Phóng to |
Rất nhiều loại phụ gia hiện được bán phổ biến tại chợ Kim Biên (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D. |
Danh mục phụ gia thực phẩm vừa được Bộ Y tế công bố có hiệu lực từ ngày 1-2 đã bổ sung 125 loại phụ gia mới.
Số phụ gia bổ sung, danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm lên 400 loại (so với quy định cũ ban hành năm 2001 có 275 loại).
Lo ngại hàng chợ
"Muốn thực hiện tốt quy định này phải cần thêm hai yêu cầu là tự giác của nhà sản xuất, kể cả sản xuất nhỏ lẻ, và năng lực kiểm nghiệm độc lập. Nhưng thực tế những năm qua đã cho thấy thật khó trông vào sự tự giác" Một chuyên gia về chính sách y tế |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho hay đang có một bất cập xảy ra với danh mục phụ gia mới. Cụ thể, các hóa chất dùng làm phụ gia thực phẩm vốn kinh doanh theo Luật hóa chất, cứ có giấy phép kinh doanh, sản xuất/nhập khẩu hợp pháp là được bán hàng nên rất khó kiểm soát khi hóa chất được mua để làm phụ gia thực phẩm. “Formol vốn được dùng nhiều trong y học, nhưng khi đi giám sát thực phẩm vừa rồi chúng tôi phát hiện cả formol trong gạo xay nhằm mục đích tăng tỉ lệ nở và kéo dài thời gian bảo quản” - vị đại diện này dẫn chứng.
Một ví dụ khác liên quan đến việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm nhưng cuối cùng không xử lý được là vụ việc cơ quan công an phát hiện một cơ sở ở Hoài Đức, Hà Nội sử dụng bột đá làm kẹo. Bột đá vốn có tên trong danh mục phụ gia sản xuất kẹo nhằm làm kẹo giòn và ngon hơn, nhưng yêu cầu bột đá làm phụ gia phải đảm bảo độ tinh khiết đến 99,9%. Tuy nhiên khi sản xuất kẹo, các nhà sản xuất đã dùng loại bột đá công nghiệp có độ tinh khiết chỉ 80-90%, không đảm bảo sức khỏe người sử dụng. Nhưng khi kiểm nghiệm không đánh giá được mức độ tinh khiết của bột đá, cơ quan chức năng đành... chịu. Tình hình này rất dễ gặp lại ở nhóm thực phẩm gia công, hàng chợ, không kiểm soát được quy trình sản xuất và hàm lượng phụ gia được sử dụng.
Kiểm soát cách nào?
Tại Hà Nội, hiện khu vực chợ Đồng Xuân, phố Hàng Bồ, Hàng Buồm là “đại bản doanh” của phụ gia thực phẩm. Tại TP.HCM, chợ Kim Biên là trung tâm kinh doanh phụ gia. Ông Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, kể có lần ông phát hiện người ta bán hàn the - loại phụ gia bị cấm - trong giò chả, bánh cuốn ở ngay cột điện. “Người tiêu dùng VN rất dễ tính” - ông Đáng nhận xét.
Trong một tháng qua, khi đường hóa học cyclamat vẫn nằm trong danh mục phụ gia bị cấm sử dụng, cơ quan quản lý thị trường và y tế vẫn phát hiện cyclamat trong bánh snack, nước ngọt... sản xuất ở ngay Hoài Đức để chuẩn bị tung về các chợ nhỏ cho bà con đón xuân. Nay loại phụ gia này có trong danh sách được phép, rất có thể nó sẽ tràn lan trong các hàng chè, bánh kẹo, nước ngọt uống liền và đóng chai, đặc biệt là sản phẩm gia công, hàng chợ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm), cho rằng có hai cơ chế kiểm soát hàm lượng phụ gia gồm kiểm tra quy trình sản xuất và phân tích sản phẩm. “Phân tích sản phẩm đắt và không phải lúc nào cũng làm được, nhưng không phải vì đắt mà không làm. Thời gian qua Cục An toàn thực phẩm đã triển khai giám sát bằng cách tăng cường kiểm tra các sản phẩm có nghi ngờ về chất lượng, ngăn chặn trước khi sản phẩm bẩn đến tay người tiêu dùng” - ông Hùng cho biết.
Tuy nhiên, thời gian qua khi danh mục phụ gia còn hẹp, dễ kiểm soát thì vấn đề phụ gia thực phẩm đã nổi lên như một trong những vấn nạn với sức khỏe người tiêu dùng. Nay danh mục mới mở rộng với 400 loại, trong đó có tới 125 loại phụ gia mới, quản lý làm sao để phụ gia được sử dụng trong thực phẩm đúng ngưỡng quy định để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng là vấn đề đang được đặt ra.
Theo ông Hùng, công khai danh mục này cũng nhằm để nhà sản xuất nắm được và khi họ vi phạm không thể lấy lý do “vi phạm do không nắm được” nữa. Cục An toàn thực phẩm đã có kế hoạch tập huấn về danh mục này ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận