Bác sĩ đang điều trị cho một sinh viên ngộ độc tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Cả bảy người đều quê ở Gia Lai, tuổi từ 21-27, gồm 5 nam và 2 nữ, là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, cơ sở tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông Hà Trần Hưng, phó giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết cả bảy bệnh nhân đều đang trong tình trạng khá nặng, tất cả đều có chỉ định lọc máu để thải trừ methanol, toan chuyển hóa nặng, trong đó có 3 người hôn mê sâu, phải thở máy.
Theo lời kể của người bị ngộ độc nhẹ nhất trong nhóm này, ngày 8-3, nhóm đã mua 1,5 lít rượu không nhãn mác về phòng trọ liên hoan.
Bữa ăn kéo dài trong đêm 8-3, đến sáng 9-3 một số người trong nhóm xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, mờ mắt, nôn ra máu… và được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện 198, rạng sáng 10-3 thì chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tính chung từ 22-2 đến nay, riêng khu vực Hà Nội đã có 21 người ngộ độc methanol vào Trung tâm chống độc, trong đó có 1 người tử vong.
Theo bác sỹ Đỗ Văn Giang, giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, trong số trên 20 bệnh nhân ngộ độc methanol tại Lai Châu hồi giữa tháng 2 phải điều trị nội trú tại bệnh viện, có 10 người gặp các di chứng như nhìn mờ, loạn thị… sau điều trị.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, cho biết qua một số khảo sát của viện trước đây, tại một số cơ sở sản xuất rượu thủ công đã sử dụng phương pháp chế biến rượu bằng pha cồn với nước và phơi nắng, có cơ sở ở Bắc Ninh đã sản xuất tới 800 lít rượu/ngày bằng cách thức này.
Nhờ pha cồn với nước rồi phơi nắng, mỗi ngày cơ sở xuất xưởng 4 thùng phuy rượu.
Bà Hạnh cho rằng nên kiểm soát rượu tự nấu bằng nguồn gốc và nhãn mác, rượu xuất xưởng phải kèm theo nhãn mác trên bao bì, phòng khi xảy ra vấn đề về chất lượng thì có thể kiểm tra, quy trách nhiệm.
Bà Hạnh cũng cho rằng các quy định để kiểm soát rượu đều đã có nhưng hiệu lực trên thực tế thì rất hạn chế.
“Trước đây khi chưa có con số đầy đủ, người ta ước tính mỗi năm dân nhậu sử dụng hết 200 triệu lít rượu sản xuất thủ công. Còn theo các đánh giá mới nhất, mỗi năm dân nhậu uống hết 700-800 triệu lít rượu thủ công (cùng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu nhà máy), bình quân mỗi người (tính ở nhóm từ 15 tuổi trở lên) sử dụng tới 8,6 lít rượu mỗi năm.
Có nhiều ý kiến cho rằng con số 700-800 triệu lít rượu thủ công/năm là quá nhiều, nhưng các thông số để tính toán ra số liệu này cho thấy đây là một ước tính rất hợp lý”, bà Hạnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận