Nạo vét bùn thải tràn từ hồ thải quặng đuôi số 5 ở các mương thoát nước và mặt đường phía dưới chân đập - Ảnh: Gia Bảo |
Cách đây vài năm đã nổ ra cuộc tranh cãi khá gay gắt xung quanh việc đầu tư hay không các nhà máy khai thác và tuyển quặng bôxit tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Cuối cùng lần lượt hai nhà máy sản xuất alumin tại Tân Rai và Nhân Cơ cũng đã được xây dựng.
Tuy nhiên, dư âm về những phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học... về hai dự án này, trong đó có nỗi lo vỡ các hồ chứa nước thải, bùn đỏ thải thì vẫn còn giá trị như những cảnh báo, nhắc nhớ.
Cảnh báo đó càng được quan tâm hơn khi đúng thời điểm nước ta đang triển khai dự án Tân Rai và Nhân Cơ thì tại Hungary đã xảy ra thảm họa được coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử chế biến quặng bôxit và alumin: làm chết chín người, bị thương 122 người và ảnh hưởng nặng nề đến một vùng đất rộng lớn tới 40km2.
Đáp lại lo ngại, cảnh báo của các chuyên gia, phía chủ đầu tư và ngành chủ quản tiếp tục hứa hẹn, trấn an dư luận về những giải pháp tiên tiến hữu hiệu bảo đảm an toàn của hai dự án.
Bốn năm sau sự cố thảm họa bùn đỏ tại Hungary, ngày 8-10 tại khu vực hồ thải quặng đuôi số 5 thuộc Tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng (tức Nhà máy tuyển bôxit - alumin Tân Rai) đã xảy ra sự cố sạt lở mặt đập hồ chứa nước thải với nguyên nhân được xác định là do mưa to. Rất may không có thiệt hại nhân mạng và thiệt hại về vật chất cũng không lớn do được phát hiện và khắc phục kịp thời ngay trong đêm.
Mặt khác, theo như những người có trách nhiệm cung cấp thông tin của nhà máy thì 20.000m3 nước thải thoát tràn ra khỏi hồ chứa là nước rửa quặng, không phải nước thải bùn đỏ.
Tuy là sự cố chưa đến mức nghiêm trọng nhưng việc tràn hồ chứa nước thải rửa quặng cũng là cảnh báo cần thiết đối với các dự án tuyển quặng bôxit của nước ta. Bởi nếu như mưa lớn hơn và tình huống xấu nhất là vỡ hồ chứa bùn đỏ thì mức độ sẽ rất nghiêm trọng. Hơn nữa, hiện tại mới là giai đoạn đầu sản xuất với công suất, sản lượng còn khiêm tốn.
Một khi sản xuất quặng đạt công suất tối đa thiết kế (Nhà máy Nhân Cơ, Đắk Nông khi đạt sản lượng 650.000 tấn alumin/năm sẽ thải ra khoảng 1,4 triệu tấn bùn đỏ/năm và cả quá trình sản xuất của Nhà máy Tân Rai sẽ thải ra tổng lượng 80-90 triệu m3 bùn đỏ) thì càng cần thiết phải liên tục cảnh báo, cảnh giác với sự cố vỡ các hồ chứa, dù là chứa nước thải hay chứa bùn đỏ.
Đặc biệt, khác với nhiều nước, do các dự án khai thác quặng bôxit ở Tây nguyên có độ cao lớn so với đồng bằng nên các hồ chứa bùn thải, nước thải như những hồ nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu thì sự cảnh giác càng phải đề cao.
Người dân lo ngại 197 ý kiến phản hồi của bạn đọc cũng đã bày tỏ lo ngại về độ an toàn của các nhà máy alumin. Bạn đọc Vũ Minh đặt vấn đề: “Chúng ta có tin tưởng được độ an toàn của các đập hồ chứa bùn thải của hoạt động khai thác khoáng sản không khi mà đã có chuyện hồ bị sạt lở, nước và bùn tràn ra ngoài?”. Bạn đọc Đào Huy Hoàng cũng lo lắng: “Chúng ta đã lường trước nếu như vỡ đập chưa? Tôi nhớ không lầm thì các vị quyết tâm làm dự án này đều lên tiếng là an toàn... Nếu có sự cố vẫn an toàn, có đúng vậy không?”. Bạn đọc Nguyễn Đức Mạnh bổ sung: “Rồi đây mưa đầu nguồn, xả lũ... bùn đỏ, nước thải này sẽ đi đâu? Thảm họa sẽ vô cùng lớn cho các vùng, tỉnh thành lân cận nếu sự cố vỡ đập xảy ra”. Mang nỗi lo lắng của người dân ở những khu vực sẽ bị ảnh hưởng, bạn đọc Trần Hoa Thủy bày tỏ: “Nếu có chuyện vỡ đập, tràn bùn đỏ độc hại, tiếp theo sẽ là gì nữa?... Tôi đang ở TP.HCM, đang cùng hàng triệu người ở Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu uống nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Mong rằng sẽ không có chuyện bùn đỏ tràn ra các sông này”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận