Go-Jek sẽ hâm nóng lại thị trường gọi xe trực tuyến của VN?
Như vậy, sau nhiều đồn đoán liên quan đến việc tuyển dụng nhân sự, tổ chức bộ máy hoạt động tại VN, ứng dụng Go-Jek đến từ Indonesia có thể sớm được triển khai ở Việt Nam.
Được thành lập vào năm 2010, Go-Jek nhanh chóng trở thành startup "kỳ lân" khi gọi được hàng tỉ đô la Mỹ vốn và mở rộng hoạt động của mình.
Ban đầu, Go-Jek chỉ là một ứng dụng kết nối xe gắn máy nay đã trở thành nền tảng cung cấp nhiều dịch vụ gồm vận chuyển, hậu cần, thanh toán di động, giao nhận thức ăn… và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.
Theo các tài xế taxi công nghệ, điều kiện đăng ký tham gia mạng lưới gọi xe trực tuyến mới cũng khá dễ dàng, đặc biệt là những người đã có lịch sử lái xe cho các ứng dụng gọi xe trực tuyến có mặt trước đó ở Việt Nam như Uber, Grab, hay VATO.
Để khuyến khích lái xe gia nhập, nhiều ưu đãi cũng được nhà điều hành xe trực tuyến đưa ra như tài xế không mất phí lắp đặt định vị, thời gian đầu, toàn bộ chiết khấu 20% tài xế hoàn toàn được giữ lại.
"Mức ưu đãi này khá hấp dẫn khi hiện nay tôi đang phải trả 28% chiết khấu cho Grab", anh Tuấn, một tài xế taxi công nghệ cho biết.
Tài xế này mới tham gia vào Grab khoảng 10 ngày sau hơn 2 tháng về quê "nghỉ ngơi" do cho rằng các ứng gọi xe hiện nay không có chương trình khuyến mãi đủ hấp dẫn để cánh tài xế chạy xe, đặc biệt dịp cuối tuần.
Hồi đầu tháng 5, ứng dụng gọi xe P2P MVL của đội ngũ Easi6, một startup công nghệ từ Singapore, đã chính thức được giới thiệu tại TP.HCM, dự kiến sẽ ra mặt thị trường vào tháng 7.
Ứng dụng MVL được nhà sáng lập Kay Woo giới thiệu là một dự án dựa trên hệ sinh thái di động blockchain.
Tuy nhiên, tài xế sẽ không phải trả phí chiết khấu trên mỗi chuyến đi, thay vào đó MVL chỉ tính một khoản chi phí "không đáng kể" nhằm duy trì nền tảng này.
Ứng dụng này còn kết nối với các dịch vụ bảo hiểm, sàn mua bán xe, trạm sửa chữa... thông qua công nghệ blockchain.
Hiện tại, MVL đã kết nối với hơn 25.000 xe tại thị trường của các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, và sẽ hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức một công ty công nghệ, ban đầu tại TP.HCM, sau đó là Hà Nội và Đà Nẵng.
Như vậy, sau khi Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á nhường cho Grab chính thức từ ngày 9-4, hàng loạt các công ty đã giới thiệu các ứng dụng gọi xe của mình để cạnh tranh cùng Grab.
Thị trường, ngay sau đó đã ghi nhận nỗ lực "tái xuất giang hồ" của VATO, một ứng dụng được công ty Phương Trang tuyên bố đầu tư 100 triệu USD.
VATO trước đây là FaceCar, sau đó sang tên đổi chủ trở thành Vivu, và nay về với Phương Trang.
Tuy nhiên, kể từ khi triển khai đến nay, VATO cũng vài lần gặp trục trặc khiến việc đặt xe bị gián đoạn.
Trong khi đó, nhiều người dùng cho biết họ cảm nhận cách tính tiền của Grab dường như cũng thay đổi, theo đó giá tính các cuốc xe tăng cao hơn, thời điểm áp dụng "nhu cầu tăng cao" nhiều hơn, chưa kể nhiều người dùng cũng bắt đầu phàn nàn về chất lượng dịch vụ, thái độ tài xế GrabBike lẫn GrabCar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận