Thể thao và du lịch - Vẫn 'đồng sàng dị mộng'

HUY THỌ 17/04/2019 21:04 GMT+7

Thể thao với du lịch tuy nằm chung một bộ, nhưng luôn dị mộng, bởi tầm nhìn của cả hai chỉ dừng lại ở chỗ đếm huy chương và du khách để... báo cáo!

 

Hôm mà thầy trò ông Park Hang Seo vùi dập Thái Lan 4 bàn trắng tại sân Mỹ Đình trong khuôn khổ vòng loại U23 châu Á, tôi chú ý đến ý kiến một bạn đồng nghiệp trẻ. Trong khi mọi người mải mê reo hò tở mở về chiến thắng này, thì anh bạn trẻ cười mỉm mà viết: ngành du lịch Thái Lan chuẩn bị hốt bạc từ người Việt đi xem vòng chung kết U23 châu Á năm sau!

Thật là chính xác, và tôi thầm nghĩ giá mà những cán bộ nhà nước ở hai ngành thể thao và du lịch có được cái tư duy tỉnh táo như bạn đồng nghiệp trẻ của tôi thì có lẽ việc kết hợp hai ngành này sẽ tốt hơn nhiều, chứ không “đồng sàng dị mộng”.

Còn nhớ hồi 2003, khi tham gia một chút xíu trong việc tổ chức sự kiện đón David Beckham đến TP.HCM, tôi thật sự ngỡ ngàng khi không ít quan chức thể thao lẫn du lịch (và cả chính quyền) đều tỏ ra lạnh lùng với sự kiện này. Thậm chí có vị khi nhận giấy mời còn buông một câu “Thằng ấy có gì mà phải đón tiếp!”. Trong khi đó, lúc Beckham đến Thái Lan, không chỉ quan chức thể thao mà cả du lịch, thậm chí đến thủ tướng đương nhiệm đều tiếp. Cuộc đón tiếp rầm rộ khiến sự kiện đón Beckham thêm ầm ĩ, thu hút du khách, và tạo ra lượng truyền thông đáng kể cho đất nước Thái Lan.

Rồi 2012, khi Giải Heineken Star đưa tay vợt nữ xinh đẹp đương kim số 1 thế giới lúc bấy giờ Victoria Azarenka đến TP.HCM, ngành du lịch cũng không đoái hoài, thể thao thì cũng âm thầm lặng lẽ. Trong khi ở gần như mọi nước châu Á cô này tới đều rần rần đón tiếp, quảng bá, thông tin.

Tóm lại, thể thao với du lịch tuy nằm chung một bộ, nhưng luôn dị mộng, bởi tầm nhìn của cả hai chỉ dừng lại ở chỗ đếm huy chương và du khách để... báo cáo!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận