09/08/2017 11:35 GMT+7

Thế phân tranh vũ khí hạt nhân ở Trung Đông

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tại Trung Đông có hai quốc gia bị nghi ngờ chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân: nhà nước Do Thái Israel - đồng minh với Mỹ và nhà nước Hồi giáo Iran - “kẻ thù không đội trời chung” với Israel.

*** Error ***
Tàu ngầm lớp Dolphin của Israel - Ảnh: Israel Defense

Israel sẽ không là quốc gia đầu tiên đưa vũ khí hạt nhân vào Trung Đông nhưng Israel cũng sẽ không là quốc gia thứ hai

Phát biểu nước đôi của Bộ trưởng Lao động Israel Yigal Allon năm 1963

Lộ diện vũ khí hạt nhân Israel

Sức mạnh răn đe hạt nhân của Israel nằm ở chỗ Israel không chính thức xác nhận hay bác bỏ có vũ khí hạt nhân. Chương trình hạt nhân Israel thành công nhờ họ “thủ khẩu như bình”. Song, dần dần bí mật cũng đã lộ diện.

Tháng 6-2017, Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington công bố tài liệu về các cuộc trò chuyện giữa tướng về hưu Yitzhak Yaakov với tiến sĩ Avner Cohen, công dân gốc Israel cư trú ở Mỹ. Tướng Yaakov từng chỉ huy đơn vị nghiên cứu và phát triển của quân đội Israel, là thành viên một ủy ban đặc biệt bí mật về chương trình hạt nhân quốc gia Israel.

Sau khi xuất ngũ, ông làm cho Bộ Công thương rồi chuyển sang làm tư nhân, sau đó qua New York cư trú. Tại đây ông gặp tiến sĩ Avner Cohen và tiết lộ một chuyện động trời. Trước Chiến tranh sáu ngày giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập (bùng nổ ngày 5-6-1967), một số quan chức quân đội Israel đã dự tính vào giờ chót sẽ thực hiện kế hoạch mang mật danh “Ngày phán xử” (hay “Chiến dịch Samson”) nhằm thả bom hạt nhân trên bán đảo Sinai để răn đe Ai Cập. Cuối cùng kế hoạch bị hủy bỏ.

Cơ quan phản gián quân đội Israel đã cảnh báo tướng về hưu Yaakov ngừng tiết lộ tin mật nhưng ông vẫn trả lời phỏng vấn và viết sách. Năm 2001 ông bị bắt. Tòa án Israel kết án ông hai năm tù và một năm quản chế về tội phát tán thông tin mật. Ông qua đời năm 2013, hưởng thọ 87 tuổi.

Trước đó vào tháng 2-2015, Lầu Năm Góc đã giải mật báo cáo dày 386 trang có tiêu đề “Đánh giá công nghệ then chốt của Israel và các nước NATO” do Viện Phân tích quốc phòng Mỹ soạn năm 1987. Báo cáo nhận xét Israel đã đủ sức sản xuất bom H và các phòng thí nghiệm hạt nhân Israel đã đạt trình độ tương đương Mỹ, thậm chí còn hơn Mỹ trong một số lĩnh vực.

Hạm đội tàu ngầm ưu việt của Irael

Năm 1957, Pháp đồng ý bán cho Israel một lò phản ứng hạt nhân. Ban đầu Israel mua uranium của Pháp, sau đó mua của Nam Phi, Bỉ và Mỹ. Giữa năm 1966-1967, Israel đã đủ vật liệu hạt nhân để sản xuất bom. Do Israel thực hiện “chính sách nhập nhằng” về vũ khí hạt nhân, các trung tâm nghiên cứu phải tập hợp nhiều nguồn thông tin để thẩm định. Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính Israel đang sở hữu khoảng 80 vũ khí hạt nhân gồm 30 bom hạt nhân trọng lực (bom được thả từ xa và tự tìm đến mục tiêu như siêu bom hạt nhân B61-12 của Mỹ) và 50 đầu đạn bắn bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Jericho II.

Lực lượng hạt nhân trên không của Israel gồm các máy bay ném bom F-16 và F-15 với tầm hoạt động 4.450km. Lực lượng hạt nhân trên bộ chủ yếu dựa vào tên lửa đạn đạo Jericho. Lúc đầu Công ty Dassault của Pháp cung cấp cho Israel tên lửa đất đối đất đầu tiên đạt tầm bắn 500km. Israel đổi tên lại là Jericho rồi sau đó cải tiến và tự sản xuất tên lửa Jericho-II với tầm bắn nâng lên 2.000km. Israel đang phát triển tên lửa Jericho-III đạt tầm bắn liên lục địa từ 4.000-6.500km. Dàn phóng tên lửa cơ động của Israel được bố trí dưới hầm ngầm.

Lực lượng hạt nhân trên biển đã được Israel xây dựng từ năm 2002 gồm năm tàu ngầm lớp Dolphin do Đức chế tạo. Năm 2017 Israel đã nhận thêm tàu ngầm thứ sáu. Theo đánh giá, hạm đội tàu ngầm Israel mạnh đến mức có thể đảo lộn vai trò chiến lược và đủ sức trả đũa sau khi bị tấn công. Mỗi tàu ngầm trang bị 21 ống phóng ngư lôi cải tiến để bắn tên lửa hành trình. Tên lửa loại gì chưa rõ nhưng có thể nhắm đến Ai Cập, Iran, Saudi Arabia và Pakistan (đồng minh của Iran).

Giáo sư Brahma Chellaney tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi (Ấn Độ) ghi nhận hiện nay có từ 35-40 nước có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, trong đó có Saudi Arabia. Nước này chưa xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân hoàn chỉnh, tuy nhiên cách đây sáu năm đã tuyên bố sẵn sàng muốn có vũ khí hạt nhân nếu Iran chế tạo được bom nguyên tử. Tháng 2-2016, trả lời báo Time, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết ông đã nhận được báo cáo rằng Iran và một số quốc gia Trung Đông khác đã nghĩ đến việc chế tạo bom hạt nhân.
*** Error ***
 Iran chuẩn bị bắn thử tên lửa phóng Simorgh ngày 27-7-2017 Ảnh: Bộ Quốc phòng Iran

Iran vẫn phát triển tên lửa đạn đạo

Mỹ và châu Âu bắt đầu nghi ngờ Iran chế tạo vũ khí hạt nhân từ năm 2002 sau khi Alireza Jafarzadeh (người Iran) chạy sang Mỹ và tiết lộ các nhà máy hạt nhân bí mật của Iran. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế kiểm tra và khẳng định nghi vấn này.

Năm 2006, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố “Iran đã gia nhập các nước có hạt nhân” nhưng khẳng định Iran chỉ phát triển hạt nhân dân dụng. Trong khi đó, phương Tây cho rằng Iran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân để đối đầu với đối thủ Israel và củng cố vị thế địa chính trị.

Năm 2015, Hội đồng Bảo an LHQ đã ban hành nghị quyết 2231 cấm Iran thử tên lửa và công nghệ dùng cho tên lửa phóng tương tự công nghệ tên lửa đạn đạo. Nghị quyết cũng kêu gọi Iran không tiến hành bất kỳ hoạt động nào liên quan đến phát triển tên lửa được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân.

Ngày 27-7 mới đây, Iran đã bắn thử thành công tên lửa phóng vệ tinh Simorgh (Phượng Hoàng). Bộ Ngoại giao Iran đã minh định Iran không thiết kế tên lửa mang đầu đạn hạt nhân nhưng Mỹ vẫn tuyên bố vụ bắn thử của Iran vi phạm nghị quyết 2231.

Theo AFP, Iran đã phát triển chương trình đạn đạo với hơn 40 loại tên lửa (chưa rõ có thể mang đầu đạn hạt nhân hay không). Mạnh nhất là các tên lửa Ghadr F và Sejjil 2 với tầm bắn đến 2.000km, tức có thể bắn tới Israel và các căn cứ Mỹ trong khu vực.

Iran cũng đã phát triển các loại tên lửa chính xác với tầm bắn 100-700km. Bằng chứng là ngày 18-6-2017, Iran đã bắn sáu tên lửa đạn đạo tầm trung Zulfiqar trúng đích các vị trí của quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền đông Syria. Tên lửa Zulfiqar có tầm bắn 700km, được giới thiệu lần đầu vào tháng 9-2016. Ngoài ra, Iran còn sản xuất nhiều tên lửa đất đối biển và đất đối không. Mới nhất là tên lửa đất đối không Sayad 3.

Tháng 10-2015, truyền hình Iran đã phát hình ảnh “các đô thị ngầm” dưới đất với mạng lưới địa đạo cùng hàng chục tên lửa phóng từ hầm chứa. Mới đây vào tháng 5-2017, vệ binh cách mạng Iran (phụ trách chương trình đạn đạo) tiết lộ đã xây nhà máy ngầm thứ ba để sản xuất tên lửa. Ngoài ra Iran đã phát triển được nhiên liệu rắn để có thể bắn tên lửa nhanh hơn và chính xác hơn.

Kỳ 1: 

Kỳ 2:

Kỳ 3:

Kỳ 4: 

Kỳ 6: a

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên