Người dân DNR trên ga đường sắt Donetsk-2 chuẩn bị di tản tới Rostov - Ảnh: RIA NOVOSTI
Tham gia cuộc họp được truyền hình trực tuyến này có tất cả các lãnh đạo chủ chốt của Nga gồm: chủ tịch Đuma (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện), thủ tướng, ngoại trưởng, các bộ trưởng quốc phòng và nội vụ, giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại.
Ngày lịch sử với người Donbass
Sau khi tóm tắt tình hình chiến sự đang gia tăng ở Donbass (tên gọi chung khu vực đông Ukraine, bao gồm DNR và LNR), về dòng người di tản về Nga trong ba ngày từ 18 đến 21-2 đã lên hơn 63.000 người, về bế tắc của thỏa thuận Minsk suốt tám năm qua, về việc DNR và LNR kêu gọi Nga công nhận chủ quyền của họ, và về đề nghị của Đuma Nga kêu gọi tổng thống công nhận chủ quyền DNR và LNR, ông Putin đã hỏi ý kiến từng thành viên HĐAN về việc công nhận độc lập cho các cộng hòa này.
Tất cả các thành viên dự họp đã ủng hộ. Tổng thống Nga sau đó yêu cầu HĐAN xem xét vấn đề này trong phiên họp kín ngày 22-2. Vài tiếng sau, ông Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập DNR và LNR cùng các thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau với các lãnh đạo là ông Denis Pushilin (của DNR) và ông Leonid Pasechnik (của LNR).
Theo tường thuật của báo chí Nga, khi phiên họp HĐAN Nga quyết định số phận Donbass diễn ra, "quảng trường trung tâm Donetsk gần như chết lặng: mọi người dán mắt vào các màn hình và rồi Donetsk bắn pháo hoa ăn mừng trước quyết định của ông Putin".
Ông Putin nói gì?
Hơn bốn tiếng sau, ông V. Putin có bài phát biểu với người dân Nga. Ông khẳng định với nước Nga rằng Ukraine không chỉ là một đất nước láng giềng mà là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tinh thần Nga.
Sau chiến tranh vệ quốc vĩ đại, J. Stalin đã chuyển giao cho Ukraine những phần đất trước đây từng thuộc Ba Lan, Romania và Hungary. Rồi đến năm 1954, "tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô khi ấy là Khrushchev vì sao đó đã lấy Crimea tặng cho Ukraine".
Ông Putin ta thán: "Tại sao phải trao đi những lãnh thổ rộng lớn, chuyển giao nó cùng với nhân dân của nước Nga lịch sử. Tại sao phải tặng những món quà hào phóng đến độ ngay cả những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ nhất còn chẳng dám mơ?".
Thêm vào lý do cho quyết định của Nga, ông Putin cho biết tháng 3-2021 Ukraine đã thông qua "Chiến lược quân sự mới" - một văn kiện mà ông cho là đối đầu với Nga. Ông Putin cáo buộc Mỹ và phương Tây đã liên tục có những động thái cung cấp vũ khí, trang thiết bị và đào tạo các chuyên gia cho Ukraine để nhắm tới những mục đích mà theo ông là đe dọa an ninh Nga.
Bài phát biểu của ông Putin đã giải thích nguyên nhân của bước đi chấn động của Nga trong ngày 21-2, đẩy Ukraine đến một thực tế mà ông V. Zelensky khẳng định "sẽ không bao giờ chấp nhận".
Nhưng dù muốn hay không, lịch sử Ukraine nói riêng và châu Âu nói chung sẽ phải ghi dấu những ngày này: sau ngày Nga sáp nhập Crimea 18-3-2014, thì nay có thêm ngày 21-2 - ngày hai lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk - với người Nga đã trở thành hai cộng hòa được thừa nhận.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 22-2 cho biết nước này đang cân nhắc cắt đứt quan hệ với Nga và sẽ kêu gọi các nước giúp Kiev bằng việc trừng phạt thẳng vào dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov, trong thông điệp kêu gọi binh lính sẵn sàng tham chiến, đã cảnh báo sẽ có những "tổn thất" và "đau đớn" .
Giá dầu tăng cao trên toàn cầu
Giá dầu tăng cao và chứng khoán giảm điểm đồng loạt sau diễn biến căng thẳng mới tại Ukraine.
Theo Hãng tin Reuters, giá dầu thô Brent đã lập kỷ lục trong vòng 7 năm với mức tăng 2,5% lên 99 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng khoảng 4,5% lên 95,19 USD/thùng. Theo Đài CNN, thị trường chứng khoán khắp châu Á đối mặt với xu hướng giảm chung trong sáng 22-2 khi căng thẳng giữa Ukraine và Nga có thêm diễn biến căng thẳng mới.
VŨ NGUYÊN
Mỹ và phương Tây khởi động trừng phạt
Ngay sau khi Nga tuyên bố công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk, Mỹ và các đồng minh đã lập tức công bố các lệnh trừng phạt. Mở đầu, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden đã ký lệnh cấm thương mại và đầu tư giữa các cá nhân người Mỹ với hai khu vực này.
Ngày 22-2, Đức cũng đã tuyên bố tạm dừng dự án Nord Stream 2. Cùng ngày, Anh công bố lệnh trừng phạt 5 ngân hàng và 3 cá nhân Nga được cho là có quan hệ mật thiết giới lãnh đạo Matxcơva.
Mỹ, Anh và Pháp cũng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) họp trong ngày 21-2 về tình hình Ukraine.
Tại cuộc họp, Nga hứng chịu vô số chỉ trích từ phương Tây, trong đó đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói việc Matxcơva đưa quân đến "gìn giữ hòa bình" ở Donbass là "vô nghĩa".
"Tổng thống Putin đang thách thức hệ thống quốc tế của chúng ta", bà Greenfield nói. Phó tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo lấy làm tiếc về việc Nga triển khai quân đội tại miền đông Ukraine và cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột lớn.
Mỹ và các đồng minh đều tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp nhắm vào Nga trong ngày 22-2, trong khi Ukraine kêu gọi các nước mạnh tay với Matxcơva.
"Binh lính Nga đã tiến vào Donbass và chúng tôi coi Donbass là một phần của Ukraine" - người đứng đầu chính sách ngoại giao của Liên minh châu Âu Josep Borrell nói ngày 22-2, đồng thời thông báo các ngoại trưởng của EU sẽ thông qua việc trừng phạt Nga trong ngày.
Tương tự, Anh cam kết có biện pháp trừng phạt Nga ngay lập tức và cân nhắc tăng cường hỗ trợ phòng thủ cho Kiev.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh quan ngại về tình hình ở Ukraine. "Tình hình ở Ukraine ngày càng xấu đi. Trung Quốc một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế", ông Vương nói. Phía ủng hộ Nga, hiện có Syria, đã tuyên bố sẽ hợp tác với hai nước cộng hòa tự xưng mà Nga công nhận độc lập. Matxcơva cũng kêu gọi các nước công nhận hai vùng ly khai này.
TRẦN PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận