TTCT - Ít ai bày tỏ việc muốn có người để cùng vui vầy là “như thèm thức ăn”, nhưng các nhà khoa học vừa chỉ ra: một người khao khát giao tiếp xã hội và một người đói thèm ăn có những phản ứng thần kinh tương tự nhau. Ảnh: New York TimesĐại dịch COVID-19 đã khiến thế giới cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Càng đóng cửa ở trong nhà, ta càng thèm khát được quây quần bên những người thân yêu, hay bất kỳ mối tương tác xã hội nào, miễn là không phải ở một mình. Bản năng chạy trốn nỗi cô đơn này được khắc sâu trong não bộ loài người, và một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Neurosciencegần đây cho thấy khao khát giao tiếp xã hội của con người tạo ra phản ứng thần kinh tương tự như một người đói thèm ăn.Nhà thần kinh học nhận thức Livia Tomova và các cộng sự tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ) đã tiến hành một nghiên cứu, trong đó họ cho 40 tình nguyện viên nhịn ăn trong 10 tiếng đồng hồ liên tục. Vào cuối ngày, những người này được cho xem hình ảnh bánh pizza và bánh kem sôcôla trong lúc não của họ được quét bằng máy cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Tại vòng nghiên cứu tiếp theo, các tình nguyện viên bị cách ly khỏi mọi tương tác xã hội - bao gồm tương tác trực tiếp và gián tiếp qua môi trường Internet - cũng trong vòng 10 tiếng, sau đó được cho xem hình ảnh người khác tụ tập và chơi thể thao một cách vui vẻ.Kết quả chụp fMRI cho thấy cùng một vị trí của não của những người tham gia bị kích thích ở cả hai tình huống, theo Science News. Theo đó, các nơron ở vùng chất đen và khu vực VTA (ventral tegmental area) ở trung não bừng lên khi nhìn thấy hình ảnh đồ ăn và các hoạt động xã hội sau thời gian dài thiếu thốn. Hình ảnh những bông hoa sặc sỡ, dùng để đối chứng, thì không gây ra phản ứng tương tự ở những đối tượng được nghiên cứu.Trung não vốn được biết đến với vai trò điều hành hệ thống phần thưởng của não, là nơi sản sinh ra dopamine, chất giúp ta cảm thấy hưng phấn trước một kết quả nào đó. Đây là vùng chịu trách nhiệm cho khả năng gây nghiện của các loại chất kích thích hay bất cứ hành vi gây nghiện nào như chơi game, ăn đồ ngọt... Những người tham gia cũng được yêu cầu ghi lại cảm nhận của họ trong suốt quá trình. Sau một ngày nhịn ăn, họ viết rằng mình cảm thấy khó chịu và thèm đồ ăn kinh khủng. Còn sau thời gian cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, dù chỉ 10 tiếng, cảm giác chung của những người này là cô đơn, chán chường và thèm muốn được tương tác với người khác, theo tạp chí Cosmos.“Thời gian cô lập đối tượng nghiên cứu [của chúng tôi] dài hơn bất cứ công trình tương tự nào từng được thực hiện trước đây” - Rebecca Saxe, một thành viên trong nhóm tác giả, tiết lộ với trang Medical News Today. Trước đó, một nghiên cứu năm 2016 cũng của MIT từng phát hiện một vùng tương tự trong não của chuột thí nghiệm cũng hoạt động mạnh sau thời gian dài bị cô lập khỏi đồng loại. “[Nghiên cứu] cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho giả thiết rằng sự cô đơn hoạt động như một loại tín hiệu - giống như cảm giác đói - báo hiệu cho một cá nhân rằng họ đang thiếu thứ gì đó và họ cần phải hành động để khắc phục điều đó” - trưởng nhóm nghiên cứu Tomova nói với trang Inverse.Còn theo Saxe, phát hiện của nhóm phù hợp với quan niệm cố hữu rằng các tương tác xã hội tích cực là nhu cầu cơ bản của con người, và sự cô đơn chỉ là một trạng thái cấp tính bất thường. Khi chúng ta bị cô lập, bộ não của con người tự thân nó sẽ tìm cách khắc phục cảm giác cô đơn ấy bằng cách phát đi tín hiệu báo cho ta biết: “Này, bạn ở nhà một mình hơi lâu rồi đấy, hay là ra ngoài gặp gỡ mọi người nhé?”.Từ trước dịch, thế giới đã phải đối mặt với một “đại dịch cô đơn” khi ngày càng nhiều người cho rằng họ cảm thấy cô đơn trong cuộc sống, và dịch COVID-19 chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề này. “Nếu chỉ một ngày ở một mình đã khiến bộ não của chúng ta phản ứng như thể nhịn đói cả ngày, điều đó chứng tỏ não rất nhạy cảm với trải nghiệm ở một mình” - Tomova nhận xét.Nếu như các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khi là một lựa chọn có chủ đích, sự cô độc có thể mang lại những tác động tích cực đến cuộc sống, hiện tại phần lớn mọi người không có quyền lựa chọn trong việc sống tách biệt với xã hội bên ngoài. “Một số người có thể không bận tâm nhiều, nhưng sẽ có những người cảm thấy khổ sở vì bị mất kết nối với người khác” - Tomova nói.■ Tags: Cô đơnKhoa học thần kinh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.