Tại cuộc làm việc với Thủ tướng chiều 12-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói vành đai 3 TP.HCM đang cần nhập 1 triệu m3 cát từ Campuchia mới đủ đáp ứng. So với dự toán sẽ cần thêm 120 tỉ đồng.
"Thật ra 120 tỉ đồng để chúng ta đảm bảo tiến độ thì không phải là lớn đối với dự án vành đai 3 mấy chục ngàn tỉ đồng này. Chúng ta chậm nữa thì rất là lãng phí, mà cát Campuchia thì chất lượng rất tốt", ông Mãi nói.
Thời gian vàng để cát về vành đai 3 TP.HCM
Dự án vành đai 3 TP.HCM dài 76km cần khoảng 9,3 triệu m³ cát san lấp, trong đó năm 2024 cần hơn 6 triệu m³. Hiện tổng số cát huy động cho dự án đạt 900.000 m³. Riêng TP.HCM cần nhiều nhất với 4,7 triệu m³.
Trong khi chờ các thủ tục để khai thác cát ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM cũng đã nghiên cứu thêm phương án nhập khẩu từ Campuchia.
Theo tính toán, cát nhập về tới công trường sẽ vào khoảng 360.000 đồng/m³. Trong khi đó, cát san lấp tại địa phương giá chỉ khoảng 240.000 đồng/m3. Việc nhập cát từ Campuchia về dẫn đến sự chênh lệch giá thành 120.000 đồng/m3. Như vậy, nếu mua thêm 1 triệu m³ cát thì phải cần thêm khoảng 120 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một nhà thầu đang thực hiện gói thầu của vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP cho biết thời gian qua đã rất nỗ lực để tìm nguồn cát thương mại, thậm chí chịu lỗ nhưng số lượng cát đưa về công trình là không đủ. Trong khi nếu mua cát từ Campuchia cần cơ chế và phải bù lỗ 120.000 đồng/m³.
Cũng theo nhà thầu, nếu không đủ nguồn cát đưa về công trình, dự án sẽ trễ tiến độ. Vì vậy, việc cấp bách hiện nay là làm sao đẩy nhanh các thủ tục để khai thác cát sớm ngày nào tốt ngày đó.
Trường hợp mua cát từ Campuchia triển khai được thì các cơ quan chức năng, bộ ngành trung ương có phương án bù giá.
"Đây là thời gian vàng để nhà thầu tập trung triển khai đảm bảo tiến độ dự án vành đai 3 TP.HCM. Nếu có đủ cát, cần khoảng 18 tháng để bơm lên công trình và thực hiện gia tải, xử lý nền đất yếu.
6 tháng tiếp theo, nhà thầu sẽ hoàn thiện các công đoạn cuối để đưa dự án vào khai thác. Như vậy, tiến độ công trình đang phụ thuộc nguồn cát rất lớn, trong khi mốc tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án đường vành đai 3 TP.HCM vào năm 2026", nhà thầu này nói.
Đừng để vành đai 3 TP.HCM trễ tiến độ
TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho rằng dự án vành đai 3 TP.HCM được coi là dự án kiểu mẫu không chỉ là vấn đề mặt bằng mà còn có cả tiến độ, đúng hẹn.
Vì vậy bằng cách nào cũng phải giải quyết nhanh để dự án về đích, đúng như những gì đã cam kết trước nhân dân, Chính phủ và Quốc hội khi làm thủ tục triển khai dự án.
Về giải quyết nguồn cát, theo TS Thuận, TP.HCM cũng đã thông tin về tình hình các mỏ cát tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp cho vành đai 3 TP.HCM. Trong đó tỉnh Tiền Giang cung cấp 6,6 triệu m³, trong năm 2024 cung cấp 3 triệu m³.
Tỉnh Tiền Giang dự kiến đợt 1 mở ba mỏ với 5,7 triệu m³, dự kiến khai thác vào cuối tháng 8-2024. Đợt hai sẽ mở thêm 7 mỏ với 6 triệu m³, khai thác vào tháng 9-2024. Còn tỉnh Vĩnh Long cung cấp 1,4 triệu m³, trong năm nay có 700.000 m³. Tại tỉnh Bến Tre cung cấp 2 triệu m³, riêng trong năm nay có 1 triệu m³.
Như vậy theo TS Thuận, nguồn cát cung cấp cho dự án vành đai 3 TP.HCM tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đáp ứng đủ cho dự án, nhưng vấn đề quan trọng là thời gian. Vì vậy các địa phương, bộ ngành cần khẩn trương hỗ trợ các thủ tục hành chính để tiến độ được rút ngắn.
Sau khi cấp phép, cơ quan chức năng cần tăng cường khâu giám sát cát về vành đai 3 TP.HCM. Đặc biệt là chỉ đạo lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy hỗ trợ, hướng dẫn, phân luồng để phương tiện chở cát về công trường đảm bảo đúng tiến độ.
"Với phương án bù giá cát khi mua từ Campuchia, TP.HCM nghiên cứu cân đối trong khoản kinh phí dự phòng trượt giá để hỗ trợ là phù hợp. Trường hợp các nghiệp vụ phát sinh khác vượt thẩm quyền của dự án, TP cần chủ động liên hệ trực tiếp các bộ ngành để giải quyết", ông Thuận nói.
Cũng theo một số chuyên gia, Vành đai 3 TP.HCM là dự án trọng điểm quốc gia, chủ đầu tư nên có kế hoạch chi tiết, theo dõi và nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tiến độ dự án để chủ động kiến nghị. Không thể chần chừ như thời gian qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận