"5-6 năm trước, chúng ta đã có những bước chuẩn bị tương đối tốt. Nhưng Luật Tài sản công, hợp tác công tư vướng vào những quy định nên chưa triển khai được.
Gần đây, nghị quyết 98 của Quốc hội, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đã mở ra cho TP.HCM nhiều quyền chủ động hơn, là điều kiện thuận lợi để TP có thể đầu tư cho thể thao.
Vấn đề còn lại bây giờ là chúng ta sẽ triển khai như thế nào và quyết tâm ra sao", nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Mai Bá Hùng chia sẻ.
Muốn nhanh phải lo giải phóng mặt bằng tại Rạch Chiếc
Những dự án xây mới đa phần đều tập trung ở Rạch Chiếc. Do đó ông Mai Bá Hùng cho rằng đầu tiên là phải lấy nguồn tiền từ ngân sách hay nguồn nào đó để giải phóng mặt bằng, vì đất ở đây chưa phải là đất sạch.
"Trước khi tôi nghỉ hưu, tiền đền bù giải phóng mặt bằng tại đây chỉ 6.000 tỉ đồng vào khoảng năm 2019 hay 2020. Nhưng sau đó đã lên đến 18.000 tỉ đồng, đội giá gấp ba lần. Do đó nếu không quyết tâm làm bước đầu tiên là có đất sạch thì giá sẽ lại càng lên cao hơn, gây khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng và lại càng khiến kế hoạch gặp khó khăn", ông Hùng nói.
Ông cho rằng khi có đất sạch thì nhà đầu tư mới an tâm xây dựng dự án và phương án thu hồi vốn. Doanh nghiệp vừa lo đền bù giải tỏa vừa lo về mục đích thể thao thì họ sẽ không dám đầu tư vì bỏ tiền vô mà không thấy có gì lời hết.
Muốn có thể hoàn tất dự án nhanh tại khu Rạch Chiếc, phải lo tập trung giải phóng mặt bằng từ đây đến năm 2025. TP.HCM đã có quy hoạch 1/2.000 tại Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc, một số nhà đầu tư cũng đã có sẵn hết rồi. Vấn đề còn lại là không có đất sạch.
Ông Hùng nói thêm: "Đối với TP.HCM, con số 18.000 tỉ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng tại Rạch Chiếc có thể xoay được. Vấn đề là chúng ta quan tâm ra sao để có thể xây dựng nên một Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc hiện đại. Xây một bệnh viện bình thường thôi cũng từ mười mấy đến 20.000 tỉ đồng.
Trong khi chúng ta có thể nhìn xa hơn, lấy quan điểm xây sân vận động để giảm xây bệnh viện, tức là người dân có điều kiện tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe thì khỏe hơn và bệnh tật sẽ giảm đi".
Học viện bóng đá hiện đại là hướng đi đúng đắn
Kể từ sau chức vô địch V-League 2001 - 2002 của CLB Cảng Sài Gòn, bóng đá TP.HCM đã sa sút hẳn. Ngoài ngôi á quân V-Leage 2019, CLB TP.HCM cho đến giờ toàn lo trụ hạng.
CLB Sài Gòn sau hạng 3 V-League 2020 cũng đã giải thể sau khi rớt hạng. Bóng đá trẻ TP cũng không gặt hái được danh hiệu nào dù hợp tác với CLB Lyon (Pháp) trong việc đào tạo trẻ từ năm 2016.
Vì vậy, dự án xây mới học viện bóng đá và cụm sáu sân tập bóng đá ngoài trời là một hướng đi đúng đắn nhằm có thể đào tạo nên những cầu thủ giỏi cho bóng đá TP trong tương lai.
Với mức đầu tư lên đến 1.000 tỉ đồng, dự án Học viện bóng đá hứa hẹn có chất lượng không thua gì Trung tâm đào tạo bóng đá PVF từng được xây dựng với 35 triệu USD vào năm 2008 tại Hưng Yên.
Trung tâm đào tạo bóng đá PVF là một trong những học viện được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) trao chứng nhận 3 sao (cấp cao nhất) về chất lượng của hệ thống đào tạo bóng đá trẻ bên cạnh Học viện Jeonbuk Hyundai Motors FC (Hàn Quốc) và Học viện Aspire (Qatar).
Sau 14 năm phát triển, PVF là một trong những lò đào tạo bóng đá trẻ giàu thành tích nhất Việt Nam với 20 chức vô địch các giải trẻ quốc gia, 9 lần vô địch các giải trẻ quốc tế. Do đó đây cũng là hướng đầu tư mà TP.HCM có thể hướng đến.
Cựu danh thủ Trần Minh Chiến, người từng trưởng thành từ Trường năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM và từng làm ở Trung tâm đào tạo trẻ PVF, hào hứng khi nói về học viện bóng đá hiện đại mà TP.HCM dự tính xây dựng.
Theo ông Chiến, nếu TP.HCM có thể đầu tư được như vậy thì quá tốt. Khi đó, chúng ta có thể tìm được nhân tài về với mình. Cơ sở vật chất tốt ảnh hưởng đến vấn đề chuyên môn rất nhiều.
Nên nếu học viện bóng đá tại TP.HCM được xây dựng hiện đại thì sẽ cho đầu ra rất tốt. Có kinh phí lớn, chúng ta có thể kết hợp thêm với các CLB nước ngoài nổi tiếng về đào tạo trẻ.
Ông Trần Minh Chiến chia sẻ: "Ngày xưa chúng tôi tập luyện trên sân cát ở sân Hoa Lư nên học hay áp dụng kỹ thuật cũng khó mà hoàn thiện nhanh như khi tập trên sân hiện đại. Các thầy khi đó muốn sửa kỹ thuật cho chúng tôi cũng khó do điều kiện mặt sân.
Giờ thì dự án Học viện bóng đá TP.HCM với cụm sáu sân tập sẽ giải quyết được bài toán không có sân bãi, vừa giúp các cầu thủ tiến bộ nhanh về chuyên môn. Điều quan trọng là dự án phải nhanh chóng hoàn thành thì mới hy vọng vào sự trở lại của bóng đá TP".
* Ông Cao Thanh Bình (trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM):
Cần phải có sự quyết liệt thực hiện của chính quyền
Thời gian qua, một số dự án trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao được thông qua chủ trương đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư nhưng triển khai rất chậm, có dự án kéo dài nhiều năm.
Điều này có nguyên nhân là quá trình nghiên cứu tiền khả thi chưa sát thực tế, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chậm ưu tiên cân đối vốn cho các dự án thuộc các lĩnh vực này...
Các kỳ họp vừa qua, HĐND TP.HCM đã ưu tiên thông qua chủ trương đầu tư cho hàng loạt các dự án y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.
Đồng thời HĐND TP.HCM cũng ban hành danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên để các dự án thực sự thành hình thì cần phải có sự quyết liệt thực hiện của chính quyền TP sau đó.
Một dự án được các đại biểu đưa ra bàn luận tại kỳ họp này là Nhà thi đấu Phan Đình Phùng chậm triển khai nhiều năm khiến cử tri bức xúc.
Trước chất vấn của đại biểu HĐND TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM cho biết đang rà soát lại tính pháp lý của dự án, đánh giá tác động, xem xét lại hình thức đầu tư PPP hay đầu tư công, sau đó TP.HCM sẽ có giải pháp để tháo gỡ.
Hay dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ là dự án được thông qua chủ trương đầu tư bằng đầu tư công nhưng chậm triển khai.
Đại biểu HĐND TP cũng đã vào cuộc giám sát, thấy được nguyên nhân là chậm bố trí và đã có kiến nghị UBND TP bố trí. Hiện nay dự án được triển khai đảm bảo tiến độ.
Sắp tới, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM sẽ tập trung giám sát sâu việc triển khai thực hiện các nghị quyết mà HĐND TP đã thông qua, làm sao có tác động đến các sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, làm sao cuộc sống người dân phát triển tốt hơn.
* Bà Nguyễn Trà Giang (viện trưởng Viện Khoa học và quản lý thể dục thể thao UMT):
Các giải đấu phải hấp dẫn, tạo nguồn thu tốt
Bangkok của Thái Lan có dân số gần 13 triệu người, diện tích chỉ là 1.600km2. Mật độ dân số của Bangkok không kém Hà Nội hay TP.HCM.
Những khu vực nội thành của họ cũng đông đúc, chật chội chẳng kém gì ở Việt Nam, nhưng người Thái vẫn luôn tìm được cách cho toàn dân chơi thể thao.
Sân vận động quốc gia của Thái Lan (Supachalasai) nằm ở trung tâm Bangkok nhưng luôn mở cửa cho người dân đến đây tập luyện từ 17h. Nhiều sân vận động khác rải rác khắp cả nước Thái Lan cũng vậy.
Tổng cục Thể dục thể thao của Thái Lan (SAT) - bên cạnh trách nhiệm phát triển thể thao đỉnh cao còn phải đảm đương nhiệm vụ xây dựng thể thao quần chúng.
Vì họ quan điểm rằng từ một nền tảng thể thao quần chúng phát triển rộng mới có thể có thể thao đỉnh cao. Các nhà thi đấu ở Thái Lan rất thân thiện, gần gũi với mọi người.
Mặt khác, các sân vận động cần phải tổ chức sự kiện nhiều, và sự kiện cần thu hút đông đảo người đến xem mới có thể duy trì được tài chính bền vững. Đây là bài toán với cả nền thể thao, từ các liên đoàn...
Do đó phải làm sao để các giải đấu của mình thật hấp dẫn, thu hút nhiều nhà tài trợ, nhiều khán giả... nhằm tạo nguồn thu tốt.
* Ông Trần Văn Nghĩa (nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM):
Người dân phải được thụ hưởng
Tôi rất hiểu cái khó của ngành trong việc xây dựng thể thao cộng đồng. Để xây dựng thể thao cộng đồng thì cần phải có đất cho thể thao cộng đồng.
Và khi đã xây dựng được cơ sở vật chất, điều quan trọng là phải tận dụng tối đa cho nhu cầu tập luyện của người dân.
Bên cạnh các điều kiện về sân bãi, cơ sở vật chất, các lãnh đạo ngành thể thao và giáo dục còn phải nghĩ đến cách rèn luyện ý thức tập luyện cho người dân. Và tốt nhất để làm điều này là ở lứa tuổi học sinh.
Cơ sở vật chất là điều kiện cần để phát triển nền thể thao.
Nhưng điều quan trọng là phải làm sao để từ nguồn lực đó, tất cả người dân đều cùng tham gia vào phong trào thể thao, chứ không phải là dựng nên những sân vận động xa cách với quần chúng.
Cần tận dụng Phú Thọ và Phan Đình Phùng
Ông Mai Bá Hùng cho biết ông tỏ ra bất ngờ khi Trung tâm TDTT Phú Thọ và Nhà thi đấu Phan Đình Phùng không được đưa vào danh sách các dự án đầu tư cho thể thao.
Ông nói: "Cái thuận lợi nhất là Trung tâm TDTT Phú Thọ và Nhà thi đấu Phan Đình Phùng là hai nơi trên khi quy hoạch đã có và về mặt pháp lý đã tương đối rõ ràng. Chỗ Nhà thi đấu Phan Đình Phùng chỉ là tháo gỡ hợp tác công tư ra sao thôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận