15/11/2018 19:12 GMT+7

Thêm 1.000 nhà vệ sinh 'kiểu mới' có giải quyết được nỗi buồn cũ

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Đến năm 2020, Hà Nội có thêm 1.000 nhà vệ sinh công cộng “kiểu mới”. Tuy nhiên, con số này có cải thiện được tình trạng “giải quyết nỗi buồn” bừa bãi hay không lại là vấn đề khác.

Thêm 1.000 nhà vệ sinh kiểu mới có giải quyết được nỗi buồn cũ - Ảnh 1.

Con đường gốm sứ trở thành nơi "giải quyết nỗi buồn" - Ảnh: VŨ TUẤN

Cô gái Sandra Ullrich, người Đức, yêu hội hoạ và nhiếp ảnh. Cô chọn Hà Nội là điểm đến của mình trong mùa thu vì vẻ đẹp lãng mạn và yên bình như bạn bè cô mô tả. Một trong những điểm đến của cô là con đường gốm sứ. 

"Bí quá hoá liều"

Thế nhưng, điều đáng tiếc là con đường này… bốc mùi rất khó chịu vì có nhiều chỗ bị người dân đi tiểu lên đó.

"Tôi rất tiếc vì cảm xúc trước một tác phẩm đẹp bị mùi hôi làm hỏng. Tôi không chọn được một bức ảnh nào cho mình" – Sandra nói.

Sandra mô tả phía bên kia đường chỗ cô đứng có "một chiếc hộp màu xanh" (nhà vệ sinh công cộng), nhưng nếu muốn sang được đó người ta phải đi vòng khá xa. Buổi tối, khu vực này vắng vẻ là cơ hội tốt để có người dừng xe "giải quyết nỗi buồn".

Thực tế khu vực đường Nguyễn Khang từ cầu Chương Dương đến cầu Long Biên mà Sandra đến có 3 nhà vệ sinh công cộng. 

Tuy nhiên, những nhà vệ sinh này không được sạch sẽ. Phía ngoài chi chít biển quảng cáo và hình vẽ. 

Bên trong nhếch nhác, thiếu nước, thiếu giấy và bốc mùi khó chịu. Hơn nữa, đây lại là nơi tập trung nhiều người "tứ xứ". Họ hồn nhiên "giải quyết nỗi buồn" ngay chân cầu, công viên, thậm chí… ngay bên tường nhà vệ sinh công cộng.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có gần 400 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có đến 2/3 xây bằng gạch từ trước những nhăm 90 của Thế kỷ trước. 

Số này nằm trong ngõ, khu dân cư và công viên. 1/3 là nhà vệ sinh bằng thép được làm từ năm 2003 trở lại đây.

Từ năm 2015 đến nay, Hà Nội có thêm hơn 80 nhà vệ sinh công cộng kiểu mới cử Công ty Vinasing lắp đặt. Đây là loại nhà vệ sinh khá hiện đại, có bồn rửa tay, hệ thống điện tự bật, tắt, tay vịn cho người khuyết tật… 

Tuy nhiên, nhiều nhà vệ sinh vận hành chưa được bao lâu thì phát sinh sự cố.

Thêm 1.000 nhà vệ sinh kiểu mới có giải quyết được nỗi buồn cũ - Ảnh 2.

Nhà vệ sinh này phải chứa nước trong xô nhựa để sử dụng - Ảnh: VŨ TUẤN

Khu vực bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) có đến 5 nhà vệ sinh công cộng kiểu mới này. Tuy nhiên, những người trông coi, quản lý than phiền vì thường xuyên bị mất nước. Họ phải khắc phục bằng cách bơm nước vào một xô nhựa lớn để sử dụng. Tuy nhiên, việc này không đảm bảo vệ sinh theo yêu cầu.

Anh Nguyễn Ngọc Tân, lái xe khách chạy tuyến Tuyên Quang - Mỹ Đình, chia sẻ so với trước đây, bên ngoài bến xe Mỹ Đình gần như không còn người đi tiểu bậy nữa vì có nhà vệ sinh công cộng. Nhưng vị trí của những nhà vệ sinh này chưa hợp lý vì chúng được đặt ở ngoài bến xe. 

Trong khi đó, lượng người ở trong bến đông hơn. Họ lại không thể đi bộ ra ngoài vì những quy định riêng của bến xe. Có cổng chỉ cho xe khách vào, cổng xe ra, cổng giao nhận hàng hoá. Nhà vệ sinh ở khu vực chờ trong bến lại quá tải khiến nhiều người "bí quá làm liều".

"Làm bậy" không bị phạt

Lý do thiếu, vị trí chưa hợp lý là chưa đủ để cải thiện tình trạng nhiều người hồn nhiên "giải quyết nỗi buồn" trong thành phố. Lý do lớn hơn là thói quen xấu.

Thêm 1.000 nhà vệ sinh kiểu mới có giải quyết được nỗi buồn cũ - Ảnh 3.

Một nhà vệ sinh khu vực bến xe Mỹ Đình bị ô tô và xe rác quây kín - Ảnh: VŨ TUẤN

Anh Bùi Ngọc Tú, một người kinh doanh du lịch ở Quảng Ninh, thường xuyên đưa khách du lịch về Hà Nội, cho biết điều làm khách than phiền nhất là chất lượng nhà vệ sinh ở Hà Nội.

Khu vực Bờ Hồ được họ hài lòng hơn cả, nhưng chưa đạt. Nhà vệ sinh của nhiều quán ăn, quán cà phê còn tệ hơn.

"Tôi thấy ở Hà Nội nhà vệ sinh nào cũng có nhân viên dọn dẹp mỗi ngày. Nhưng điều quan trọng hơn là ý thức của người sử dụng. Thói quen xấu của nhiều người là "cha chung không ai khóc", họ không giữ gìn như ở nhà của mình", anh Tú lý giải.

Theo anh Vũ Hoàng Long, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nhà vệ sinh mới, nhưng thói quen cũ vẫn giữ thì khó cải thiện tình trạng vừa xây xong đã hỏng của các nhà vệ sinh ở Hà Nội. Vấn đề cơ bản nằm ở chế tài xử phạt.

"Nếu không có chế tài cụ thể, rõ ràng thì câu chuyện nhà vệ sinh sẽ giống câu chuyện của thuốc lá. Quy định có nhưng chưa thấy trường hợp nào bị xử phạt để răng đe" - Anh Long nói.  

Xây nhà vệ sinh công cộng rất tốn tiền, nếu không giữ cho sạch, vận hành tốt thì sẽ không thể tránh khỏi lãng phí từ các công trình này.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên