TTCT - Thành tích ở Asiad 19 và sự cố với đội bóng bàn nam quốc gia cho thấy công cuộc xã hội hóa thể thao, nhất là thể thao đỉnh cao, vẫn còn đang loay hoay chưa rõ đường nào. Asiad 19 chưa kết thúc nhưng những người quan tâm đến thể thao đã sớm nhận ra nghịch lý: thể thao Việt Nam tự hào khi trở thành số 1 Đông Nam Á, thể hiện ở bảng tổng sắp huy chương SEA Games 2023 nhưng bước ra đấu trường châu Á thì lại đứng sau một loạt quốc gia láng giềng khu vực.Thanh Thúy đập trên tay chắn các VĐV Hàn Quốc. Chiến thắng của bóng chuyền nữ Việt Nam trước Hàn Quốc là điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam tại Asiad 19. Ảnh: Đức KhuêAsiad 19 chỉ mới hơn nửa đường nhưng đã có không ít phân tích nói về sự nhạt nhòa của thể thao Việt Nam. Tựu trung có mấy ý kiến như sau: 1. Nước mình còn nghèo, đã vậy thể thao chưa được chú trọng đúng mức - ngân sách đầu tư mỗi năm chỉ tầm 800-900 tỉ đồng cho thể thao đỉnh cao là con số hết sức khiêm tốn. 2. Thể thao ngày càng bị xem nhẹ, khi trước đây là một cơ quan ngang bộ (Ủy ban TDTT), sau đó hạ xuống thành tổng cục thuộc Bộ VH-TT&DL và bây giờ chỉ còn là cấp cục.Tiền bao nhiêu cho đủ?Thật ra, con số 800-900 tỉ đồng mà Chính phủ chi cho thể thao chỉ là số tiền chi cho Cục TDTT để vận hành bộ máy của cục và chăm lo cho các đội tuyển quốc gia. Trong khi đó, con số lớn hơn rất nhiều, cũng từ ngân sách là ở các địa phương. Ví dụ, thể thao Hà Nội mỗi năm cũng ngốn tầm 700-800 tỉ, TP.HCM vào tầm 400-500 tỉ đồng, và 61 tỉnh thành còn lại ở mức 50-100 tỉ đồng mỗi địa phương. Một lãnh đạo ngành thể thao ước tính mỗi năm tiền ngân sách chi cho toàn bộ sự nghiệp thể thao trên cả nước cũng tầm 10.000 tỉ đồng.Số tiền này là nhiều hay ít?Nói nhiều cũng được mà ít cũng xong, bởi nhiều mà giao cho người không biết làm thì nó cũng thành ít, và ngược lại.Câu chuyện chúng tôi muốn phân tích ở đây là một khía cạnh khác - đó là thể thao hoàn toàn có thể kiếm tiền nhiều hơn, nếu nó được tổ chức đúng.Mới đây, một cán bộ lãnh đạo khá cao trong ngành thể thao kể: Một doanh nghiệp sản xuất dụng cụ thể thao ở Việt Nam muốn tài trợ cho thể thao Campuchia những dụng cụ tập luyện trị giá hơn 20.000 USD và nhờ tôi giới thiệu đầu mối làm việc. Nhân việc này, tôi mới có chuyến làm việc và tìm hiểu cặn kẽ hơn bộ máy thể thao Campuchia và thấy họ rất tân tiến.Đầu tiên, bộ phận quản lý thể thao của Chính phủ Campuchia rất gọn, nằm trong Bộ Giáo dục, Thanh niên, Thể thao. Nhiệm vụ của bộ phận này chỉ là hoạch định chiến lược, chủ yếu chăm sóc sức khỏe toàn dân, đặc biệt là trong nhà trường. Việc phát triển thể thao đỉnh cao là của Ủy ban Olympic Quốc gia.Nhìn về hình thức, bộ máy quản lý thể thao Campuchia khác hẳn chúng ta. Cục TDTT Việt Nam là một cơ quan rất bề thế ở 36 Trần Phú, Hà Nội và Ủy ban Olympic nằm chung trong trụ sở này. Ngược lại, Ủy ban Olympic Campuchia là một tòa nhà 8 tầng, có trên 200 nhân viên. Việc kiếm tiền cho thể thao đỉnh cao là nhiệm vụ của Ủy ban Olympic quốc gia và các liên đoàn thể thao. Đây cũng là mô hình phổ biến ở các quốc gia tiên tiến.Không chỉ khác mô hình quản lý, bộ máy cũng hoàn toàn khác. Nếu Ủy ban Olympic các nước là một tổ chức xã hội đúng nghĩa, thì ở Việt Nam nó là "cánh tay nối dài" của Nhà nước. Cụ thể, bộ trưởng Bộ VH-TT&DL kiêm luôn ghế chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia; ghế phó chủ tịch thường trực thuộc về cục trưởng Cục TDTT, và ghế tổng thư ký thuộc về một cán bộ Cục TDTT.Việc cán bộ nhà nước kiêm luôn các chức danh chủ chốt của Ủy ban Olympic hay các cán bộ ngành thể thao về hưu ngồi ghế lãnh đạo ở các liên đoàn đôi khi trở thành rào cản để các bộ môn thể thao thật sự phát triển ra đại chúng, có tính toàn dân hơn.Thật ra ở Việt Nam cũng đã có một số môn thể thao phát triển tốt một phần nhờ chấm dứt tình trạng đưa người nhà nước sang ngồi vào ghế các liên đoàn, như liên đoàn bóng rổ. Trong những năm gần đây, bóng rổ Việt Nam khởi sắc mạnh mẽ, thể hiện rõ nét qua sức sống của giải vô địch chuyên nghiệp quốc gia. Ở liên đoàn này, từ chủ tịch cho đến các thành viên chuyên trách thậm chí đều là dân ngoại đạo thể thao. Họ là những doanh nhân, chuyên viên marketing, tiếp thị… Chỉ có điều những ví dụ như vậy còn quá hiếm hoi.Theo con đường nào?Không khó hiểu khi đoàn thể thao chủ nhà Trung Quốc càn quét số HCV tại Asiad 19. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên, tuy không có nhiều hoạt động giao lưu với các sân chơi quốc tế, nhưng vẫn có thành tích ăn đứt thể thao Việt Nam. Đội bóng đá nữ Triều Tiên không xuất hiện nhiều năm nay vì vừa bị FIFA kỷ luật vừa bị ảnh hưởng dịch, nhưng trở lại Asiad vẫn cực mạnh… Trong khi đó, giàu có như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng thành tích thể thao thể hiện qua số lượng huy chương vẫn khá khiêm tốn.Trong thế giới thể thao, vẫn tồn tại hai trường phái.Ở một số nước, thể thao trước hết là hoạt động rèn luyện sức khỏe và giải trí. Đa phần các nước phương Tây, những quốc gia có nền kinh tế mạnh ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… chọn trường phái này nên họ chăm chú đầu tư phần lớn nguồn lực công vào thể thao học đường và thể thao đại chúng.Ở những nước này, nhiệm vụ của nhà nước trong lĩnh vực thể thao là khuyến khích và tạo điều kiện để người dân nói chung, học sinh nói riêng có đầy đủ sân bãi chơi thể thao nhằm rèn luyện sức khỏe. Còn phát triển thể thao cao hơn nữa, ban đầu là chuyện của gia đình và sau đó là các tổ chức xã hội, cả vì lợi nhuận lẫn phi lợi nhuận. Ví dụ, phụ huynh muốn con mình chơi một môn nào đó giỏi thì phải tốn tiền đưa vào các lò đào tạo chuyên nghiệp. Ở các lò đào tạo này, họ luôn quan sát để tìm kiếm tài năng. Nếu con bạn có năng khiếu, chắc chắn sẽ có người đầu tư để đôi bên cùng hưởng lợi.Trường phái kiểu Trung Quốc thì nhà nước sẽ đầu tư mạnh tay và "bao sân" gần như toàn bộ mảng thể thao đỉnh cao. Mục tiêu của họ là số lượng HCV ở các kỳ đại hội lớn để tạo hình ảnh đẹp và tăng cường vị thế cho đất nước trên trường quốc tế.Việc xác định theo mô hình phát triển nào là điều vô cùng quan trọng. Do nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố lịch sử, ngành thể thao ở Việt Nam trong nhiều năm đã phát triển theo mô hình Nhà nước bao sân phần thể thao đỉnh cao. Tuy nhiên, tính chất khốc liệt và nghiệt ngã của quá trình chọn lọc nhân tài thể thao ở Việt Nam có lẽ không sánh được với Trung Quốc. Nhiều năm làm nghề viết báo thể thao, tôi bám sát các đội tuyển và nhận thấy mức độ rèn luyện của VĐV Việt Nam là còn nhẹ nhàng, ngay cả khi so với các láng giềng khu vực Đông Nam Á thôi.Đầu tư theo mô hình nhà nước nhưng không quá khắc nghiệt trong huấn luyện và chọn lọc VĐV, chúng ta khó thể đòi hỏi những kỳ tích tầm cỡ thế giới. Đó là chưa tính tới vấn đề nguồn lực bỏ ra. Ở Trung Quốc, để đạt đến trình độ gần như "độc cô cầu bại" trong những nội dung như bóng bàn, hay gầy dựng từ đầu wushu trở thành một môn võ thể thao quảng bá văn hóa Trung Hoa ra thế giới, nước này đã đầu tư rất mạnh tay.Một vài số liệu được Trung Quốc công bố năm 2022 là đủ thấy: nước này sẽ đầu tư 2,1 tỉ nhân dân tệ (331 triệu USD) để xây 185 sân thể thao mới, và cải tạo hơn 1.000 sân nữa trên cả nước trong giai đoạn 2021-2025. Một ví dụ cụ thể là môn bóng bàn: Riêng chi phí để duy trì hoạt động của Trung tâm Quốc gia bóng bàn và cầu lông trực thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao Trung Quốc năm 2022 đã là 97 triệu nhân dân tệ (13,5 triệu USD), chưa tính chi phí đầu tư ban đầu, lương thưởng cho VĐV, HLV, và chi phí thi đấu.Cựu danh thủ bóng bàn Việt Nam Vũ Mạnh Cường kể: Cách đầu tư của Trung Quốc cho bóng bàn rất đặc biệt. Ví dụ khi Thụy Điển nổi lên tay vợt Jan-Ove Waldner rất lạ, Trung Quốc lập tức tuyển chọn một số tay vợt để học theo kiểu đánh giống Waldner, luyện cho họ thuần thục một số miếng đánh y hệt, chỉ để làm "quân xanh" cho các tay vợt chủ lực của mình rèn luyện, tìm cách khắc chế. Đó là cách có lẽ chỉ Trung Quốc mới làm nổi!Một khi xác định theo mô hình nào thì phải làm cho tới. Nếu xem việc kiếm huy chương là ưu tiên, khi ấy phải đầu tư nhiều hơn cho khoa học thể thao và kỷ luật sắt trong huấn luyện. Còn ngược lại, nếu coi việc hơn thua vài ba chiếc huy chương ở SEA Games, Asiad chỉ là thứ yếu so với một dân chúng khỏe mạnh và ham mê rèn luyện thể thao, thì tiền đấy nên để đầu tư vào thể thao học đường và sân bãi, nhà thi đấu công cộng. Còn thể thao đỉnh cao, vốn là nơi có thể kiếm ra tiền, hãy để cho xã hội và thị trường giải quyết. Thực tế đã chứng minh không thiếu những doanh nhân mê bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt, golf... từng đầu tư rất mạnh tay, vấn đề là cần tạo thêm cơ hội và trao thêm quyền quyết định cho họ.■ Chính sách cần nhất quánÔng Mai Bá Hùng, nguyên phó giám đốc phụ trách thể thao ở Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, than thở: vài mươi năm trước, đã có lúc tưởng như thể thao cất cánh mạnh mẽ nhờ nghị định 30 và nghị định 43 về việc tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư thể thao. Hầu hết sân bãi thể thao là tài sản nhà nước nhưng Nhà nước không đủ lực để đầu tư nên kêu gọi tư nhân tham gia là hợp lý. Tuy nhiên sau này lại có nghị định 151 về việc quản lý tài sản công, và thế là mọi chuyện lại như cũ. Theo tôi, chính sách cần nhất quán và có như vậy thì cán bộ ngành thể thao mới dám làm, tư nhân mới dám đầu tư. Tags: Thể thao Việt NamXã hội hóaHuy chương SEA GamesBóng chuyền nữCơ quan ngang bộĐội tuyển quốc giaTiền ngân sáchĐông Nam ÁChăm sóc sức khỏeLiên đoàn thể thaoThể thao học đườngTổng cục Thể dục thể thaoThể thao Trung QuốcTài sản nhà nước
Bão số 7 tác động như thế nào đến đất liền Việt Nam? CHÍ TUỆ 08/11/2024 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 19h tối nay 8-11, tâm bão số 7 (bão Yinxing) đang cách quần đảo Hoàng Sa hơn 600km về phía đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.
Kết quả điều tra ban đầu: Công ty GFDI nợ 7.500 khách hàng số tiền 3.700 tỉ đồng TRƯỜNG TRUNG 08/11/2024 Công an TP Đà Nẵng bước đầu xác định Công ty GFDI nợ 7.500 khách hàng, với số tiền nợ gốc hơn 3.700 tỉ đồng.
Bắt thêm 2 nhân viên tiệm vàng ở TP.HCM trong đường dây tội phạm xuyên quốc gia ĐAN THUẦN 08/11/2024 Quá trình điều tra mở rộng vụ án liên quan đường dây tội phạm xuyên quốc gia, Công an TP.HCM bắt tạm giam 2 nhân viên tiệm vàng Đức Long ở quận Tân Bình.
Trường đầu tiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM công bố phương án tuyển sinh năm 2025 TRẦN HUỲNH 08/11/2024 Tối 8-11, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 với 3 phương thức xét tuyển.