21/03/2012 05:40 GMT+7

Thêm kỹ năng giúp giáo viên kiềm chế

NGUYỄN ĐỨC
NGUYỄN ĐỨC

TT - 32 ý kiến phản hồi bài viết “Sốc khi nghe con nói về cô giáo” (Tuổi Trẻ ngày 20-3) đã cùng phân tích nguyên nhân xảy ra câu chuyện và bàn cách hạn chế những hình ảnh không hay như thế trong môi trường sư phạm.

Cẩn trọng ngôn từ

Đầu óc con trẻ ví như tờ giấy trắng vậy. Tờ giấy trắng đó sẽ được in lên các hình ảnh tốt hay xấu khi các em tiếp xúc ngoài xã hội và trường học. Cô giáo nêu trong bài viết trên đã in một vết nhơ trên tờ giấy trắng rồi. Sự cứng rắn trong giáo dục là điều cần thiết để răn đe, nhưng cách cư xử như thế là phản sư phạm.

Một vết roi trên mông không làm đau lòng phụ huynh, vì có đau thì cái đau sau đó tan biến và con em mình có được cái đúng trong tâm hồn. Còn vết nhơ bằng lời nói trong tâm hồn sẽ rất khó tan biến. Do vậy, các thầy cô cần cẩn trọng trong ngôn từ sử dụng với học sinh.

Phạm Quốc Khanh

Còn thiếu kỹ năng sư phạm

Tôi cũng là một giáo viên có hơn 10 năm đứng trên bục giảng. Những trường hợp giáo viên có ngôn từ phản cảm thế này là do cô giáo quá nôn nóng, thiếu những kỹ năng sư phạm cần thiết để ứng xử và do một phần cô nghĩ học sinh còn nhỏ nên không biết gì... Những nôn nóng này của cô giáo ta có thể hiểu được là cô thất vọng vì học sinh làm bài sai không đáng hay học sinh không nghe lời... gây khó khăn, vất vả cho cô trong quá trình giảng dạy.

Học sinh lúc nào cũng vậy, không thể tránh khỏi có những em chưa ngoan vì nhiều lý do: ở nhà các em được cưng chiều và thường ít làm việc nhà hay làm việc cẩu thả... Ngoài ra, giáo viên còn có những áp lực về hồ sơ, sổ sách, kiểm tra, thanh tra... Nhưng dù gì đi nữa, những ngôn từ này cũng không thể chấp nhận trong môi trường sư phạm được.

damthixuanuyen@...

Phân cấp giáo viên chưa hợp lý

Đây là vấn đề tồn tại lâu nay trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Không như cấp học THCS và THPT chủ yếu là truyền thụ kiến thức, cấp học mầm non và tiểu học, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức còn giúp các em hình thành nhân cách.

Xét theo độ khó trong giảng dạy thì mầm non và tiểu học cần giáo viên có trình độ cao, kiến thức rộng, nhân cách tốt để xây nền móng vững chắc cho nhân cách và tri thức của các em sau này.

Nhưng trình độ giáo viên của chúng ta đang thể hiện điều ngược lại, tốt nghiệp cao đẳng hay 9+3 là có thể trở thành giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non. Sự việc như bài báo nêu trên lỗi do đâu? Phải chăng do sự phân cấp giáo viên chưa hợp lý tạo nên?

windychieu@...

Cung cấp thêm kỹ năng tâm lý

Với áp lực công việc, áp lực gia đình và xã hội, mọi người ai cũng có thể bị căng thẳng, cáu gắt, bực bội và giáo viên cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, không vì thế mà quên mất vị trí, vai trò của nhà mô phạm, của tấm gương không chỉ các em học sinh noi theo mà toàn xã hội luôn hướng theo.

Rất mong các thầy cô giáo luôn nhớ mình là nhà mô phạm. Và cũng rất mong ngành giáo dục nghiên cứu dành ra một buổi trong chương trình giảng dạy tuần để sinh hoạt cho giáo viên kỹ năng về tâm sinh lý lứa tuổi. Đây cũng là cách giảm bớt căng thẳng và giúp giáo viên cải thiện môi trường làm việc.

Hồng Dân

Gia đình cần san sẻ

Cha mẹ có một hay hai đứa con nhỏ, hướng dẫn dạy bảo còn có khi không xong. Một thầy hay cô với trên 30 trẻ trong lớp thì gánh trên vai nặng lắm. Hãy thông cảm với thầy cô bằng cách các bậc phụ huynh cố gắng phụ giúp thầy cô dạy dỗ trẻ thêm ở nhà từ việc học đến chuyện lễ nghĩa, đạo đức...

Bên cạnh đó, gia đình cần phối hợp tốt với thầy cô để chú ý uốn nắn kịp thời khi trẻ có những biểu hiện chưa tốt trong học tập và sinh hoạt. Có như vậy, thầy cô sẽ bớt đi gánh nặng và tập trung hướng dẫn chuyên trong việc học chữ.

NGUYỄN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên