TTCT - Không chỉ là nền thể thao hùng mạnh nhất, Mỹ còn là nền thể thao duy nhất kiên định với quan điểm: chính phủ không tài trợ cho phong trào Olympic. "Mỹ không giống như những quốc gia khác. Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) và các liên đoàn thể thao không nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Mọi khoản chi phí liên quan đến tập luyện, thi đấu, tham dự giải, lương và thưởng cho VĐV dự Olympic đều được huy động từ tư nhân. Ở Mỹ, người dân nhìn chung không đóng thuế cho phong trào Olympic" - ông Andrew Zimbalist, kinh tế gia chuyên về thể thao ở Đại học Smith, Massachusetts (Mỹ), nói.Học đường, học bổng hơn tài trợNhưng đồng thời, ông Zimbalist cho biết bằng cách này hoặc cách khác, Chính phủ Mỹ vẫn tạo ra sự hỗ trợ nhất định cho VĐV đỉnh cao. Cụ thể, từ những năm thập niên 1950, người nộp thuế ở Mỹ có xu hướng chi trả ít nhất một phần chi phí xây dựng và cải tạo sân vận động mới. Trước đây, Chính phủ Mỹ thường chi trả 70-90% tổng chi phí các dự án sân vận động nhưng tỉ lệ đã giảm còn khoảng 45% vài chục năm qua.Carlos Yulo giành HCV Olympic lịch sử về cho Philippines. Ảnh: ReutersTrong nhiều trường hợp, chi phí người dân Mỹ phải gánh cho các sân vận động thể thao có thể lên đến gần cả tỉ USD. Chẳng hạn như khoản 850 triệu USD tiền tài trợ của tiểu bang New York đã được đưa vào kinh phí xây dựng sân vận động mới cho đội bóng bầu dục Buffalo Bills. Một cách khác là chính quyền địa phương phát hành trái phiếu và sử dụng số tiền thu được cho dự án xây sân.Một hình thức hỗ trợ thể thao gián tiếp khác là qua hệ thống đại học, nơi cấp học bổng thể thao cho những VĐV hàng đầu quốc gia. Các đội thể thao đại học Mỹ thường được chính phủ tạo nhiều điều kiện và họ trở thành nền tảng cho thể thao đỉnh cao của quốc gia. Ở mọi kỳ Olympic, đoàn thể thao Mỹ luôn nổi danh là "đoàn thể thao sinh viên", với khoảng 80% VĐV đã và đang học đại học. Những VĐV tài năng nhất của Mỹ khi đến tuổi 18 sẽ đứng trước hai lựa chọn: con đường chuyên nghiệp với mức lương lên tới tiền triệu đô la hằng năm; hoặc học bổng đại học, không giúp họ kiếm nhiều tiền ngay lập tức nhưng được đảm bảo một tương lai chắc chắn và dài hơi hơn.Chính phủ Mỹ không tài trợ cho phong trào Olympic và VĐV về cơ bản phải tự thân vận động khi tham gia các giải đấu thế giới. Các ngôi sao tầm cỡ hàng đầu thế giới không gặp khó khăn với việc kêu gọi tài trợ nhưng để lên đến đẳng cấp đó, không ít người phải trải qua giai đoạn chạy vạy khắp nơi để kiếm thêm thu nhập. Tất nhiên, việc nước Mỹ là nền kinh tế số 1 thế giới cũng giúp ích rất nhiều.Brittany Brown, chân chạy nước rút giành HCĐ 200m Olympic của Mỹ, trải qua tuổi thơ vô cùng cơ cực với các công việc giữ trẻ và chăm sóc người già. Nhưng cuộc đời Brown phất lên từ khi cô được chọn vào đội điền kinh của Iowa Hawkeyes, đội trường cấp III thuộc Đại học Iowa. Khoản học bổng từ cấp III cho đến đại học giúp Brown duy trì sự nghiệp điền kinh đỉnh cao đến khi cô bắt đầu nhận được tài trợ lớn từ thương hiệu Adidas. Năm 2019, khi 24 tuổi, Brown đổi đời với tấm HCB giải vô địch thế giới. Từ đó tiền nong mới không còn là vấn đề với cô gái quê California."Không có tài trợ từ chính phủ, hầu hết VĐV trẻ ở Mỹ phải trông vào học bổng của trường trung học và đại học để tiếp tục sự nghiệp. Tôi nghĩ đến 95% là như vậy. Và đó là một quan hệ hai chiều. Các siêu sao hàng đầu cũng chọn giải đấu đại học vì ở đây có nhiều VĐV giỏi chẳng kém môi trường chuyên nghiệp là bao", Zimbalist nói. Nhờ Hiệp hội Thể thao đại học quốc gia (NCAA), các VĐV trẻ Mỹ có sân chơi rất gần với đỉnh cao cả ở mức quốc gia và quốc tế để rèn giũa.Trọng trách ở các liên đoànMô hình trường học cấp học bổng thể thao cho VĐV của Mỹ đã được nhân rộng nhanh chóng, không chỉ ở phương Tây mà ở cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và giờ là Trung Quốc. Tất nhiên, các nước này đều chưa đạt tới cấp độ xã hội hóa thể thao như Mỹ, khi chính phủ không trực tiếp bỏ đồng nào cho thể thao. (Mỹ không hề có cơ quan nhà nước phụ trách thể thao nào, dù ở cấp liên bang hay tiểu bang).Ở hầu hết các nước, trọng trách nâng tầm VĐV trẻ tiềm năng thuộc về các liên đoàn. Ví dụ, Carlos Yulo, ngôi sao mang về hai HCV thể dục dụng cụ lịch sử ở Olympic Paris 2024 cho Philippines là dự án rất dài hơi của Liên đoàn Thể dục dụng cụ nước này (GAP), suốt từ khi anh mới 7 tuổi (2007).Xuất thân trong một gia đình không mấy khá giả, Yulo không có điều kiện để học trường tư, nơi thường có điều kiện tập trung cho thể thao hơn. Nhưng nhờ sắp xếp của GAP, anh vẫn được học một trường kiểu mẫu có phòng ốc tập luyện không khác nhiều những lò luyện thể thao chuyên nghiệp. Đến trung học, GAP lại gửi Yulo đến trường trung học thuộc Đại học Adamson - thuộc top 5 đại học hàng đầu quốc gia và cũng là đại diện tiêu biểu cho phong trào thể thao sinh viên Philippines, vốn được xây dựng theo khuôn mẫu NCAA của Mỹ.GAP đã kiên trì theo Yulo lên tận đại học, sắp xếp học bổng để anh du học ở Đại học Teikyo, Nhật Bản. Đây là bước ngoặt trong sự nghiệp của tài năng trẻ này, khi anh được thi đấu thường xuyên với các ngôi sao tầm cỡ quốc tế. Sau kỳ tích Paris 2024, Yulo nhận cơn mưa phần thưởng, với tổng giá trị các khoản thưởng hiện kim, nhà cửa, xe cộ… lên đến hàng triệu USD. Tất cả đều thông qua sự vận động của GAP. Người Philippines hoàn toàn có thể tự hào rằng hai tấm HCV Olympic của Yulo thực sự là thành tích chung của cả nền thể thao chứ không hề là khoảnh khắc lóe sáng huy hoàng đậm chất cá nhân.■ Với những môn thể thao càng ít phổ biến và ít truyền thống ở Olympic, vai trò của liên đoàn càng lớn. Bà Nguyễn Trà Giang - một người Việt giữ vai trò thư ký cho Liên đoàn Khúc côn cầu Thái Lan, môn thể thao vốn còn xa lạ với cả khu vực Đông Nam Á, cho biết:"Hằng năm, toàn bộ kế hoạch tập huấn, tìm HLV giỏi, tham gia giải đấu nước ngoài hay phát triển phong trào đều do liên đoàn chúng tôi đảm nhận. Không dễ kêu gọi được tài trợ, nhất là khi cần xây những nhà thi đấu trị giá hàng chục triệu USD". "Chúng tôi phải xoay xở mọi cách, như đề nghị các CLB khúc côn cầu Thái Lan cho sử dụng sân bãi; đổi lại, liên đoàn sẽ gắn logo, trả quyền lợi quảng cáo, cho họ có tiếng nói ở những giải đấu lớn… Chi phí tiết kiệm được sẽ sử dụng cho hoạt động của đội tuyển quốc gia"."Rất khó để VĐV tự đứng ra kêu gọi tài trợ cho bản thân. Hầu hết VĐV của chúng ta chưa quen với chuyện này. Nhưng vài năm gần đây, một số VĐV đã dần có ý thức hơn trong việc xây dựng hình ảnh, tự mình tìm kiếm thêm cơ hội thay vì chỉ trông đợi các thầy các cô trên tuyển, trong bộ ngành… Các liên đoàn thể thao nên sắm vai trò định hướng cho họ", bà Trà Giang chia sẻ thêm. Tags: OlympicXã hội hóaXã hội hóa thể thaoThể thao thành tích caoThể thao học đường
Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'chốt' sáp nhập cấp huyện, xã của Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh THÀNH CHUNG 14/11/2024 Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành đã 'chốt' phương án sáp nhập cấp huyện, xã của Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh.
Kỷ luật cựu chủ tịch Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vì vi phạm liên quan Tập đoàn Phúc Sơn THÂN HOÀNG 14/11/2024 Thủ tướng ký quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Trần Ngọc Căng, cựu chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, vì có những vi phạm liên quan một số gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện.
Bão số 8 đổi hướng, bão Usagi mạnh cấp 15 sắp quét qua đảo Luzon CHÍ TUỆ 14/11/2024 Dự báo hôm nay (14-11), bão số 8 (Toraji) đổi hướng di chuyển theo hướng tây rồi tây nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão Usagi quét qua phía bắc đảo Luzon (Philippines) trong tối nay, còn bão Man-yi đang hướng vào Biển Đông.
Ông Thích Minh Tuệ mong muốn mọi người không quay chụp, đưa hình ảnh ông lên mạng xã hội TẤN LỰC 14/11/2024 Ông Thích Minh Tuệ nêu nguyện vọng mọi người không quay phim, chụp ảnh và đưa hình ảnh của ông lên mạng xã hội vì ảnh hưởng tới quá trình tu học.