08/07/2013 09:33 GMT+7

Thêm kênh giám sát tiêu cực thi cử: 04.38682136, 0989538415

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Thanh tra Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức bộ phận trực thanh tra, song tăng cường lực lượng trực và xác lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn.

mWONKYFA.jpgPhóng to
Đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT thanh tra kỳ thi tuyển sinh ĐH tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Trần Huỳnh

Lần đầu tiên, Thanh tra Bộ GD-ĐT lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tiêu cực trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 từ tất cả các nguồn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết:

- Tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, thanh tra bộ tổ chức bộ phận trực thanh tra với số điện thoại của bộ phận chuyên môn tại cơ quan để tiếp nhận, xử lý thông tin từ các trưởng đoàn thanh tra, các sở GD-ĐT.

Kỳ thi tuyển sinh 2013, thanh tra bộ vẫn tổ chức bộ phận trực thanh tra, song tăng cường lực lượng trực và xác lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn.

Đây là việc làm cần thiết nhằm thực hiện tốt những điểm mới trong kỳ thi năm nay. Số điện thoại 04.38682136 (trong giờ làm việc) và số điện thoại 0989538415 (cả ngoài giờ làm việc) đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc tiếp nhận trực tiếp thông tin từ người dân giúp tăng kênh giám sát nhằm phát hiện kịp thời những gian lận thi cử nếu có, góp phần bảo đảm một kỳ thi “sạch” theo nghĩa không chỉ từ đánh giá của bộ mà chính từ phản hồi của dư luận.

* Từ khi lập đường dây nóng, đã có thông tin tiêu cực nào được phản ảnh và bộ xác minh những thông tin này như thế nào, thưa ông?

- Có khá nhiều người gọi đến các số điện thoại nêu trên, trong đó phần lớn đề nghị giải thích vướng mắc như lịch thi các môn thế nào, trót quên ghi số báo danh ở một tờ giấy thi rồi thì sao... Chúng tôi đã căn cứ quy chế để giải thích cho người hỏi. Cũng có những thông tin phản ảnh nghi ngờ điểm thi này, điểm thi kia “có vấn đề”. Thanh tra bộ lập tức chỉ đạo đoàn thanh tra phụ trách khu vực lưu tâm, xác minh. Qua báo cáo thì đúng là có điểm thi sát nhà dân quá, có điểm thi bố trí thiếu cán bộ giám sát... Các đoàn thanh tra đã lập biên bản ghi nhớ, yêu cầu tăng cường lực lượng bảo đảm an toàn. Chúng tôi cũng chỉ đạo các đoàn có thể quay lại kiểm tra việc khắc phục nếu cần thiết.

* Trong đợt thi thứ nhất, các hội đồng thi đã phát hiện hai trường hợp thi thuê. Khi phát hiện trường hợp thứ nhất tại Học viện An ninh nhân dân, Thanh tra Bộ Công an đã nhắc nhở các hội đồng và nhờ đó trường hợp thứ hai được phát hiện ở Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy. Còn Thanh tra Bộ GD-ĐT có nhắc nhở các hội đồng thi tăng cường cảnh giác, phát hiện kịp thời những trường hợp thi “không chính chủ”?

- Thi hộ, thi thuê là những vi phạm nặng và có thể chịu những chế tài nghiêm khắc, cả đối với người thi thuê, thi hộ, cả đối với người tổ chức thi thuê, thi hộ (nếu có). Những phát hiện trong đợt 1 thể hiện trách nhiệm cao của lực lượng làm công tác coi thi, trong đó có lực lượng thanh tra. Trong quy chế thi đã có nhiều quy định phòng ngừa và xử lý hành vi vi phạm này.

Trong đợt thi tiếp theo, bộ sẽ tiếp tục nhắc nhở các hội đồng thi yêu cầu cán bộ coi thi làm đúng trách nhiệm (quán triệt kỹ cho thí sinh, trực tiếp đối chiếu ảnh thí sinh khi vào phòng thi và trong quá trình thi, giám sát kỹ và kịp thời xác minh nếu có nghi ngờ...) để kịp thời phát hiện loại vi phạm này. Việc đối chiếu danh sách ảnh phòng thi và thí sinh dự thi thật của từng môn thi là thao tác đơn giản, nhưng là cơ sở quan trọng để phát hiện những trường hợp thi thuê, thi hộ. Các đoàn thanh tra lưu động cũng đã được nhắc nhở tăng cường giám sát việc sử dụng ảnh để đối chiếu tại các hội đồng thi, bảo đảm việc thực hiện đúng quy chế.

iuqKlwTL.jpgPhóng to
Ông Hà Hữu Phúc - phó vụ trưởng, phó giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - thanh tra kỳ thi tuyển sinh ĐH tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: Trần Huỳnh

* Trước kỳ thi, nhiều hội đồng thi đã cảnh báo và dự phòng những tình huống phòng chống gian lận thi cử bằng công nghệ cao. Đợt thi đầu có phát hiện trường hợp nào không, thưa ông?

- Đúng là sự phát triển công nghệ có thể tạo ra nhiều loại thiết bị rất tinh vi, có thể lợi dụng để gian lận thi cử. Trước kỳ thi, nhiều hội đồng đã rất cảnh giác với hình thức gian lận này. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được báo cáo chính thức về trường hợp sử dụng công nghệ cao nào.

* Ông có lời nhắn nhủ gì với thí sinh sắp bước vào đợt thi thứ hai, tránh những vi phạm quy chế đáng tiếc?

- Kỳ thi đầu tiên diễn ra khá suôn sẻ, tuyệt đại đa số thí sinh đã nghiêm túc làm bài. Tuy vậy, vẫn còn một số vi phạm mà điển hình là hành vi mang điện thoại di động vào phòng thi. Mang điện thoại di động vào phòng thi là vấn đề không mới, nhưng đáng tiếc thí sinh vẫn vi phạm nhiều. Có thí sinh giải trình điện thoại mang vào chưa sử dụng, thậm chí đã tắt nguồn nên chưa gây hậu quả! Tôi xin nói rõ việc mang điện thoại di động vào là hành vi bị nghiêm cấm, đã nêu trong quy chế vì hành vi này chứa đựng nguy cơ mất trật tự, mất an toàn, là phương tiện để gian lận và có thể có nhiều hệ lụy kéo theo. Vì vậy các hội đồng thi đã xử lý nghiêm túc, đúng quy chế. Đây là vấn đề không mới cần tiếp tục quan tâm. Các hội đồng thi, các cán bộ coi thi cần tiếp tục phổ biến kỹ cho các em ngay từ khi làm thủ tục và nhắc nhở, giám sát chặt chẽ trong từng buổi thi.

Chúng tôi cũng muốn nói thêm với các thí sinh và người nhà thí sinh cần nghiêm túc thực hiện quy chế, rà kỹ các vật dụng mang vào phòng thi bảo đảm đúng quy định, tránh vi phạm đáng tiếc (dù là vô ý) như các trường hợp đã xảy ra.

Phát hiện thí sinh dùng thiết bị để truyền bài giải

Tại môn thi toán sáng 4-7, tại điểm thi Trường trung cấp Cảnh sát của hội đồng thi Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, một thí sinh tại phòng thi số 6 bị giám thị phát hiện có biểu hiện bất thường khi liên tục nghiêng đầu sang một bên rồi lấy tay che miệng. Sau khi kiểm tra, giám thị phòng thi phát hiện thí sinh dùng thiết bị để chuyển bài giải từ ngoài vào. Theo đó, có một thiết bị nhỏ bằng bao diêm, mỏng dẹt được thí sinh gắn vào phía trong áo, không có tai nghe, nhưng thí sinh chỉ cần nghiêng đầu là nghe đọc được bài giải từ bên ngoài truyền vào. Một micro nhỏ được thí sinh gắn vào cổ áo, thi thoảng lại che miệng thì thầm thông tin ra ngoài để chờ lời giải.

Theo thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn - hiệu trưởng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, thí sinh sử dụng công nghệ truyền tin để chép bài đang là đối tượng công dân phục vụ có thời hạn trong lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội nên sau kỳ thi nhà trường sẽ làm công văn gửi đến Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thông báo về trường hợp này. Theo quy định, với lỗi vi phạm gian lận dẫn đến bị đình chỉ thi, thí sinh sẽ bị loại ngay ra khỏi lực lượng.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên