Đội tuyển E-Sports Việt Nam giành HCĐ SEA Games 30 - Ảnh: VED
Ngày 27-6, Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) - đơn vị quản lý Thể thao điện tử (E-Sports), Vũ đạo thể thao giải trí (Hip hop) đã tổ chức đại hội khóa III. Nhiều ý kiến cho rằng đưa E-Sports và nhảy Hip hop vào một "rọ" là chưa hợp lý.
Thể thao điện tử (E-Sports) là sự kết hợp của thể thao với công nghệ thông tin. Thể thao điện tử là những games: DotA, AoE, Leage of Legends…
E-Sports khác với game thông thường ở chỗ nó đòi hỏi VĐV phải suy nghĩ trong thi đấu, luyện tập kỹ năng, kết hợp đồng đội, và khác với game online ở chỗ nó có thể được tổ chức như một giải thể thao thực sự, tập trung, không phải "cày kéo" để có đẳng cấp.
VIRESA ra đời từ năm 2009 để quản lý, tổ chức và phát triển E-Sports và Hip hop. Báo cáo về thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ II, VIRESA cho biết môn thể thao điện tử được thi đấu chính thức tại Đại hội thể thao châu Á trong nhà, SEA Games và hiện đang đệ trình đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic.
Trong những năm qua đội tuyển E-Sports Việt Nam đã giành được thứ hạng cao ở cả 3 giải đấu lớn nhất thế giới: huy chương bạc môn Đột kích, Phi đội; huy chương đồng môn World of Tanks; huy chương vàng bộ môn FIFA Online 2. Tại SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines, đội tuyển E-Sports Việt Nam đã xuất sắc giành 3 huy chương đồng.
Theo báo cáo tài chính của VIRESA, nhiệm kỳ II (2015 - 2019), Hội chỉ thu được 50 triệu đồng tiền hội phí của hội viên để chi cho hoạt động hành chính. Để tổ chức giải đấu E-Sports, Hiệp hội kêu gọi được 1,08 tỉ đồng từ hoạt động tài trợ để hỗ trợ kinh phí tổ chức các giải đấu. Đội tuyển E-Sports Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận được các nhà tài trợ để tài trợ cho các hoạt động của đội.
Dù vậy, theo nhiều đại biểu tham dự đại hội thì việc đưa môn thể thao giải trí (Hip hop) vào VIRESA là chưa hợp lý. Lý do là E-Sports là môn thể thao điện tử trong khi Hip hop là môn mang tính chất nghệ thuật của nhảy múa. Hai môn không liên quan đến nhau lại được quản lý trong một Hội là điều chưa hợp lý, khó có thể giúp Hip hop phát triển được.
Anh Phạm Khánh Linh (Giám đốc nghệ thuật Công ty Sine) cho biết: "Hip hop phát triển mạnh tại Việt Nam từ những năm 1990, trước E-Sports rất nhiều. Thế nhưng từ năm 2011 - 2012 đến nay Hip hop gần như tách khỏi cơ chế quản lý của nhà nước, Hiệp hội.
Hiệp hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam dù quản lý bộ môn này nhưng lại không kết nối được với những VĐV, nhóm Hip hop tài năng. Năm 2016 Hip hop Việt Nam từng giành HCV Olympic trẻ, năm 2019 từng giành huy chương bạc SEA Games ở nội dung B-boying".
Theo lãnh đạo VIRESA, thời gian qua do chưa có đơn vị quản lý nên cơ quan quản lý nhà nước là Bộ VH-TT&DL, Bộ Nội vụ tạm thời cho phép VIRESA quản lý cả E-Sports và Hip hop. Thời gian tới Hip hop có thể xin tách ra thành lập liên đoàn riêng nếu được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Xuân Cường được bầu làm chủ tịch VIRESA
Đại hội Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam nhiệm kỳ III (2020 - 2024) đã bầu ông Nguyễn Xuân Cường (Phó chủ tịch thường trực Hội truyền thông số Việt Nam, nguyên tổng giám đốc VTC) làm chủ tịch khóa III. Ngoài ra đại hội cũng bầu ra 5 phó chủ tịch khác. Tổng thư ký của VIRESA khóa III là ông Đỗ Việt Hùng (Giám đốc trung tâm thể thao điện tử - VTVlive). VIRESA khóa III có 27 thành viên tham gia ban chấp hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận