“Phen này, đời con tèo rồi má ơi”. Ối dào, nhìn gương mặt của Tú Xuất đã hằn nhiều vết nhăn rúm ró, tóc đã bạc, răng đã rụng mà còn thều thào gọi “má ơi” khiến ai nấy đều thương cảm. Hôm nay, lão ta bị giải ra đình làng do quan huyện xử án bởi vì rằng: Cả làng, cả xã đều nhận tiền đền bù giải tỏa nhằm xây dựng sân golf, khu resort để phục vụ cho bà con cần lao, chân lấm tay bùn trong phong trào thi đua bảo vệ sức khỏe. Thế nhưng Tú Xuất vẫn cứng đầu không chịu rời bỏ cái mảnh đất ở hốc bà tó, chó ăn đá gà ăn sỏi, lão ngoan cố nại cớ là đất hương hỏa của ông bà tổ tiên để lại.
Trong lúc chờ đến phiên lượt mình, lão ta khớp lắm, sợ vãi đái khi nhìn bậc quang minh chính đại đang ngồi chễm chệ và dạt dào tuôn ra từng lời đúng luật, đúng lệ. Ai nấy đều lấm lét, mặt xanh đít nhái.
Người bước ra đầu tiên, nhìn thoáng qua, Tú Xuất biết ngay là Bá Kiến. Hình ảnh của cụ thỉnh thoảng đăng trên nhựt trình, phát ngôn chỉ đạo này nọ, ai mà không biết. Vừa rồi, cụ cho xây biệt điện trong rừng bảo hộ. Nghe đâu, cụ xây là xây tặng cho mèo mới độ hai chục cái xuân xanh, còn ngon mơn mỡn. Chơi thế là sang. Xây dinh thự cho gái có gì là nhục cơ chứ? Do suy nghĩ chín chắn, đúng đắn như thế nên khi quan huyện hỏi, mà thật lạ, hễ hỏi câu gì, cụ cũng chỉ trả lời gọn lỏn: “Thích thì làm”.
Hay quá đi mất. Câu trả lời ấy mới hiên ngang làm sao. Kiêu hãnh làm sao.
Người thứ hai là ai? Ối dào, dân tình lặng im phăng phắc, đố dám xì xào, chỉ trỏ bàn tán nhỏ to. Ấy là cụ Bang Bạnh. Chỉ vì tấm lòng của cụ từ bi, bác ái, biết sống vì gia tộc nhà mình, vậy mà phải ra đình làng. Oan ức không chứ? Sự việc là vào một ngày trước lúc từ quan vui thú điền viên, cụ cao hứng ký giấy bổ nhiệm cho cả dòng tộc từ các con cháu, dâu rể đến thông gia hai bên nội ngoại giữ các chức vụ trọng yếu của làng, của xã.
Bù lại, cụ ngang nhiên xây dựng tòa ngang dãy dọc lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, thủy lợi, đê điều, khu di tích lịch sử văn hóa thuộc làng xã của mình. Oách quá. Cũng như cụ Bá, hễ quan huyện hỏi câu gì, cụ chỉ trả lời gọn lỏn: “Thích thì làm”.
Vốn chữ nghĩa không đầy lá mít, Tú Xuất thừa biết, hoặc các cụ đã làm đúng quy trình; hoặc rằng là đã được quan huyện “bật đèn xanh”, vì thế, các cụ ứ sợ. Dù cũng vác xác ra đình làng, cũng bị quan huyện xử giữa thiên thanh bạch nhật cho đúng kỷ cương phép nước, hả hê lòng dân nhưng sau đó thế nào? Nào ai biết thế nào? Vì lẽ đó, dù thế nào thì Tú Xuất cũng bắt chước theo cách trả lời của các cụ:
- Bẩm quan, thích thì làm.
Bỗng đâu, có tiếng thét vang trời:
- Lính lệ đâu? Tát vỡ mồm nó ra. Trói gô nó lại. Tội vạ gì tao chịu sất. Láo. Láo đến thế là cùng.
Ngay lập tức Tú Xuất cãi béng:
- Sao lúc nãy quan huyện không dám đụng đến các cụ?
- Mày ngu lắm. Mày ăn học cho lắm nhưng có biết ca dao, tục ngữ không?
Ngay lúc ngàn cân treo sợi, suýt bị đòn, Tú Xuất bỗng dưng thông minh đột xuất, bèn há mồm đọc vanh vách:
- Bẩm quan, “Miệng nhà quan có gang có thép”. Đúng không ạ?
- Cực đúng. Cực đỉnh. Thế miệng nhà mày có gì? Cái đầu đất sét của mày sao ngu lâu thế? “Thích thì làm” hử? Trên răng dưới ca-tút mà cũng học đòi theo các cụ à? Có ngày tù mọt gông nghe con.
Lời dạy ấy trí tuệ quá, sâu sắc quá mà cũng mỹ thuật quá. Cả đình làng đột nhiên vang lên tiếng vỗ tay náo nhiệt. Mọi người đồng thanh hô to vang trời dậy đất:
- Vâng ạ, quan huyện dạy chí phải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận