Vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ do Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức sáng 12-10.
Theo ông Lâm, lúc 7h sáng nay, áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông Đông Bắc với sức gió mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 9.
"Gần như chắc chắn áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão vào trong ngày hôm nay, sớm nhất là trưa hoặc chiều nay sẽ mạnh lên thành bão. Hướng di chuyển chủ yếu Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h", ông Lâm nói
Theo ông Lâm, hiện nay không khí lạnh vẫn tồn tại nên dự báo diễn biến cơn bão sẽ rất phức tạp.
"Các dự báo có hai kịch bản được đưa ra, kịch bản lớn hơn là bão sẽ đi hướng Tây Tây Bắc qua đảo Hải Nam, xuống vịnh Bắc Bộ, khi đó diễn biến về cường độ và hướng di chuyển rất khó lường.
Khả năng thứ hai bão sẽ đi thấp hơn nếu như không khí lạnh được bổ sung mạnh hơn, khi đó bão sẽ đi phía nam đảo Hải Nam rồi vào vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, cả hai kịch bản đều gây mưa ở Trung Bộ", ông Lâm nói.
Ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo ông Lâm, với kịch bản như Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn dự báo, trong 2-3 ngày tới ở Trung Bộ vẫn có mưa, cường độ mưa giảm từ ngày 13-10. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khoảng 150-300mm, có nơi trên 350mm. Các tỉnh, thành Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng khoảng 80-150mm, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 50-100mm.
"Khi bão gần bờ thì mưa sẽ tập trung ở Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Khi bão vào bờ thì Trung Bộ có thể mưa lớn trở lại vào ngày 15 hoặc 16-10", ông Lâm nói.
Ông Lâm cũng cho biết do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Cà Mau, khu vực Biển Đông (bao gồm cả hai vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ông Lâm cũng lưu ý hiện nay phía nam Philippines có vùng thấp đang phát triển, khoảng ngày 15-10 sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông. Diễn biến cơn bão này sẽ phụ thuộc vào không khí lạnh và diễn biến cơn áp thấp nhiệt đới hiện tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận