TTCT - Xu hướng đang trỗi lên ở hầu khắp các nền kinh tế lớn là "kinh tế dân tộc". Nó là gì và sẽ gây ra những hệ lụy ra sao? Ảnh: The AtlanticMới cách đây chừng 8 năm, tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama đã hết lời ca ngợi các ưu điểm của toàn cầu hóa và tự do thương mại để thuyết phục nước Mỹ tham gia TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Nay không một chính khách Mỹ nào muốn nhắc lại chuyện toàn cầu hóa nữa kẻo bị chê là ngây thơ; thay vào đó là các cụm từ mới như "friendshoring" (đưa sản xuất về các nước thân thiện) hay "de-risking" (giảm thiểu rủi ro) khi nhắc đến quan hệ thương mại quốc tế.Trong bối cảnh đó, chẳng lạ gì tờ The Economist lại đẻ ra thêm một từ mới "homeland economics" để nói đến sự thay đổi trong tư duy quản lý kinh tế của lãnh đạo các nước. Tư tưởng chính của khái niệm này (tạm dịch "kinh tế dân tộc") là bảo hộ mậu dịch, trợ cấp cho sản xuất trong nước và nhà nước can thiệp nhiều hơn trong mọi lĩnh vực. Mục đích của giới lãnh đạo khi làm thế là nhằm giảm thiểu rủi ro cho đất nước. Rủi ro này là gì? Đó có thể là các biến động kinh tế khó lường, những sự kiện bất thường như đại dịch hay các xung đột địa chính trị nổ ra ở nhiều vùng trên thế giới.Thay đổi tư duy kinh tế?The Economist cho rằng "kinh tế dân tộc" ra đời nhằm đối phó với bốn cú sốc lớn mà thế giới vừa trải qua. Đầu tiên là cú sốc kinh tế, từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 buộc các nhà kinh tế phải xem lại các khái niệm đã quen thuộc từ lâu. Thế giới bất ngờ vì đại dịch Covid-19 và càng bất ngờ hơn khi xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng hóa thiếu hụt khắp nơi, rồi lạm phát dai dẳng càng làm cú sốc kinh tế thấm sâu vào suy nghĩ của những người làm chính sách. Thứ hai là cú sốc địa chính trị khi bất ngờ nổ ra những xung đột quân sự ở nhiều nơi như cuộc chiến Nga - Ukraine và nay là Israel - Palestine. Trước đó thì căng thẳng thương mại, tranh chấp công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc làm thương mại thế giới lao đao. Suy nghĩ cho rằng hội nhập kinh tế sẽ dẫn tới hội nhập chính trị xem ra đã lỗi thời.Hai cú sốc còn lại mà The Economist liệt kê thật ra chỉ là hệ lụy: cú sốc về năng lượng, nói cách khác để khỏi phụ thuộc vào dầu khí, để đáp ứng với các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, các nước buộc phải đi tìm các nguồn năng lượng thay thế. Cuối cùng là cú sốc trí tuệ nhân tạo thế hệ mới, tức AI tạo sinh sẽ đặt ra mối rủi ro mất việc làm cho hàng triệu người, gây ra những bất ổn chưa lường hết cho xã hội.Chủ trương "kinh tế dân tộc" là nhằm bảo vệ đất nước trước các cú sốc tương tự trong tương lai. Theo nghĩa đó, "kinh tế dân tộc" vẫn sẽ tìm cách duy trì những lợi ích của toàn cầu hóa như tính hiệu quả của sản xuất và giá rẻ nhưng sẽ tránh các mặt trái, tức sự bất định và tính bất công của hệ thống cũ. Chính vì thế từ ngữ các chính khách hay dùng trong thời gian qua là "an ninh", bao gồm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh chuỗi cung ứng hàng thiết yếu… Kể từ nay điều hành kinh tế không chỉ là các quan chức chuyên về kinh tế mà phải bao gồm các nhà chiến lược địa chính trị. Vì thế mới có chuyện Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khoe EU là nền kinh tế lớn đầu tiên có chiến lược về an ninh kinh tế; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói về "tự chủ chiến lược" hay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói về "tự chủ kinh tế".Ảnh: New StatesmanCác nước đang làm gì để theo đuổi "kinh tế dân tộc"?Ngoài các biện pháp trước mắt như đánh thuế lên hàng nhập khẩu, các nước tìm mọi cách để xây dựng các ngành chiến lược quốc gia, không phải là than đá hay xi măng, sắt thép như ngày xưa, mà là sản xuất chip bán dẫn, xe điện và pin cho xe điện, trí tuệ nhân tạo, robot… Họ sẵn sàng rót tiền trợ cấp cho các dự án như thế, rồi đặt ra các yêu cầu về tỉ lệ nội địa hóa để lôi kéo hàng loạt dự án đưa sản xuất trở lại nước mình.Bên cạnh đó, chính phủ các nước phương Tây sử dụng các công cụ kinh tế để làm suy yếu đối thủ cạnh tranh, kể cả cấm doanh nghiệp nước họ xuất khẩu, đầu tư vào một số ngành nghề "nhạy cảm" ở nước đối thủ. Các nước sẵn sàng trợ cấp những khoản tiền lớn cho doanh nghiệp đầu tư vào các ngành "xanh, sạch" nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Ở Mỹ, chính quyền Biden đã triển khai hai đạo luật hỗ trợ ngành sản xuất chất bán dẫn và trợ cấp cho các dự án năng lượng. Châu Âu có các biện pháp tương tự nhắm vào sản xuất xanh và tự chủ về chip bán dẫn. Pháp tung ra quỹ trợ cấp sản xuất khoáng sản thiết yếu. EU muốn 40% các công nghệ chủ chốt để chuyển đổi nền kinh tế xanh và 20% chip bán dẫn của thế giới được sản xuất trong khối. Ấn Độ đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích các ngành như sản xuất các cụm tế bào quang điện, pin cao cấp. Hàn Quốc thông qua đạo luật giảm thuế cho ngành sản xuất bán dẫn. Nước nào cũng có những phong trào "Made in" của nước đó.Gió mạnh chiều nào doanh nghiệp sẽ quay về chiều đó. Lãnh đạo doanh nghiệp nói nhiều hơn về "reshoring" (đưa sản xuất về nước); nhiều nhà quản lý thay vì nhấn mạnh đến phương thức "just in time" (sản xuất đúng thời điểm) thì nay là "just in case" (sản xuất để dự phòng). Nói cách khác, trước đây họ giảm lượng hàng tồn kho, chỉ đến mức thỏa mãn nhu cầu của chuỗi cung ứng để tiết kiệm thì nay phải nâng sản lượng lên để dự phòng mọi rủi ro, cả nguyên vật liệu lẫn hàng thành phẩm. Thay vì ca tụng ngôi làng toàn cầu, các doanh nhân hàng đầu nay nói nhiều về lợi ích quốc gia. Thay vì khuyến khích doanh nghiệp vươn ra toàn cầu, các nước kiện doanh nghiệp về tội độc quyền, thống lĩnh thị trường.Ảnh: ft.com"Kinh tế dân tộc" sẽ gây thất vọng?Những người chủ trương "kinh tế dân tộc" cho rằng một nền kinh tế như thế sẽ giúp các chuỗi cung ứng bền vững hơn, cơ cấu lại các nguồn năng lượng để giảm nhiên liệu hóa thạch, cứu trái đất này. Ngay chính các nhà kinh tế có uy tín trên thế giới cũng thừa nhận các chính sách công nghiệp mới có nền tảng phù hợp với tình hình mới, sẽ giảm bớt những nhóm người thua thiệt vì toàn cầu hóa, giúp nhiều vùng hồi sinh nhờ các nhà máy mới nổi lên từ đống hoang tàn của thời kỳ chuyển sản xuất ra nước ngoài.Tuy nhiên, những chuyên gia viết cho The Economist trong chuyên đề "Homeland economics" cho rằng con đường phát triển kinh tế này sẽ tạo ra hàng tỉ người thua thiệt. Một nghiên cứu của IMF cho thấy một thế giới giả định chia làm hai khối do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu với nhiều nước không nghiêng hẳn về khối nào sẽ dẫn tới sản lượng toàn cầu giảm 1% trong ngắn hạn và 2% trong dài hạn. Nhiều nhà kinh tế khác đưa ra mức thiệt hại cho kinh tế toàn cầu cao hơn, ở mức 5%. Có thể dùng hình ảnh ví von: cả thế giới rơi vào tình cảnh như Brexit, ở đây không phải chỉ nước Anh ra khỏi EU, mà toàn thế giới ngày càng ít tương thuộc.Tờ The Economist, ra đời năm 1843, chủ trương cổ xúy cho tự do thương mại, kinh tế thị trường và chính quyền đóng vai trò hạn chế trong hoạt động kinh tế. "Kinh tế dân tộc" đi ngược với chủ trương này nên tờ báo này phê phán là dễ hiểu. Họ lập luận chính sách công nghiệp hướng nội sẽ khó lòng làm các chuỗi cung ứng bền vững hơn, không giúp gì nhiều trong việc đem lại bình đẳng thu nhập và không đủ mạnh để giải quyết biến đổi khí hậu. Nói cách khác, những người chủ xướng "kinh tế dân tộc" đã chẩn đoán sai bệnh của nền kinh tế, lại khoác lên cho nhà nước các vai trò nặng nề, tốn kém, nhất là trong một giai đoạn sẽ có nhiều thay đổi về công nghệ và xã hội.Thực tế không phân định rõ nét giữa hai giai đoạn khi "kinh tế thị trường" kết thúc, các nước chuyển sang "kinh tế dân tộc" như The Economist phân tích. Đó có thể là sự điều chỉnh nhất thời để đáp ứng đòi hỏi của cử tri các nước hay do sức ép của xung đột địa chính trị. Nền kinh tế thế giới cuối cùng cũng sẽ phải tuân theo các quy luật của kinh tế học mà các quy luật này không màng đến biên giới chính trị hay ý muốn của các chính trị gia. ■ The Economist ước tính quý 1-2023 tiền các chính phủ trợ cấp cho doanh nghiệp tăng 40% so với các năm trước đại dịch để thuyết phục họ đưa sản xuất quay về trong nước. Tính riêng quý 2-2023, nước Mỹ chi ra 25 tỉ đô la tiền trợ cấp doanh nghiệp. Theo Ngân hàng UBS, chính quyền 7 nước lớn đã dành ra 400 tỉ đô la trong thập niên tới để hỗ trợ ngành sản xuất chip bán dẫn. Còn tính từ năm 2020, các nước đã phân bổ 1.300 tỉ đô la hỗ trợ đầu tư vào năng lượng sạch. Nay các nước bắt đầu quay sang chú ý đến trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử. Tags: Tổng thống MỹTự do thương mạiQuản lý kinh tếPhát triển kinh tếKinh tế dân tộcToàn cầu hóaThương mại quốc tếKhủng hoảng tài chínhQuan hệ thương mạiĐịa chính trịHội nhập kinh tếAn ninh năng lượngĐối thủ cạnh tranhNội địa hóaKinh tế thế giới
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.