Trọng tâm này không chỉ đánh dấu sự triển khai chiến thuật "đánh điểm" trên biển nhằm hỗ trợ cho cách đánh "thọc sâu" trên bộ truyền thống của phía Ukraine, mà còn góp phần phá vỡ hiệu quả thế trận phong tỏa của Nga trên Biển Đen và từng bước làm tê liệt hoạt động trên bán đảo Crimea hiện đang do Nga kiểm soát.
Chiến thuật "đánh điểm"
Được thực hiện cùng lúc với hai mũi tiến công trên bộ hướng vào địa phận "chảo lửa" Bakhmut ở Donetsk và khu vực hướng Melitopol phía tây Zaporizhia, quân đội Ukraine đang nỗ lực tiến đánh ba nhóm vị trí quan trọng ở khu vực phía tây Biển Đen nhằm từng bước vô hiệu hóa các hoạt động hậu cần quân sự của bán đảo Crimea.
Đầu tiên là việc tiến đánh nhóm địa điểm gắn kết bán đảo Crimea với đất liền. Gần đây nhất là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) vào cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch ở phía đông nam (vào ngày 17-7) và vụ tên lửa Storm Shadow tấn công cầu Chonhar ở đông bắc nối với khu vực tỉnh Kherson (vào ngày 29-7).
Ngoài ra, vụ tấn công vào xưởng đóng tàu chủ lực ở thành phố cảng chiến lược Sevastopol vào ngày 13-9 đã làm hư hại tàu đổ bộ cỡ lớn Minsk đang sửa chữa tại đây cũng cho thấy động thái phía Ukraine muốn "vô hiệu hóa" năng lực đổ bộ và sửa chữa tàu thuyền đặc biệt quan trọng đối với sự linh hoạt của hải quân Nga.
Tiếp theo là nhóm điểm có khả năng lắp đặt các thiết bị viễn thám và phòng không. Phía Ukraine đã công khai việc chiếm quyền kiểm soát đối với một số giàn khoan dầu khí ở khu vực Biển Đen phía tây bán đảo Crimea vào đầu tháng 9.
Trong đó, giàn khoan "tháp Boyko" không chỉ có vị trí chiến lược nằm giữa đảo Rắn và bán đảo Crimea mà còn được phía Nga sử dụng như một căn cứ viễn thám nổi với nhóm thiết bị tác chiến điện tử và bãi đáp trực thăng nhằm khống chế toàn bộ vùng biển xung quanh.
Ngoài việc khống chế được toàn bộ hệ thống radar trên "tháp Boyko", phía Ukraine còn thành công trong việc gây thiệt hại đáng kể cho bộ radar và hệ thống phòng không S-400 Triumph ở gần thị trấn Yevpatoriya, phía tây Crimea.
Cuối cùng là nhóm điểm có hạ tầng quân sự hỗ trợ năng lực tấn công của phía Nga. Đây được xem là nhóm điểm chủ lực mà phía Ukraine tập trung tấn công mạnh với cả hệ thống drone trên không (UAV), drone trên biển (USV) và các tên lửa hành trình Storm Shadow (theo cáo buộc từ Bộ Quốc phòng Nga) vào thành phố cảng Sevastopol cùng với mạng lưới tàu tuần tra của Nga trên Biển Đen.
Thắng lợi nhỏ, ảnh hưởng lớn
Chiến thuật "đánh điểm" như đã phân tích tuy bề mặt chỉ giúp phía Ukraine kiểm soát cũng như gây rối hoạt động ở một số vị trí quan trọng của Nga giáp bán đảo Crimea, nhưng thực tế đang phục vụ cùng lúc đến hai mục tiêu cấp thiết của chính quyền Tổng thống Zelensky.
Thứ nhất là mục tiêu đảm bảo an ninh cho các tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc thay thế của Ukraine. Sau khi rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen từ giữa tháng 7-2023, phía Nga được cho là đã liên tục bắn phá cảng Izmail của Ukraine bên bờ sông Danube đến bốn lần trong một tuần nhằm làm tê liệt năng lực xuất khẩu ngũ cốc chủ lực của Ukraine.
Đây là tuyến đường chủ lực để Ukraine có thể xuất khẩu nông sản ngũ cốc sang châu Âu mà không phải sử dụng các tuyến đường trên Biển Đen hiện đang bị Nga phong tỏa.
Do đó, phía Ukraine đã tiến hành tấn công Crimea ngay lập tức mỗi khi bị Nga tấn công vào hệ thống cảng ở Danube như một thông điệp đáp trả.
Ngoài ra, việc Ukraine tấn công vào các nhóm điểm hạ tầng quân sự và mạng lưới tàu tuần tra ở Crimea nhằm phân tán sự chú ý từ lực lượng phong tỏa Biển Đen của Nga ra khỏi "hành lang tạm thời" do Ukraine thiết kế từ đầu tháng 8-2023.
Hành lang này tuy đi sát bờ biển từ cảng Odessa của Ukraine đến Romania, Bulgaria và vào Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn thuộc phạm vi phong tỏa của Hạm đội Biển Đen Nga.
Thứ hai, phía Ukraine muốn khai thác tối đa các điểm yếu của Nga ở mặt trận Crimea. Việc quân đội Nga để mất "tháp Boyko" có khả năng viễn thám toàn bộ vùng biển phía tây bán đảo Crimea cho thấy khả năng nước này đã tập trung lực lượng quá nhiều vào các mặt trận phía đông (xung quanh Bakhmut) và phía nam (vùng Zaporizhia) nên đã để lộ nhiều điểm yếu ở mạng lưới phòng thủ phía tây Crimea.
Cách tiếp cận "giương đông kích tây" này của Ukraine không chỉ nhằm phát huy cao độ lợi thế "đánh điểm" trên biển mà còn cho thấy sự hiệu quả của mạng lưới các drone tấn công giá rẻ trong một cuộc chiến tranh tiêu hao bất đối xứng khiến phía Nga phải quan ngại.
Chiến thuật "đánh điểm" của Ukraine nhằm vào bán đảo Crimea vì vậy không chỉ mang đến những chiến quả có tính biểu tượng rất lớn mà còn cho thấy tư duy "rút củi đáy nồi" mới lạ khi tập trung đánh bật hệ thống hậu cần của Nga.
Sự linh hoạt về tư duy tiếp cận của Ukraine đang từng bước tạo nên những tác động quan trọng góp phần cân bằng cục diện trên chiến trường khi các đợt phản công trên bộ của quân đội nước này đang có dấu hiệu chững lại ở các "chảo lửa" Bakhmut và Melitopol.
Dùng "đánh biển" để hỗ trợ "đánh bộ", dùng "đánh điểm" để phá thế phong tỏa Biển Đen của Nga và dùng "đánh bất đối xứng" để gỡ lại lợi thế trong chiến tranh tiêu hao, Ukraine thực sự đã tạo được nhiều "cú hích" quan trọng trước khi chiến sự với Nga chuyển sang giai đoạn mùa đông khắc nghiệt.
Tàu ngầm Nga bị hư hại
Cuộc tấn công ngày 13-9 của Ukraine vào xưởng đóng tàu ở cảng Sevastopol đã làm hư hại tàu ngầm diesel - điện "Rostov-on-Don" của Nga. Tàu ngầm này có khả năng mang tên lửa hành trình Kalibr có tầm bắn đến 2.600km.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận