31/12/2012 07:45 GMT+7

"Thể thao chỉ sống được nếu kinh doanh tốt"

Ông CONNOR NGUYỄN
Ông CONNOR NGUYỄN

TT - Giám đốc điều hành đội bóng rổ Saigon Heat Connor Nguyễn đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ.

Ông nhận xét một trong những lý do khiến thể thao VN giậm chân tại chỗ vì thiếu những nhà kinh doanh thể thao.

mmkqrqfE.jpgPhóng to
Tân binh người Mỹ của Saigon Heat Lowhorn (phải) ghi điểm trong trận giao hữu thắng CLB Sichuan Blue Whales (Trung Quốc) 87-72 đêm qua tại nhà thi đấu Tân Bình (TP.HCM)- Ảnh: Tấn Phúc
zMGcDNbj.jpgPhóng to
Ông Connor Nguyễn - giám đốc điều hành đội Saigon Heat - Ảnh: T.P.
Chỉ sau một năm hoạt động, đội bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên ở VN Saigon Heat đã trở thành mô hình kinh doanh thể thao được các đội bóng dự Giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á (ABL) học tập.

Ông Connor Nguyễn cho biết: “Chúng tôi tính toán trong ba năm đầu tiên, mỗi năm chúng tôi bỏ ra từ 600.000 USD (khoảng 12 tỉ đồng) đến 2 triệu USD. Nguồn thu của Saigon Heat chủ yếu đến từ bán vé, hợp đồng tài trợ, bán áo, hàng lưu niệm... Thực tế các trận đấu của Saigon Heat trên sân nhà ở Giải ABL luôn kín khán giả (giá vé cao nhất là 500.000 đồng). Chúng tôi cũng bán được một số áo cầu thủ... Tuy nhiên, các khoản thu vẫn chưa sánh được với tiền đã bỏ ra đầu tư. Về lâu dài, chúng tôi sẽ bán bản quyền truyền hình và đó là nguồn thu quan trọng cùng với các hợp đồng tài trợ...”.

“Chúng tôi cũng phải tìm cách cân đối nguồn ngân sách, chẳng hạn như phải khống chế quỹ lương sao cho không vượt quá 50% dự trù chi phí. Số tiền còn lại chúng tôi dồn vào việc mở rộng các hoạt động giải trí trong và ngoài sân. Chẳng hạn như khi đến sân khán giả sẽ được thụ hưởng gì, ở ngoài sân họ được vui chơi thế nào. Đích nhắm của chúng tôi không chỉ là những khán giả yêu bóng rổ, mà cả những khán giả không biết gì về bóng rổ nhưng họ vẫn bỏ tiền mua vé vào sân vì ở đây họ được tận hưởng không khí thể thao, được vui chơi cùng bạn bè, gia đình. Chúng tôi đã lên kế hoạch chịu lỗ trong ba năm đầu tiên nhưng sau đó sẽ bắt đầu lấy lại vốn và có lãi” - ông Connor Nguyễn cho biết thêm.

"Nền bóng đá hiện tại ở VN chưa phù hợp với kinh doanh thể thao"

* Đâu là điều khiến ông hài lòng nhất sau một năm đầu tư vào bóng rổ ở VN?

- Tôi cho rằng thành công lớn nhất của Saigon Heat chính là được nhiều người biết đến. Dù mới ra đời nhưng Saigon Heat tự hào có lượng CĐV đến sân đông nhất tại ABL, trung bình gấp đôi các đội khác. Saigon Heat cũng là đội dẫn đầu về hiệu quả hoạt động kinh doanh thể thao nên được ban tổ chức Giải ABL chọn làm mô hình kiểu mẫu cho các CLB khác tại giải học tập.

Tuy nhiên, do chúng tôi vẫn còn non kinh nghiệm nên vẫn có những điều cần khắc phục. Tôi hoàn toàn không hài lòng khi chỉ tiêu đặt ra là vào top 4 nhưng cuối cùng đội chỉ xếp hạng 6/8. Nguyên nhân được phân tích kỹ là chúng tôi đã quá mải mê chạy theo các ngôi sao từng thi đấu tại NBA (Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ), ví dụ như ngôi sao Julius Hodge. Hodge là ngôi sao và có khoảng cách quá lớn về chuyên môn với đồng đội nên các cầu thủ Việt không thể theo kịp anh. Năm nay, điều đó sẽ được cải thiện khi các cầu thủ ngoại binh ít nổi tiếng hơn nhưng hòa nhập tốt với đồng đội.

Thêm vào đó, tôi sẽ chú trọng đến việc dùng nhiều cầu thủ Việt hơn vì dù sao Saigon Heat là đội bóng của VN. Chúng ta không thể bắt khán giả VN đến sân để cổ vũ cho một đội bóng toàn cầu thủ nước ngoài thi đấu.

* Tại sao ông và các cộng sự lại quyết định đầu tư vào bóng rổ mà không phải là bóng đá?

- Tôi luôn nghĩ về việc đầu tư vào bóng đá. Ở VN có môn thể thao nào được nhiều người quan tâm và yêu thích hơn bóng đá. Tuy nhiên, có những lý do sau khiến tôi chưa nhảy vào bóng đá. Thứ nhất, tôi muốn làm một cái gì đó hoàn toàn mới. Ở VN, nhiều người nhảy vào đầu tư bóng đá chứ chưa ai nghĩ đến chuyện đầu tư và kinh doanh môn bóng rổ cũng như các môn thể thao khác. Thứ hai, sau quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, tôi cho rằng đây chưa phải lúc làm bóng đá chuyên nghiệp tại VN. Tôi nghĩ xây dựng cái mới dễ hơn phá cái cũ để làm lại. Nền bóng đá hiện tại ở VN chưa phù hợp với kinh doanh thể thao. Các ông bầu chưa bán được áo đấu, hàng lưu niệm, chưa có nguồn thu từ tiền bán vé, tiền bản quyền truyền hình. Họ bỏ ra mà chưa thu được. Đây không phải là kinh doanh thể thao, mà có thể hiểu là làm thể thao vì mục đích khác, chẳng hạn vì tiếng tăm hoặc niềm vui. Nhưng làm thể thao kiểu này không thể bền vững được.

* Lời khuyên của ông đối với các ông bầu bóng đá và những nhà quản lý thể thao VN?

- Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là các CLB phải biết kiểm soát chi phí, kiếm tiền như một doanh nghiệp thật sự. Chúng ta không thể lập ra công ty, quản lý đội bóng theo kiểu nghiệp dư để đến một ngày chứng kiến mọi thứ sụp đổ. Tôi tin rằng tính bền vững của thể thao sẽ bắt đầu bằng những bước đi chuyên nghiệp, có lộ trình kiếm tiền hẳn hòi.

Ở Mỹ hay các quốc gia châu Âu, thể thao phát triển nhờ kinh doanh tốt. Tuy nhiên, điều này còn khá xa lạ với thể thao VN nói chung và bóng đá nói riêng. Chính vì các ông bầu bóng đá ở VN không hoạch định được chiến lược kinh doanh và phát triển lâu dài nên nhiều CLB đã rơi vào cảnh phá sản, cầu thủ thất nghiệp, sân bóng không có nhiều khán giả đến xem.

Tôi hi vọng sẽ có một ngày không chỉ bóng đá mà những môn thể thao khác ở VN sẽ sống được bằng chính nội lực của mình.

* Mục đích của ông chỉ là kinh doanh thể thao để kiếm lời?

- Chúng tôi đầu tư vào Saigon Heat trên nền tảng làm thể thao chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi mở Học viện Thể thao Sài Gòn dạy các em chơi bóng rổ, quần vợt, bơi lội... trên tinh thần truyền cảm hứng chơi thể thao cho các em. Ở đây, các em được học và được chơi thể thao để hiểu rằng giá trị lớn nhất của thể thao chính là các em sẽ làm những việc mà các em nghĩ mình không làm được.

Đối với Saigon Heat thì đó là một công việc kinh doanh. Sau khi có lời, chúng tôi sẽ hỗ trợ và giúp đỡ Liên đoàn Bóng rổ VN. Và sự phát triển của bóng rổ VN sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Saigon Heat. Đây là hai yếu tố không thể tách rời nhau.

* Theo ông, đâu là điều cần nhất cho hoạt động kinh doanh thể thao?

- Đó là một nhà điều hành giỏi kinh doanh, có tầm nhìn chiến lược với kế hoạch dài hơi, những khoản thu chi rõ ràng, kiểm soát lương thưởng của cầu thủ tốt. Thể thao VN cần những người như vậy.

Ngoài ra, chúng ta phải biết học hỏi và cải thiện chính mình. Tại Giải ABL, các đội luôn chơi máu lửa để giành chiến thắng trên sân. Nhưng sau đó chúng tôi luôn ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin, mô hình hoạt động để tìm ra cái hay nhất, phù hợp nhất cho từng đội bóng cùng nhau phát triển. Điều này sẽ tác động trở lại giúp Giải ABL chất lượng hơn và sẽ giúp lôi kéo khán giả đến sân nhiều hơn.

“Đâu phải mọi chuyện đều vì tiền”

Ông Connor Nguyễn nói ông đã trải qua quá trình đầy gian nan tìm kiếm và mời những ngôi sao bóng rổ nổi tiếng đến VN thi đấu.

Ông chia sẻ: “Đó là một quá trình tìm kiếm rất dài và khó. Tôi có thể nói rằng khi hỏi 50 cầu thủ thì có đến 49 người nói không. Đơn giản bởi bóng rổ VN gần như con số 0 trên bản đồ thế giới nên đến VN họ nhận tiền lương không cao. Nhưng thật may mắn là vẫn có những cầu thủ thi đấu không hoàn toàn vì tiền mà vì niềm đam mê, khát khao tạo sức ảnh hưởng để phát triển bóng rổ ở những “vùng trũng”.

Họ dùng danh tiếng của mình để trình diễn và khơi gợi tình yêu bóng rổ tại VN. 10 năm sau, khi nhìn lại thì họ có thể nói rằng tôi chính là một trong những người đầu tiên đặt viên đá giúp phát triển bóng rổ ở VN. Đâu phải mọi chuyện đều vì tiền. Tôi cho rằng đây chính là văn hóa thể thao”.

Ông CONNOR NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên