Ngày 12-8, Olympic 2024 đã hạ màn tại thủ đô nước Pháp. Thế vận hội lần thứ 33 chứng kiến những màn tranh tài hấp dẫn, đỉnh cao của thể thao thế giới. Nhưng với riêng thể thao Việt Nam, đây lại là Olympic thứ hai liên tiếp thất bại, khi phải ra về tay trắng.
Mục tiêu 45 VĐV vượt qua vòng loại, có huy chương Olympic nhưng... trắng tay
Olympic Paris 2024 khai mạc vào ngày 27-7 và bế mạc ngày 12-8, quy tụ gần 11.000 vận động viên đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các vận động viên tranh tài tại 32 môn thể thao với 329 bộ huy chương.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự đại hội với 39 thành viên, trong đó có 16 VĐV tranh tài ở 11 môn thể thao. Trong số 16 VĐV đến Olympic, chỉ có 14 VĐV giành được vé chính thức, 2 VĐV còn lại đi bằng vé đặc cách dành cho những nội dung không có VĐV vượt qua được vòng loại.
Theo Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020 được Chính phủ thông qua vào năm 2010, mục tiêu của thể thao thành tích cao Việt Nam như sau:
- Giữ vững vị trí trong top 3 của thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games).
- Năm 2010: Phấn đấu đạt vị trí 17 - 15 tại Asiad 16.
- Năm 2012: Phấn đấu có khoảng 30 VĐV vượt qua các cuộc thi vòng loại và có huy chương Olympic.
- Năm 2014: Phấn đấu đạt vị trí 15 - 13 tại Asiad 17.
- Năm 2016: Phấn đấu có khoảng 40 VĐV vượt qua các cuộc thi vòng loại và có HCV Olympic
- Năm 2019: Phấn đấu đạt vị trí 14 - 12 tại Asiad 18.
- Năm 2020: Phấn đấu có khoảng 45 VĐV vượt qua các cuộc thi vòng loại, có huy chương Olympic.
Mục tiêu là vậy, nhưng kết quả thực hiện của thể thao Việt Nam không được như kỳ vọng. Theo thống kê, tại Olympic London 2012, thể thao Việt Nam có 18 VĐV vượt qua vòng loại và giành được 1 HCĐ. Tại Olympic Brazil 2016, có 23 VĐV Việt Nam vượt qua vòng loại và giành 1 HCV, 1 HCB.
Đến Olympic Tokyo 2020, Việt Nam chỉ có 18 VĐV vượt qua vòng loại và không giành được huy chương nào. Tại Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam chỉ có 16 VĐV đến Thế vận hội và tiếp tục ra về tay trắng.
Ngoài Olympic London 2012 và Rio 2016 thể thao Việt Nam có huy chương và HCV, thì chỉ tiêu về số VĐV giành vé đến Olympic không đạt được. Nghiêm trọng hơn tại Olympic 2020, 2024 thể thao Việt Nam không giành nổi tấm huy chương nào, sa sút nghiêm trọng.
Phải điều chỉnh Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045
Cho đến thời điểm này là tháng 8-2024, mặc dù Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến 2020 đã kết thúc 4 năm, tuy nhiên Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn 2045 vẫn chưa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Chính phủ thông qua.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, trước thành tích không được như kỳ vọng các năm gần đây, trong các bản dự thảo Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2030, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phải điều chỉnh và hạ một phần chỉ tiêu của thể thao Việt Nam.
Cụ thể, trong một tờ trình ngành thể thao đặt mục tiêu đến năm 2030: Duy trì vị trí trong tốp đầu tại các đại hội, giải thể thao khu vực và từng bước tiếp cận với thành tích châu Á, thế giới. Đạt từ 5-7 HCV tại Asiad 2026, từ 7-9 HCV tại Asiad 2030; phấn đấu có huy chương tại các kỳ Olympic, Paralympic 2024, 2028. Thành tích thi đấu của bóng đá nam đứng trong nhóm 10 châu Á; thành tích thi đấu của bóng đá nữ đứng trong nhóm top 6 châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2045: Thể thao Việt Nam thường xuyên duy trì trong top 15 quốc gia hàng đầu châu Á tại các kỳ Asiad và trong nhóm top 50 tại các kỳ Olympic. Thành tích thi đấu của bóng đá nam đứng trong nhóm 8 châu Á; thành tích thi đấu của bóng đá nữ đứng trong nhóm top 6 châu Á.
Trong cuộc trả lời Tuổi Trẻ sau Asiad 2023 về mục tiêu của thể thao Việt Nam tại Asiad, Olympic, ông Hoàng Đạo Cương - thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - thừa nhận mục tiêu là vậy nhưng trong quá trình thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Cần 900 tỉ đồng phát triển thể thao thành tích cao/năm từ 2026 - 2030
Hiện thể thao Việt Nam đang có 22.000 VĐV năng khiếu các lứa tuổi tập luyện ở các tỉnh, thành, trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Theo thống kê, năm 2023 ngân sách nhà nước chi cho thể thao thành tích cao là 710 tỉ đồng.
Thiếu kinh phí khiến cho việc tuyển chọn, đào tạo, thi đấu... không được như kỳ vọng. Ví dụ như môn bắn súng (môn thể thao được đầu tư hàng đầu tại Việt Nam), mỗi năm được cấp ngân sách 3,3 tỉ đồng trong khi nhu cầu thực tế cần từ 10 - 12 tỉ đồng.
Trong hội nghị tổng kết Asiad 2023 diễn ra tháng 12-2023, ngành thể thao hy vọng sẽ được Nhà nước đầu tư từ 800 - 850 tỉ đồng/năm cho thể thao thành tích cao trong giai đoạn 2024 - 2026.
Trong giai đoạn 2026 - 2030 cần 850 - 900 tỉ đồng/năm. Trong đó, một phần số tiền này sẽ dùng để đầu tư trọng điểm cho khoảng 30 VĐV xuất sắc có khả năng tranh chấp HCV Asiad và chuẩn Olympic ở 5 - 6 môn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận