Dù trên lý thuyết, chỉ mới một nửa số VĐV Việt Nam xuất trận ở Paris 2024.
Thu Vinh, Huy Hoàng khó quật khởi
Chiều 29-7, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng xuất trận ở nội dung 800m tự do. Nhưng không nằm ngoài dự đoán của người hâm mộ, thành tích của anh cách suất dự chung kết rất xa.
Trên lý thuyết, cả Huy Hoàng và Thu Vinh vẫn còn nội dung thi đấu. Với Huy Hoàng, anh nhiều khả năng sẽ thi đấu nội dung 1.500m tự do vào ngày 3-8. Còn Thu Vinh có vòng loại nội dung 25m súng ngắn thể thao diễn ra vào ngày 2-8.
Nhưng kỳ vọng của họ ở các nội dung này là rất thấp. Từng có sở trường về nội dung 1.500m tự do, nhưng trong vài năm gần đây, thành tích của Huy Hoàng đi xuống rõ rệt ở cự ly từng mang về cho anh HCB Asiad 2018. Kết quả là Huy Hoàng chỉ đạt được chuẩn B Olympic nội dung 1.500m tự do. Việc thi đấu Olympic với chuẩn B có thể xem là khá miễn cưỡng.
Trong khi đó, nội dung 25m súng ngắn thể thao vốn cũng không phải là sở trường của Thu Vinh. Dẫu biết rằng với môn bắn súng, bất ngờ thường xuyên xuất hiện, nhưng cách biệt của Thu Vinh với các VĐV tham dự nội dung này là khá lớn.
Xạ thủ sinh năm 2000 vốn chỉ tham dự nội dung 25m súng ngắn thông qua suất của nội dung 10m súng ngắn hơi sở trường. Tại Asiad Hàng Châu, Thu Vinh xếp hạng 27/43 ở vòng loại nội dung này, kém hơn hai người đồng đội là Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Thùy Trang.
Kỳ vọng ở Trịnh Văn Vinh
Huy Hoàng và Thu Vinh được xếp vào nhóm các VĐV "ngôi sao" trong danh sách đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic. Những cái tên còn nội dung thi đấu là Phạm Thị Huệ (rowing), Ánh Nguyệt, Quốc Phong (bắn cung), Nhi Yến (điền kinh), Mỹ Tiên (bơi lội), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Văn Vinh (cử tạ) và Nguyễn Thị Hương (canoeing).
Trong số này, Phạm Thị Huệ là người duy nhất đã trải qua 2 buổi thi đấu. Việc giành vé vào tứ kết Olympic là một cột mốc sự nghiệp đáng chú ý với Huệ. Nhưng khả năng cô giành huy chương là gần như không có, bởi Huệ chỉ đi tiếp nhờ vòng đấu vé vớt đặc thù của môn chèo thuyền.
Ở môn bắn cung, Ánh Nguyệt cho thấy sự tiến bộ đáng kể ở lần thứ hai dự Olympic, khi xếp hạng 37/64 vòng loại nội dung cung 1 dây cá nhân nữ. Thành tích đó giúp Nguyệt tránh được các đối thủ mạnh ở vòng 64.
Nhưng để đoạt huy chương, Nguyệt sẽ phải thắng ít nhất là 5 trận đấu. Không giống như bắn súng (chọn ra 8 VĐV vào đấu cùng nhau ở chung kết), việc phân cặp đấu loại trực tiếp của môn bắn cung gần như triệt tiêu mọi khả năng bất ngờ.
Trong số các VĐV còn lại, Trịnh Văn Vinh mang đến nhiều kỳ vọng nhất. Trong quá khứ, Trịnh Văn Vinh từng giành HCV SEA Games 2017 với tổng cử 307kg. Tại Asiad 2018, Vinh cũng đạt mức tổng cử 299kg. Dù vậy, đô cử người Bắc Ninh đã sa sút đáng kể sau án cấm thi đấu dài hạn. Tại Asiad hồi năm ngoái, Vinh chỉ đạt mức tổng cử 292kg. Trên hành trình đến Paris 2024, anh còn dính chấn thương và phải tiêm thuốc giảm đau để thi đấu.
Ở Giải vô địch cử tạ thế giới diễn ra hồi tháng 5, tốp VĐV đứng đầu hạng cân 61kg đều có mức tổng cử trên 300kg. Con số đó cho thấy khả năng vào top 3 của Trịnh Văn Vinh là không cao. Vì vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu đây sẽ là kỳ Olympic thứ hai liên tiếp thể thao Việt Nam không có nổi một vị trí trên bảng tổng sắp huy chương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận