Và tình yêu thương của các bậc phụ huynh này đã giúp các em mang về không ít huy chương cho thể thao khuyết tật TP.HCM.
Thể thao thay đổi cuộc đời
Nhóm VĐV thiểu năng trí tuệ này đa phần đều trên dưới 30 tuổi như Nguyễn Ngọc Bảo Trân (32 tuổi), Phan Anh Kha (31 tuổi), Nguyễn Thị Anh Thư (28 tuổi), Bùi Thị Hồng Ngọc (26 tuổi). Họ là những người có chỉ số IQ dưới 70 nên trong sinh hoạt hằng ngày có nhiều việc không thể tự thực hiện.
"Do khả năng tập trung kém nên lúc nào các em cũng phải có người đi kèm. Đa số không biết đi xe, nếu ra đường đi lạc là không biết cách làm sao quay về. Các em cũng không biết giải thích để người khác giúp đỡ. Vì vậy khi đấu giải lúc nào cũng có cha mẹ đi theo hỗ trợ" - bà Đinh Thị Hồng Vân, mẹ của VĐV Anh Thư, chia sẻ.
Bà Hồng Vân kể từ khi sinh ra, Anh Thư mắc nhiều căn bệnh mãn tính. Ngày trước mỗi lần tắm cho con bà đều khóc vì thấy tóc con rụng nhiều. Bác sĩ cũng bảo Anh Thư phải dùng thuốc suốt đời để điều trị nhiều căn bệnh mãn tính. Nhưng từ khi đến với điền kinh năm 16 tuổi, Anh Thư ít bệnh hơn, da dẻ hồng hào và tính tình cũng vui vẻ, hòa đồng hơn hẳn. Cô thật sự tìm được niềm vui trong cuộc sống nhờ vào việc tập luyện, thi đấu.
Trong khi đó, Bùi Thị Hồng Ngọc là người năng động và thường xuyên chào hỏi mọi người. Nhưng nếu thường xuyên ở nhà, cô rất dễ nổi cáu vì không thể kiểm soát hành vi. Trong mùa dịch COVID-19, có lần Ngọc bị stress nặng do không được tập luyện dẫn đến những hành động gây hại cho bản thân. Phan Anh Kha là một câu chuyện khác khi anh không phải người duy nhất trong gia đình mắc căn bệnh này. Cả bố và em trai của Kha đều gặp vấn đề tương tự. Do mẹ đã bỏ đi từ khi anh còn nhỏ nên hiện cả gia đình anh đang được người chú ruột chăm sóc.
Hoàn cảnh khó khăn cùng việc mắc thiểu năng trí tuệ, nhưng Phan Anh Kha lại sở hữu thể trạng tuyệt vời. Nhiều năm thi đấu ở giải quốc gia, anh gần như không có đối thủ nội dung nhảy xa, nhảy ba bước. Năm nay, thành tích của Kha có phần đi xuống do tuổi tác nhưng vẫn nằm trong tốp 3. Dù bên ngoài có thể ngây ngô, khờ khạo, nhưng Anh Kha lại là chàng trai tốt bụng, nhiệt tình. Khi không thi đấu, anh thường giúp đỡ những VĐV khác bằng cách đi nhặt tạ, gom dụng cụ thi đấu...
Bỏ việc để theo con thi đấu
Để theo chân con mình thi đấu, các bậc phụ huynh phải hy sinh thời gian, công việc. Ông Nguyễn Ngọc Nhơn, cha của Nguyễn Ngọc Bảo Trân, đã theo con đi khắp mọi miền đất nước trong suốt 17 năm qua. Ông Nhơn chia sẻ: "Thời gian đầu, xin nghỉ việc để dắt con đi thi đấu còn dễ. Nhưng sau này, việc xin nghỉ khó khăn hơn. Từ đó tôi xin nghỉ luôn để làm công việc tại nhà".
Tham gia giải năm nay, nhóm VĐV T20 của TP.HCM có 4 người. Thế nhưng bình thường, đội hình của họ lên đến gần 20 người. Và không phải phụ huynh nào cũng có thể thu xếp công việc lên hỗ trợ con. Do đó ông Nhơn, bà Vân... thường nhận luôn trách nhiệm lo cho những VĐV còn lại. "Đi nhiều nên mình cũng thương mấy đứa nó như thương con mình vậy. Đa số phụ huynh không quan trọng thành tích đâu, họ chỉ muốn được thấy con mình vui thôi. Mà để vui thì phải cho tụi nó thi đấu. Có mấy năm đi đấu ở tỉnh, chúng tôi còn kết hợp cho tụi nó đi du lịch", ông Nhơn kể.
"Mỗi lần nghe được thi đấu là Ngọc thao thức cả tuần. Dù ít nhớ gì được lâu nhưng cứ nghe có giải là nó nhắc hoài. Có năm đấu xong không được HCV mà chỉ được HCB, nó lăn lộn ra giữa sân khóc lóc dữ lắm" - bà Hồ Thị Ngọc Sương, mẹ của VĐV Bùi Thị Hồng Ngọc, chia sẻ.
Cả 4 VĐV Nguyễn Ngọc Bảo Trân, Phan Anh Kha, Nguyễn Thị Anh Thư và Bùi Thị Hồng Ngọc đã đem về rất nhiều huy chương cho thể thao người khuyết tật TP.HCM nhiều năm qua. Và những chiếc huy chương của họ chứa đựng rất nhiều công sức của các bậc phụ huynh.
Người thầy tận tụy
Tham gia đào tạo rồi huấn luyện nhóm VĐV điền kinh thiểu năng trí tuệ từ những ngày đầu, HLV Mai Trí Dũng hiểu rõ từng học trò của mình. Với ông, đây là công việc cần rất nhiều sự kiên trì. "Những dạng khuyết tật khác, họ có thể mất đi một phần cơ thể nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo nên nói là họ hiểu ngay. Còn với các em này, chuyện hướng dẫn cho các em làm mấy động tác cơ bản như giậm nhảy, chạy đúng đường chạy... có khi mất đến 2 - 3 tháng", ông Dũng chia sẻ.
Là một cựu VĐV, ông Mai Trí Dũng bắt đầu công tác huấn luyện cho VĐV khuyết tật từ những năm 1990. Đến năm 2006, ông bắt đầu tiếp xúc với các VĐV thiểu năng trí tuệ và gắn bó đến bây giờ. Nhờ sự tận tụy, nhiệt tình, ông được rất nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em.
"Những VĐV thiểu năng rất có ý chí, dù nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng khi ra thi đấu lại quên. Vì vậy phải luôn nhắc nhở từng li từng tí. Mình phải kiên trì, nhẫn nại và có lòng yêu thương thì mới làm công việc này được", ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận