TP.HCM, Hà Nội là nơi tập trung hàng trăm bệnh viện dẫn đến nhu cầu về máu luôn cao, ngoài ra những nơi này còn cung cấp máu cho hàng chục tỉnh thành trên cả nước. Thế nhưng nghịch lý hiện nay tình trạng nơi cần máu, nơi "thừa máu" vẫn diễn ra.
Có máu nhưng không thể dùng
Giữa tháng 7-2024, Trung tâm Quản lý ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP.HCM đã có văn bản gửi đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP về việc đề nghị hỗ trợ phối hợp thành lập điểm hiến máu cố định.
Theo đó, KTX hiện có diện tích 42,08ha, gồm khu A và khu B với 47 tòa nhà là nơi tập trung của gần 36.000 sinh viên nội trú.
Hằng năm, vào thời điểm tiếp nhận sinh viên nội trú trung tâm có triển khai cho sinh viên đăng ký hiến máu tình nguyện, số lượng từ 10.000 đến 12.000 sinh viên/năm.
"Với số lượng sinh viên luôn thường trực tại trung tâm đông, tuổi trẻ nhiều nhiệt huyết với mong muốn cống hiến cho xã hội. Trung tâm rất mong muốn được thành lập một điểm hiến máu cố định", văn bản nhấn mạnh.
Đề nghị này ngay lập tức được Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM cho phép mở thí điểm thành điểm hiến máu cố định ngay tại KTX. Đây cũng là địa điểm đầu tiên tại TP mở mô hình này (ngoài năm điểm hiến máu cố định thuộc các trung tâm hiến máu), bước đầu đã phát huy được hiệu quả nhất định.
Bạn N.N. 22 tuổi, sinh viên năm 4 ngụ tại KTX khu A, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết rất vui mừng khi KTX mở điểm hiến máu cố định, sinh viên có thể đến hiến bất cứ lúc nào muốn, rất tiện lợi.
"Thường các bạn sinh viên muốn hiến máu phải đi đến các điểm hiến máu ở địa phương tổ chức, hoặc có dịp chương trình của một số đoàn nào đó đến phát động mới hiến máu được. Không có điểm hiến máu cố định nhiều bạn phải đi lại rất xa hoặc lịch học bị trùng dẫn đến bỏ lỡ dịp hiến máu.
Có nhiều thời điểm đọc thấy thông tin cần người hiến máu mà KTX đông sinh viên đây là nguồn cung cấp máu hiến ổn định. Ngoài việc hiến máu giúp đỡ mọi người, sinh viên còn có thêm các điểm rèn luyện, điểm công tác xã hội", bạn N. nói.
Mở thêm điểm cố định là có cơ sở
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Như Tố - nguyên giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo (TP.HCM), đội trưởng đội hiến máu - cho biết hiện KTX Đại học Quốc gia TP.HCM là đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm mô hình hiến máu cố định của TP. Dù là thời điểm nghỉ hè nhưng Trung tâm Hiến máu nhân đạo đã thu nhận đợt 1 hơn 200 đơn vị máu từ các bạn sinh viên.
Bà Tố đánh giá đây là mô hình cho thấy có hiệu quả, lợi cho cả sinh viên lẫn phía đơn vị nhận máu. Khi mở điểm cố định, sinh viên có thể hiến máu ngay tại chỗ mình học tập và sinh hoạt, không cần phải đợi đến có đợt mới hiến.
Hiện nay việc tổ chức hiến máu đa phần do Hội Chữ thập đỏ quận, huyện, TP Thủ Đức đảm nhận và các nơi sẽ đăng ký với trung tâm vào một ngày cố định, đơn vị sẽ điều xe, nhân lực đến hỗ trợ mỗi tháng.
Nhiều người phải đợi đến lịch, có đợt hiến máu hoặc thời gian hiến máu trùng với lịch làm việc, nghỉ ngơi nên bất tiện không thể đi hiến dẫn đến không tận dụng được tối đa nguồn máu, hiện nay các điểm hiến máu cố định vẫn còn ít.
Cũng theo bà Tố, TP.HCM không chỉ cung cấp máu cho riêng địa phương mình mà còn cung cấp máu cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, do vậy lượng máu sẽ biến động liên tục.
"Nếu chỉ cung cấp cho riêng TP lượng máu dự trữ sẽ đủ, nhưng nếu cung cấp cho các tỉnh khác, lượng dự trữ sẽ giảm hoặc thiếu" - bà Tố nói.
TS Trần Thanh Tùng - phụ trách Trung tâm truyền máu huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết đơn vị hiện nay có nhiệm vụ thu gom máu, sản xuất và cấp phát máu cho năm tỉnh miền Đông, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất. Ngoài ra còn chi viện thêm máu cho các tỉnh Cần Thơ và Cà Mau. Do vậy, hiện nay vẫn rất cần người dân đến trực tiếp trung tâm để hiến máu. Bệnh viện sẽ tổ chức lấy máu ở năm tỉnh miền Đông hoặc một số nơi có nhu cầu hiến máu.
"Ở miền Đông đã thí điểm thành lập điểm hiến máu cố định ở Đồng Nai. Mỗi ngày trung tâm sẽ có hai đoàn đi các địa phương ở miền Đông lấy máu về trung tâm truyền máu để điều chế. Hiện nay nếu có thêm điểm hiến máu cố định ở nhiều địa phương lấy máu rồi chuyển về trung tâm điều chế sẽ rất có lợi", bác sĩ Tùng nói.
Bác sĩ Tùng nhận định việc thiếu máu có thể xảy ra đột biến nếu có bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm hoặc giai đoạn nào đó có nhiều bệnh nhân cùng nhóm máu cần truyền sẽ thiếu cục bộ một số loại máu.
Tăng điểm hiến máu cố định ở Hà Nội
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Ngọc Quế, giám đốc Trung tâm máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, cho hay từ năm 2019, viện đã xin phép Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội để xây dựng các điểm hiến máu cố định. Đến nay, tại Hà Nội đã có năm điểm hiến máu cố định, được phân bố tại các quận huyện và đơn vị cũng đang cung cấp máu cho gần 30 tỉnh thành phía Bắc.
Sau gần 5 năm xây dựng các điểm hiến máu cố định, ông Quế nhận định đã mang lại hiệu quả tích cực.
Cụ thể, số người hiến máu tăng dần, lượng máu hiến ổn định hơn và người dân hiến máu thường xuyên tăng lên. Hiện mỗi ngày, mỗi điểm hiến máu tiếp nhận từ 15-20 đơn vị máu và con số này đã tăng dần theo các năm.
Theo ông Quế, những điểm hiến máu phải gần với người dân, thuận tiện cho người dân di chuyển khi muốn hiến máu. Vì vậy, kế hoạch trong tương lai, viện sẽ tổ chức thêm các điểm hiến máu cố định.
Tuy nhiên, ông Quế cũng cho rằng việc tổ chức các điểm hiến máu cố định này còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, không phải là điều dễ dàng.
"Thứ nhất phải phụ thuộc vào ban chỉ đạo vận động hiến máu, các trung tâm, bệnh viện có đủ điều kiện để tiếp nhận máu hiến không.
Thứ hai cần phải tính toán cơ sở, địa điểm và nhân lực thực hiện tiếp nhận, vận chuyển máu hiến. Đặc biệt, phải có kế hoạch dài hạn để những điểm hiến máu cố định mỗi ngày đều phải có người đến hiến máu.
Bên cạnh đó, việc hiến máu cố định chi phí sẽ cao hơn nhưng về lâu dài sẽ an toàn và hiệu quả sẽ cao hơn. Giúp người dân thuận tiện đến điểm hiến máu, có kế hoạch hiến máu thường xuyên, từ đó xây dựng thói quen hiến máu trong các cộng đồng", ông Quế nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận