Ngày 12-10, Trung tâm Y tế TP Biên Hòa (Đồng Nai) xác nhận vừa ghi nhận một trường hợp mắc đậu mùa khỉ trên địa bàn phường Long Bình Tân.
Bệnh nhân là anh P.Q.T., 33 tuổi, là thợ chụp hình tại một studio ở TP.HCM.
Theo điều tra dịch tễ, ngày 1-10 anh T. bắt đầu có khởi phát các tổn thương da tiến triển, phát ban dạng mủ, kích thước không đều tại vùng cơ quan sinh dục, sau đó lan lên tay, chân, đầu mặt, vùng thân minh.
Các tổn thương da ngày càng nhiều và có những biểu hiện khác như ngứa, loét miệng, đau họng khi nuốt, nổi hạch nách, hạch bẹn, viêm kết mạc, không sốt.
Sáng 3-10, anh T. đi khám ở Bệnh viện Mắt TP.HCM, được chẩn đoán bị viêm kết mạc. Sau đó, anh tiếp tục đi khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Đến ngày 7-10, các triệu chứng không giảm, anh T. tái khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Tại đây, anh được lấy mẫu xét nghiệm đậu mùa khỉ và HIV. Hai ngày sau đó, anh có kết quả dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.
Cũng theo Trung tâm Y tế TP Biên Hòa, trong vòng một tháng qua, bệnh nhân T. không đi làm. Riêng từ ngày 1-10 đến nay, anh sống và sinh hoạt tại nhà, sinh hoạt trong phòng riêng, thỉnh thoảng có tiếp xúc với 5 người trong nhà gồm cha, mẹ, anh trai và hai con nhỏ.
Theo nhận định, bệnh nhân tự sinh hoạt tại phòng riêng hạn chế tiếp xúc với người trong nhà. Tuy nhiên, trong thời gian chưa biểu hiện, bệnh nhân có tiếp xúc với người nhà nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Y tế TP Biên Hòa đã xác minh thông tin, điều tra yếu tố dịch tễ, lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân từ 21 ngày trước khởi phát đến nay.
Đồng thời, hướng dẫn bệnh nhân thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, phun hóa chất khử trùng, vệ sinh môi trường khu vực nhà ở của bệnh nhân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Trung tâm Y tế TP Biên Hòa cho biết hiện bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, không ho, ăn được ngủ được. Tuy nhiên bệnh nhân có dấu hiệu viêm kết mạc mắt, các vết tổn thương da còn chảy dịch ở mặt, tay, bộ phận sinh dục.
Hiện Trung tâm Y tế TP Biên Hòa, Trạm y tế phường Long Bình Tân theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân hằng ngày để ngăn bệnh lây lan.
"Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm B nên người dân không cần hoang mang, song cũng đừng chủ quan, lơ là. Tập thói quen rửa tay, khử trùng và hạn chế tiếp xúc người bệnh để tránh lây lan", vị đại diện này nói.
Ca đậu mùa khỉ thứ hai của Đồng Nai
Như vậy, đây là ca đậu mùa khỉ thứ hai được ghi nhận ở Đồng Nai.
Trước đó, ngày 25-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai xác nhận anh L.V.T., 25 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tạm trú tại TP.HCM, dương tính với đậu mùa khỉ. Đây là ca bệnh đầu tiên của Đồng Nai.
Theo đó, ngày 17-9, bệnh nhân khởi phát bệnh và có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhân đi khám, điều trị tại phòng khám tư nhưng bệnh không giảm.
Ngày 22-9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM với triệu chứng hết sốt nhưng có thêm các triệu chứng như nổi hạch bẹn, phát ban dạng mủ tại vùng mặt, niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân, cơ quan sinh dục.
Nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM vào chiều 22-9. Sáng hôm sau, bệnh nhân có kết qủa dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận