Thêm chuyện lạ về nhà vệ sinh trường học giá "khủng"

TRÀ GIANG - VIỆT HÙNG
TRÀ GIANG - VIỆT HÙNG

TT - Không chỉ dừng lại ở nhà vệ sinh có giá trên 700 triệu đồng, khó hiểu hơn, có trường đã có hai nhà vệ sinh vẫn được Sở GD-ĐT Quảng Ngãi “ấn” tiếp cho cái thứ ba có giá gần 600 triệu đồng.

IGnwNVGo.jpgPhóng to
Nhà vệ sinh được Sở GD-ĐT “ấn” xuống với giá gần 600 triệu đồng (trái) và nhà vệ sinh do SEQAP tài trợ (phải) tại Trường tiểu học Long Sơn - Ảnh: TR.GIANG - K.TRÀ

Đó là Trường tiểu học Long Sơn (huyện Minh Long) có tới hai nhà vệ sinh được tài trợ xây dựng và một nhà vệ sinh cũ của trường.

Chẳng hiểu tại sao sở lại “ấn” xuống

"Trường cũng báo với sở đã có một khu nhà vệ sinh rồi, nhưng chẳng hiểu tại sao sở vẫn “ấn” tiếp cái nữa"

Thầy Võ Chí Tư (phó hiệu trưởng Trường tiểu học Long Sơn)

"Số tiền ấy đủ để làm nhà tầng và các hạng mục vệ sinh khang trang trong căn nhà ấy"

Cô Đỗ Thị Lan (hiệu trưởng Trường tiểu học Hành Thịnh)

Một cái có số vốn gần 600 triệu đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT). Một cái do nước ngoài viện trợ (chương trình SEQAP) vốn gần 1 tỉ đồng gồm một nhà vệ sinh và một phòng học. Điều lạ là cả hai dự án này dù nguồn vốn khác nhau nhưng cũng do Sở GD-ĐT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư và được bàn giao đưa vào sử dụng cách nhau chỉ hai tháng.

Thầy Võ Chí Tư - hiệu phó nhà trường - cho biết: “Việc thiết kế, xây dựng, giám sát thi công, trường không được tham gia. Mọi công tác phê duyệt, chọn nhà thầu đều do Sở GD-ĐT trực tiếp làm. Trường chỉ nhận chìa khóa trao tay”. Thầy Tư kể trước khi xây nhà vệ sinh mới (cái sau), nhà trường cũng báo với Sở GD-ĐT, UBND huyện và Phòng GD-ĐT là trường đã có một khu nhà vệ sinh rồi nên xin được đầu tư máy móc thiết bị, phòng học nhưng chẳng hiểu sao sở vẫn “ấn” tiếp cái nữa, chẳng lẽ trường không nhận. Vậy là Trường Long Sơn có đến ba nhà vệ sinh (hai mới, một cũ).

Tại Trường tiểu học Hành Thịnh (huyện Nghĩa Hành), bên cạnh nhà vệ sinh cũ là nhà vệ sinh mới được xây dựng hơn 593 triệu đồng, được bàn giao cho trường sử dụng đầu năm học 2012. Cô Đỗ Thị Lan - hiệu trưởng nhà trường - cho biết dù mới sử dụng nhưng máy bơm nước thường xuyên bị trục trặc nên nước bữa có bữa không. “Quá trình thi công Sở GD-ĐT cũng cơ cấu hiệu trưởng vào ban giám sát, nhưng bản vẽ thiết kế mình đâu biết gì, vào ban giám sát cho vui, thấy không hợp lý thì có ý kiến đề nghị cho có” - cô Lan kể. Dù chuyên môn là quản lý giáo dục, khi so sánh công trình với số vốn đầu tư, cô Lan cho rằng thiết kế như vậy nhỏ so với kinh phí, thực tế làm chắc cũng không bao nhiêu.

Cô Lan kể thêm trường đang thiếu nhà vệ sinh, nhưng cũng đâu cần mức quy mô như vậy. Cái cần thiết nhất của trường hiện nay là lớp học, bàn ghế đầu tư hơn 20 năm rồi, hư hỏng mất 60%, xuống cấp nghiêm trọng vẫn chưa có kinh phí thay mới. Mỗi khi đến hè, các trường khác được nghỉ ngơi thì Trường Hành Thịnh lại bắt tay vào sửa chữa để phục vụ các em học sinh năm học mới. Nhìn những bàn ghế chắp vá, cũ kỹ mà xót. “Nếu nhà vệ sinh làm khoảng 100 triệu thôi, còn lại gần 500 triệu đồng dành mua bàn ghế với mức 1 triệu đồng/bộ như hiện nay sẽ đảm bảo cơ sở vật chất cho các em” - cô Lan chia sẻ.

XmPFAZjW.jpgPhóng to
Nhà vệ sinh được xây sơ sài thế này là của Trường tiểu học Đức Thắng có giá 560,7 triệu đồng - Ảnh: K.TRÀ

Giá cao vì thi công “kỹ thuật cao”

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Văn Phu, phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, lý giải: “Sở dĩ nhà vệ sinh có giá trị đầu tư cao như vậy là do tuân thủ thiết kế, thi công “kỹ thuật cao”, nền móng vững chắc theo yêu cầu của đối tác nước ngoài hỗ trợ vốn”.

Nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng - trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh Quảng Ngãi, thành viên trực tiếp giám sát thực tế các nhà vệ sinh giá “khủng” - lại cho rằng: “Nguồn kinh phí đầu tư dự án xây dựng các nhà vệ sinh trường học nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Bộ NN&PTNT chủ trì. Nguồn vốn bộ chuyển về Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Nhưng do thuộc lĩnh vực giáo dục, sở này chuyển qua Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư nên ban này kêu rơi vào bị động, lúng túng”. “Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình đầu tư ở sáu huyện miền núi của tỉnh nhằm đánh giá hiệu quả dự án có tác động đến tỉ lệ giảm nghèo hay không, có tương thích với nguồn vốn đầu tư hay không. Kết quả giám sát sẽ báo cáo trước kỳ họp HĐND vào cuối năm nay” - ông Hùng nói thêm.

Trung bình mỗi khu nhà vệ sinh trên 510 triệu đồng

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, từ năm 2010 đến nay sở đã làm chủ đầu tư xây dựng 24 công trình nước sạch, nhà vệ sinh với tổng kinh phí đầu tư hơn 12,27 tỉ đồng, cái thấp nhất là 300 triệu đồng và cao nhất gần 750 triệu đồng.

1. Trường tiểu học Bình Chánh (749 triệu đồng). 2. Trường THPT Vạn Tường (hơn 688 triệu đồng). 3. Trường THPT Phạm Kiệt (hơn 632 triệu đồng). 4. Trường THPT số 2 Mộ Đức (hơn 628 triệu đồng). 5. Trường tiểu học Long Sơn (hơn 598 triệu đồng). 6. Trường tiểu học Tịnh Kỳ (338 triệu đồng). 7. Trường tiểu học Mỏ Cày (342 triệu đồng). 8. Trường THCS Tịnh Minh (300 triệu đồng). 9. Trường THCS DTNT Sơn Hà (422 triệu đồng). 10. Trường THPT Lê Quý Đôn (484 triệu đồng). 11. Trường THPT số 2 Nghĩa Hành (522,7 triệu đồng). 12. Trường THPT Tây Trà (389,3 triệu đồng). 13. Trường THPT Nguyễn Công Phương (469,7 triệu đồng). 14. Trường THCS Long Hiệp (593 triệu đồng). 15. Trường THCS Nghĩa Hiệp (710,2 triệu đồng). 16. Trường tiểu học Năng An (721,3 triệu đồng). 17. Trường tiểu học Hành Thịnh (593 triệu đồng). 18. Trường tiểu học Đức Thắng (560,7 triệu đồng). 19. Trường THPT Trà Bồng (557,5 triệu đồng). 20. Trường THCS Hành Tín Đông (366,2 triệu đồng). 21. Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (442,6 triệu đồng). 22. Trường THCS Long Sơn (399,8 triệu đồng). 23. Trường THCS Ba Vì (379 triệu đồng). 24. Trường tiểu học Ba Động (385,3 triệu đồng).

TRÀ GIANG - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên