21/08/2022 09:57 GMT+7

Thế 'trung lập tích cực' của Thổ Nhĩ Kỳ

TƯỜNG ANH
TƯỜNG ANH

TTO - Chưa đầy 2 tuần sau cuộc gặp Tổng thống Nga V. Putin ở Sochi (Nga) hôm 5-8, ngày 18-8 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tới Lviv, Ukraine, vì những vấn đề liên quan đến chiến sự Nga - Ukraine.

Thế trung lập tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Chuẩn bị cho ngày độc lập Ukraine 24-8 năm nay, 24.000 bông hoa đã được xếp thành vườn hoa dành riêng cho máy bay không người lái Bayraktar ở Kiev - Ảnh: UKRAINA.RU

Cuộc gặp ba bên giữa ông Erdogan với Tổng thống Ukraine V. Zelensky và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc A. Guterres diễn ra chỉ 40 phút. 

Tình hình xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (ZNPP) là một trong những trọng tâm, đặc biệt khi những vụ pháo kích vào khu vực xung quanh nhà máy (thuộc TP Enengodar, tỉnh Zaporozhye, đông nam Ukraine) đang gây lo âu về nguy cơ "Chernobyl thứ hai".

Những lợi ích của Ankara

Đúng như dự báo, tại cuộc gặp ở Lviv hôm 18-8, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại về tình hình xung quanh ZNPP vì "không muốn trải nghiệm một Chernobyl mới", trong khi thông điệp từ ông Zelensky là Liên Hiệp Quốc phải đảm bảo an ninh cho cơ sở chiến lược này. 

Ngoài ra, Kiev đồng ý với đề xuất của ông Guterres về việc tạo ra một khu phi quân sự xung quanh ZNPP, rằng "nhà máy này nên được giải phóng hoàn toàn khỏi quân Nga".

Các vấn đề còn lại của cuộc gặp 40 phút là bàn về việc xuất khẩu ngũ cốc, trao đổi tù binh và việc chấm dứt chiến tranh bằng đàm phán, điều mà các phía đều thừa nhận "còn rất xa" trong cục diện hiện tại.

Bỏ qua tất cả các ngôn từ ngoại giao hoa mỹ, có thể thấy cuộc gặp ngắn không đưa ra được giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Ukraine, ngoại trừ Bản ghi nhớ mà Bộ trưởng cơ sở hạ tầng Ukraine Alexander Kubrakov ký với Bộ trưởng Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Mus. 

Theo đó, Ankara sẽ hỗ trợ Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng bị phá hủy do xung đột, sau khi chiến tranh chấm dứt.

Ngoài ra, Hãng RIA Novosti dẫn nguồn truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine cho biết tháp tùng ông Erdogan tới Ukraine có các bộ trưởng chủ chốt là Ngoại giao, Nông nghiệp, Thương mại, Năng lượng, Quốc phòng, giới tình báo, công nghiệp quốc phòng và đặc biệt là đại diện Công ty Baykar Makina (sản xuất máy bay không người lái Bayraktar).

Điều này khẳng định thêm thông tin về việc Thổ Nhĩ Kỳ sắp xây một nhà máy sản xuất máy bay Bayraktar tại Ukraine. Lần đầu tiên Kiev mua Bayraktar là vào tháng 4-2021. Đầu tháng 2-2022, công ty Thổ Nhĩ Kỳ Baykar Makina đã được phép xây dựng một nhà máy ở Ukraine. Chưa đầy một tháng sau, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu.

Trong khi nhiều quốc gia hứng chịu thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do chiến sự Ukraine thì Thổ Nhĩ Kỳ tìm ra nhiều lợi thế. Chẳng hạn, trong thỏa thuận ngũ cốc mà Istanbul là người khởi xướng đàm phán và tiến đến ký thỏa thuận vào ngày 22-7 tại Istanbul, theo báo chí Nga, "Thổ Nhĩ Kỳ đã kiếm được bộn tiền từ việc bán lại lúa mì và bắp Ukraine xuất khẩu từ Odessa".

Nay, sau chuyến đi Lviv, Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục giành được thị phần trong việc tái thiết Ukraine hậu chiến. Đó là chưa kể hợp đồng bán xe bọc thép chở quân Kirpi (4x4) lớp MRAP của Thổ Nhĩ Kỳ cho thủy quân lục chiến Ukraine. 

Cổng thông tin Topwar.ru ngày 9-8 cho biết: hợp đồng này đã được Bộ Quốc phòng Ukraine ký với Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2021, nhưng việc giao 50 chiếc đầu tiên mới chỉ bắt đầu từ đầu tháng 8-2022 (150 chiếc còn lại sẽ được giao sau).

Những nước đi khôn ngoan

Khi chiến sự Ukraine nổ ra, một số quốc gia trung lập đã phần nào từ bỏ vị thế này với những chọn lựa riêng. Như Thụy Điển, Phần Lan bằng quyết định gia nhập NATO, hay Thụy Sĩ bằng việc hưởng ứng lời kêu gọi của EU cấm vận hàng Nga từ ngày 3-8.

Ông Erdogan không chọn bước đi này. Thay vào đó, vị "sultan" Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trung lập, làm việc cùng lúc trên 2 mặt trận và thu lợi từ mọi phía, không chỉ từ Ukraine như đã nêu.

Với Nga, mà Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chính giúp lách cấm vận trong việc xuất khẩu ngũ cốc, Ankara đẩy mạnh việc mua thiết bị phòng không - đặc biệt là hệ thống S-400 của Nga. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của NATO - cũng biết cách vuốt giận Mỹ bằng việc thúc đẩy phi vụ mua máy bay chiến đấu F-16.

Tờ Tin Tức (Nga) hôm 16-8 dẫn lời ông Ned Price, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết "các cuộc họp đang được tiến hành. Theo yêu cầu của Ankara về công tác hậu cần cho F-16, một phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Mỹ". Việc giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ankara trước đó bị hoãn do họ đã "xích gần" Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tại Hội nghị các đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra hôm 3-8 ở Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu không ngần ngại tiết lộ: Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị chậm nhưng chắc cho thế giới "hậu Ukraine".

Theo Hãng tin Anadolu, "cái chính của chúng tôi là bảo vệ lợi ích chung. Trong quá trình hình thành một kiến trúc an ninh mới ở châu Âu, cần phải hành động cực kỳ chu đáo. Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị cho điều này ngày hôm nay". 

Thổ Nhĩ Kỳ thức thời hiểu rằng sự hình thành một trật tự thế giới mới đang diễn ra mạnh mẽ và cần phải giành cho mình những phần béo bở ngay từ bây giờ.

Bình luận về chuyến đi Lviv của ông Erdogan, nhà khoa học chính trị Nga Sergey Markov đã dùng cụm từ "trung lập tích cực" để gọi chính sách ngoại giao thu lợi từ mọi phía của Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn nói riêng về kết quả chuyến đi Lviv, chuyên gia này cho rằng cả hai ông Zelensky và Erdogan đều là những "thiên tài về PR chính trị".

Israel và Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ ngoại giao sau nhiều năm Israel và Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ ngoại giao sau nhiều năm

TTO - Thủ tướng Israel Yair Lapid cho biết chính phủ của ông sẽ khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và đưa các đại sứ, tổng lãnh sự trở lại sau nhiều năm quan hệ hai nước có phần căng thẳng.

TƯỜNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên