Sinh viên rời khỏi ký túc xá ĐHQG TP.HCM, để nơi này thành khu cách ly tập trung trong những tháng vừa qua - Ảnh: HOÀNG AN
Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng để xây dựng nhà ở xã hội, vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ bổ sung vào đề án phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, dù đang chờ phê duyệt nhưng chí ít cũng chứng minh rằng mong muốn an cư lạc nghiệp của người lao động đã được lắng nghe và thấu cảm.
Ai từng hơn 10 năm thuê phòng trọ rất thấm thía điều này. Khăn gói vào TP.HCM mưu sinh từ tuổi đôi mươi, lập gia đình và đã có con, thu nhập của hai vợ chồng gộp lại cũng không đến nỗi nào, nhưng chuyện mua căn hộ bình dân trả góp vẫn còn là ước mơ.
Người đi làm dù sao cũng có thu nhập trang trải tiền phòng trọ, nhưng với sinh viên sẽ là khoản chi không nhỏ khi phải trông chờ nguồn tiếp tế vốn rất hạn hẹp từ gia đình. Sắp tới đây hàng trăm ngàn sinh viên nhập học. Vì vậy, "cơn sốt" chỗ trọ chắc chắn còn tiếp diễn, giá cả cho thuê tha hồ "nhảy múa".
Rất nhiều trường đã có ký túc xá (KTX) từ lâu, nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với số lượng lớn sinh viên ngoại tỉnh. Cần thêm KTX có công suất ngang bằng số lượng sinh viên tiếp nhận đào tạo của các trường. Không nhất thiết "bao cấp", các trường vẫn có thể thu phí với mức giá "sinh viên" để tạo nguồn duy tu KTX.
Chắc chắn đông đảo sinh viên sẽ đồng thuận vì không chỉ được hưởng nhiều tiện ích mà còn yên tâm hơn so với thuê phòng trọ. Với các trường đại học tư thục, cần ràng buộc chăm lo nội trú cho sinh viên bên cạnh công tác tuyển sinh.
Hiện thực hóa điều này, chủ nhà trọ cơ sở tất nhiên sẽ đầu tư nâng chất lượng phục vụ đi đôi với giá cả phải chăng. Có chung cư cho công nhân, KTX cho sinh viên sẽ giúp khả năng ứng phó tốt hơn khi dịch bệnh xuất hiện, giữ ổn định cuộc sống người từ ngoại tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận