân thiện, thuần hậu tử tế là "một đặc sản" của Hội An. Ảnh: B.D

Chương trình ra mắt là cơ hội để gửi đi thông điệp tất cả người dân phố cổ cùng có trách nhiệm giữ gìn cho Hội An trong lành, thuần khiết và đẹp mãi trong mắt du khách, người ở xa.

"Làm việc gì cũng phải nghĩ đến hình ảnh Hội An"

Không phải là một chương trình nghệ thuật lớn nhưng buổi ra mắt vẫn nhận được sự theo dõi của đông đảo du khách và người dân phố cổ. Chương trình buổi lễ ngay ở những phút đầu tiên đã lấy khuôn mẫu câu chuyện từng được đề cập trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần về một cặp du khách nước ngoài, khi ghé một quán cà phê trong phố cổ Hội An đã để quên một chiếc túi. Hai nhân viên của quán – khi phát hiện đã cố gọi du khách để trả lại nhưng không thành công. Khi mở chiếc túi này ra, nhân viên của quán tá hoả và nảy sinh ý định lấy tài sản trong túi khi tiền mặt, trang sức, ngoại tệ rất lớn.

Tình cờ người mẹ của nhân viên quán cà phê biết câu chuyện và bày tỏ sự đau lòng khi biết con mình – dù lớn lên trong môi trường tử tế của nhiều thế hệ "tứ đại đồng đường", được giáo dục và uốn nắn bằng sự thuần hậu vốn đi vào gốc gác của người Hội An nhưng vẫn không thắng nổi lòng tham vật chất. "Bà con Hội An xưa nay vẫn đối xử với nhau tử tế vô cùng, không ai làm điều gì xấu với người khác và chính cha mẹ cũng đã thường dạy bảo con như thế. 

Tại sao con lại có ý nghĩ sẽ lấy số tiền đó? Mẹ rất đau lòng, con phải tìm cách trả lại cho người ta ngay, nếu không tìm được họ thì con có thể nhờ đến chính quyền để đưa lại cho họ. Mình có thể lấy được số tiền đó nhưng cái tổn thương của Hội An là quá lớn" – người mẹ khuyên.

Thêm một cơ hội để giữ Hội An mãi tử tế - Ảnh 2.

Một góc phố đi bộ tại phố cổ Hội An. Ảnh: B.D

Câu chuyện "demo" cho chương trình ra mắt này đã kết thúc có hậu và được ông Võ Phùng – giám đốc Trung tâm Văn hoá Thể thao TP Hội An giới thiệu rằng được xây dựng lại từ mẩu chuyện có thật trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Tất nhiên khi sân khấu hoá thì câu chuyện được biến tấu cho khác nhưng về cơ bản, câu chuyện hướng đến việc người dân Hội An như một cộng đồng thu nhỏ, sống trong một con phố không quá lớn về mặt diện tích, số dân nhưng lại có một bề sâu văn hoá dày dặn, đặc biệt là sự tử tế vốn có – như một thứ tài sản được các thế hệ truyền dạy bảo ban nhau để làm lẽ sống. 

Một người xe ôm nhận được túi xách của khách bỏ quên và phát hiện trong đó số tiền 8 triệu đồng, số tiền đó rất lớn đối với công việc nặng nhọc cõng khách mà người lao động nghèo đó lao lực hàng ngày nhưng giá trị ở chỗ người này đã vì hình ảnh cốt cách của người phố cổ mà cố gắng tìm cách để đưa lại số tiền về chủ nhân.

"Du khách tới Hội An không chỉ có phố cổ, không chỉ để nghỉ ngơi mà ở đó có những con người Hội An tử tế, tính cách người Hội An góp phần làm nên linh hồn di sản và nói hình tượng ra là một "đặc sản" của Hội An, điều đó đã được nhiều du khách và văn nghệ sĩ khẳng định" – ông Võ Phùng khi thuyết trình về đề án đã nói như vậy trước bà con, du khách Hội An.

Không thuần hậu, tử tế thì sẽ không còn là Hội An

Đề án "Hội An nhân tình thuần hậu" được thai nghén từ những năm 2013. Theo Trung tâm VH-TT Hội An thì tại thời điểm đó, du khách cũng không áp lực như hiện nay (3,2 triệu lượt mỗi năm) nhưng những người làm công tác quản lý văn hoá đã nhìn thấy những nguy cơ ở phía trước. Đó là một khi du khách gia tăng, buôn bán sầm uất và áp lực cuộc sống sẽ khiến con người sống trong phố cổ thay đổi.

"Thực tế là đã thay đổi và có nhiều hình ảnh rất đáng buồn. Bà con hãy nhìn lên màn hình và xem có những người dân của chúng ta đã đối xử với khách du lịch như thế nào" – giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An nói rồi chỉ tay lên hình ảnh clip chiếu một cảnh đánh lộn của chủ quán khi có mâu thuẫn với khách du lịch. Camera ở góc Chùa Cầu ghi lại cảnh một người đàn ông bộ dạng hung dữ, cầm chiếc gậy rượt đuổi một nam khách du lịch trong sự sợ hãi của những người xung quanh. "Điều đáng tiếc là việc này lại xảy ra ngay Chùa Cầu, một nơi đáng lẽ phải được trau chuốt, giữ gìn nhất" – ông Võ Phùng nói.

Thêm một cơ hội để giữ Hội An mãi tử tế - Ảnh 3.

Chùa cầu Hội An - một trong những điểm tập trung đông khách du lịch tại Hội An. Ảnh: B.D

Những hình ảnh nhếch nhác, đáng buồn khác được tiếp tục chiếu lên. Đó là cảnh tượng những túi nilong rác được người dân bỏ ngay trên vỉa hè, sát bên biển "cấm đổ rác". Đó là cảnh một nhóm du khách Tây đứng lần ngần ở vỉa hè ngã tư, họ không thể biết làm cách nào có thể qua được bên kia đường khi dưới chân họ là các vạch kẻ đường được quy định ưu tiên cho người đi bộ mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới thực hiện một cách tự giác như một thói quen. Trong khi đó, ở Hội An thì họ lại phải đối diện với những tiếng động cơ xe máy gào rít, lao vụt lấn đường bất chấp du khách, luật lệ.

Dù sống hàng đời ở Hội An, nhưng có lẽ khi được chứng kiến những hình ảnh đó người Hội An chẳng ai muốn nhìn thấy. Nhiều người đã im lặng và suy nghĩ về những việc của mình làm hàng ngày.

Đề án "Hội An nhân tình thuần hậu" mới chỉ đi vào giai đoạn bước đầu. Ý thức là cả một quá trình lâu dài, có khi qua từng thế hệ nhưng với những gì mà chính quyền, những người yêu mến phố cổ đang làm thì hoàn toàn có thể hy vọng một sự điều chỉnh cần thiết để đưa từng hành vi người dân phố cổ bám sát với tính cách cốt lõi đã tạo nên phố cổ ngày hôm nay.

9 nội dung vận động người dân phố cổ

1. Ông bà, cha mẹ sống mẫu mực. Con cháu sống hiếu thảo, chăm ngoan.

2. Nhường nhịn, giúp đỡ người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, trẻ em; thân thiện với mọi người. Thực hiện "văn hóa xếp hàng".

3. Nhường đường, chào tiễn biệt,… khi gặp đám tang.

4. Tôn trọng các phần đường hoặc lề đường ưu tiên, khu vực dành cho người đi bộ. Hạn chế bấm còi, bật đèn chiếu xa; không rồ ga, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông.

5. Không xả rác và vận động những người xung quanh không xả rác. Hạn chế tối đa sử dụng túi nilon.

6. Trang phục lịch sự, phù hợp khi buôn bán, trong các di tích và nơi công cộng.

7. Không gian lận, chèo kéo, chèn ép khách hàng. Không nói tục, chửi thề, cãi vã, gây ồn ào tại nơi ở và nơi công cộng.

8. Luôn chăm sóc và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên.

9. Cố gắng làm nhiều việc tốt, việc có ích hàng ngày

                                                                                                            


THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên