Thể thao luôn cần đổi mới

HUY ĐĂNG 22/09/2024 09:41 GMT+7

TTCT - Từ mùa giải này, người hâm mộ bóng đá được chứng kiến một cuộc cải tổ lớn chưa từng có về mặt thể thức thi đấu khi UEFA cách tân giải đấu con cưng Champions League.

Cuộc cải tổ đó có thể so sánh với việc luật việt vị được ban hành vào năm 1863, luật thay người ra đời từ năm 1958, hay luật Bosman năm 1995.

Thể thao luôn cần đổi mới - Ảnh 1.

Người hâm mộ phải tập làm quen với một Champions League hoàn toàn xa lạ từ mùa giải này. Ảnh: REUTERS

Một Champions League lạ lẫm

Tất cả những thay đổi kể trên đều là các cột mốc quan trọng, góp phần tạo ra những trận bóng đá đỉnh cao mà người hâm mộ đã quen thuộc suốt hơn 20 năm qua. Nhưng rồi trong dòng chảy của sự đổi mới, bóng đá không thể đứng yên mãi được. Và UEFA đã tạo ra một cột mốc xứng tầm thực sự, với danh nghĩa của tổ chức luôn đi đầu trong làng bóng đá đỉnh cao.

20 năm cũng là khoảng thời gian cho thể thức thi đấu Champions League phổ biến mà chúng ta biết đến những năm qua. 

Năm 2003, UEFA bãi bỏ giai đoạn vòng bảng thứ 2, và 16 đội vượt qua vòng bảng thứ nhất sẽ đá loại trực tiếp luôn. Thay đổi đó được ủng hộ nhiệt liệt, vì nó giúp giảm số trận đấu không cần thiết, trong khi cuộc tranh tài trở nên kịch tính, nhiều bất ngờ hơn.

Nhưng nhìn chung, phiên bản Champions League mà chúng ta biết đến vẫn được "đóng khung" trong "quy tắc đối xứng" quen thuộc của bóng đá. Vài thập niên qua, hầu hết các giải đấu lớn trong thế giới bóng đá đều giữ quy mô "lũy thừa 2". 

Tức số đội dự giải có thể là 8, 16 hay 32, chia làm các bảng đấu 4 đội. Suốt một thời gian dài, World Cup có 32 đội, Euro và Asian Cup có 16 đội, còn AFC Champions League có 32 đội.

Cũng có một số sự phá cách, như khi UEFA thay đổi số đội bóng từ 16 lên 24 từ giải năm 2016. Khái niệm "đội hạng 3 có thành tích tốt" bắt đầu xuất hiện rộng rãi, khiến cuộc đua ở mỗi bảng được mở rộng hơn cho các đội bóng yếu. Với cấp độ CLB, quy tắc đối xứng còn mang đến tính công bằng với thể thức đá sân khách và sân nhà.

Nhưng từ năm nay, Champions League không còn là Champions League mà chúng ta biết đến nữa. Giải đấu được mở rộng lên 36 đội, và quan trọng hơn, xóa bỏ ranh giới về khái niệm "bảng đấu", sẽ chỉ có 1 bảng ở giai đoạn vòng bảng. 

UEFA tạo nên công thức thi đấu khá lạ lẫm, với 36 đội chia làm 4 nhóm hạt giống. Trong đó, mỗi đội sẽ đá 8 trận vòng bảng với 8 đội khác, với điều kiện mỗi nhóm hạt giống sẽ có 2 đối thủ.

AC Milan gặp Liverpool, Liverpool gặp Real Madrid, nhưng AC Milan lại… không gặp Real Madrid. Đó là một ví dụ tóm gọn cho Champions League mùa giải mới. 

Không chỉ vậy, ban tổ chức tạo ra công thức bốc thăm ngẫu nhiên đảm bảo mỗi đội sẽ đá 4 trận sân nhà, 4 trận sân khách, nhưng không phải lượt đi - lượt về. Ví dụ như Liverpool đã gặp may đáng kể khi chạm trán đối thủ mạnh nhất là Real Madrid trên sân nhà, yếu tố quan trọng giúp họ tự tin hướng đến việc đua nhất bảng. Quy tắc đối xứng hoàn toàn bị loại bỏ.

Thể thao luôn cần đổi mới - Ảnh 2.

Những trận đấu giữa các đại gia sẽ diễn ra nhiều hơn ở Champions League mùa này ngay từ vòng bảng. Ảnh: Managing Real

Thay đổi hay không thay đổi?

Cuộc cải tổ lần này của UEFA không nhận được ủng hộ. Bởi không giống 2 thập niên trước, việc thay đổi thể thức Champions League năm nay khiến các đội bóng phải đá nhiều trận hơn, và số trận đấu căng thẳng cũng tăng. Ví dụ như PSG, họ phải đụng độ cả Arsenal, Atletico Madrid, Bayern Munich lẫn Man City ở giai đoạn vòng bảng.

Còn người hâm mộ liệu có hài lòng? Câu trả lời chỉ thực sự được đưa ra sau khoảng 1-2 năm tới, khi giải đấu bắt đầu vào guồng.

UEFA Nations League (cấp độ tuyển quốc gia) là một ví dụ cho thấy không phải ý tưởng nào của UEFA cũng có thể bền vững. Ở năm đầu tiên tổ chức giải, UEFA Nations League tạo nên hứng khởi lớn cho người hâm mộ khi các đội bóng lớn đụng độ nhau thường xuyên. 

Trận chung kết hạng A của UEFA Nations League mùa giải 2018-2019 có 44.000 khán giả đến sân, chiếm 90% sức chứa sân vận động De Dragao (Porto)

Nhưng chỉ 2 năm sau, cơn hứng khởi vụt tắt. Trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Pháp mùa 2020-2021 chỉ thu hút 31.500 CĐV đến sân, chiếm 40% sức chứa sân San Siro. Đến năm 2023, ban tổ chức chấp nhận chuyển sang sân De Kuip của Hà Lan, có sức chứa chỉ 50.000 người, nhưng rồi lượng CĐV đến sân cũng không quá 40.000.

Mà đó đã là trận chung kết. Con số của những trận vòng bảng càng thê thảm hơn, với lượng khán giả trung bình mùa giải 2022-2023 chỉ khoảng 19.000 người. Và sau 6 năm ra đời, UEFA Nations League ngày càng nhận nhiều chỉ trích, dù trên lý thuyết giải đấu đã nâng tầm các trận giao hữu thành một giải chính thức, và các đội lớn đụng độ nhau thường xuyên.

Champions League thể thức mới so với Nations League, ít ra vẫn có lợi thế về truyền thống và tầm quan trọng. Hơn nữa, UEFA đứng trước sức ép phải đổi mới trước mối đe dọa của dự án Super League (các CLB hàng đầu châu Âu muốn tự lập giải riêng).

Nhiều năm qua, làng bóng đá thế giới đã không ngừng thay đổi để mang lại cảm giác mới mẻ cho người hâm mộ. AFC và UEFA đã thay đổi thể thức Champions League trong cùng một mùa giải. FIFA cách tân hoàn toàn FIFA Club World Cup, biến giải từ mô hình 4-5 đội tượng trưng thành vòng chung kết 32 CLB, cùng số tiền thưởng tăng gấp hàng chục lần.

Mỗi đợt đổi mới của FIFA, UEFA và AFC đều mang lại lợi ích tiền bạc, nhưng không chỉ có vậy. Real Madrid đã vô địch Champions League đến 5 lần trong 9 năm qua, còn FIFA Club World Cup hầu như chỉ nhằm tôn vinh những đội bóng châu Âu.

Khi cuộc chơi có dấu hiệu nhàm chán, giới quản lý phải ra tay kịp thời. Và thay đổi càng mới mẻ sẽ càng kích thích tính tò mò. Thể thức mới mà UEFA áp dụng cho Champions League là kiểu "hệ Thụy Sĩ", giống như môn cờ vua. Nếu ý tưởng này được công khai từ 10 năm trước, ắt hẳn nó sẽ bị cười nhạo.

Trong lúc UEFA mạnh tay cải tổ Champions League, FIFA cùng IFAB (cơ quan ban hành luật bóng đá) lại đang ấp ủ một cuộc cách mạng lớn chẳng kém: thay đổi luật việt vị, cho phép tiền đạo có nhiều không gian hơn (chỉ bị phạt việt vị khi đã vượt qua hậu vệ đối phương cả thân người). 

Có hai luồng ý kiến xuất hiện. Một bên cho rằng thay đổi này sẽ giúp bóng đá hấp dẫn hơn. Bên kia tỏ ra bi quan, tin rằng các hậu vệ sẽ không bao giờ dâng cao nữa vì sợ phản công, và khiến các trận đấu ngày càng buồn ngủ.

Đổi mới sẽ mang lại kết quả tích cực hay tiêu cực, phải chờ đến khi bóng lăn mới rõ. Nhưng cuộc chơi là không ngừng thay đổi.■

Mỗi môn thể thao đều trải qua những cuộc cách mạng lớn. Với bóng rổ, việc cho ra đời đồng hồ bấm giờ vào năm 1954, và đặt ra luật ghi 3 điểm vào năm 1961 đã khiến các trận đấu trở nên kịch tính hơn hẳn. Với bóng chuyền, vị trí libero ra đời vào năm 1997 đã tạo nên thay đổi cực lớn ở môn thể thao này. Ngay cả một môn thể thao không mang tính đại chúng như bắn súng cũng không ngừng thay đổi để cuộc chơi hấp dẫn hơn. Điển hình là việc đổi thể thức từ cộng dồn điểm vòng loại và chung kết sang thể thức đấu loại dần vào cuối năm 2012. Thật dễ hiểu, thể thức này khiến bất ngờ dễ xảy ra hơn.Thể thao luôn cần đổi mới


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận