20/01/2016 09:30 GMT+7

​Thế mạnh du lịch chữa bệnh của Đông Nam Á

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Báo cáo ngày 9-12-2015 trên trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tổng doanh thu toàn cầu từ hoạt động du lịch chữa bệnh ước tính khoảng 60 tỉ USD/năm và mức tăng thường niên là 20%.

Trong bối cảnh đó các nước Đông Nam Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch này.

Du lịch kết hợp chữa bệnh là loại hình dịch vụ được biết tới từ những năm 1980, đánh dấu bằng việc các nước như Costa Rica và Brazil  chào mời dịch vụ khám chữa nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ cho khách hàng Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, du lịch kết hợp chữa bệnh chỉ thực sự phát triển và trở thành ngành công nghiệp trị giá nhiều tỷ USD trong 10 năm trở lại đây. Đó là nhờ sự nâng cấp đáng kể công nghệ chăm sóc sức khỏe của các nước, giao thông đường không thuận lợi và sự phổ biến thông tin trên mạng Internet. Theo đó hàng loạt dịch vụ được tích hợp trong mô hình du lịch chữa bệnh. Từ hỗ trợ điều trị vô sinh ở đảo quốc Barbados tới phẫu thuật thẩm mỹ ở Brazil. Từ phẫu thuật điều trị tim, mắt ở Malaysia tới phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Thái Lan…

Đông Nam Á được xem như điểm đến nhiều tiềm năng của thị trường du lịch chữa bệnh. Qua nhiều thập kỷ phát triển, hệ thống chăm sóc y tế ở đây đã đạt chất lượng cao, giá thành dịch vụ rất cạnh tranh. Đến những nước này, nếu khách giàu muốn tìm dịch vụ giá rẻ thì các khách ít tiền hơn lại muốn dịch vụ chất lượng cao.

Malaysia:  “bí mật chưa được khám phá của lĩnh vực du lịch chữa bệnh” 

Theo Blouinnews, trong 10 năm qua, hoạt động du lịch chữa bệnh của Malaysia  phát triển gấp 10 lần. Gần đây quốc gia này cũng đạt danh hiệu “Điểm đến của năm 2015” về du lịch chữa bệnh do Tạp chí Du lịch chữa bệnh quốc tế của Vương quốc Anh trao tặng.

Từ năm 2009, Malaysia thành lập một bộ phận chuyên trách điều phối và tổ chức các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ du lịch chữa bệnh. Tổ chức Patients Beyond Borders gọi Malaysia là “bí mật chưa được khám phá của lĩnh vực du lịch chữa bệnh” vì nước này có nhiều người dân nói tiếng Anh thông thạo và mức viện phí rẻ hơn rất nhiều so với ở Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác có nền y tế phát triển.

Năm 2010, thị trường du lịch - chữa bệnh của Malaysia tăng gần gấp đôi lượng du khách và tới cuối năm 2013, nước này có doanh thu 200 triệu USD với 770.000 lượt bệnh nhân (theo số liệu do chính phủ Malaysia công bố).

Năm 2014 Malaysia thu hút gần 800.000 du khách chữa bệnh, cao hơn mức 770.000 của năm 2013 và dự kiến thu nhập từ hoạt động này tăng trung bình 15% mỗi năm. Năm 2014 tổng doanh thu từ du lịch chữa bệnh của Malaysisa là 195 triệu USD và dự kiến đạt được 530 triệu USD vào năm 2020.

Mới đây, ngày 16-1, nguyên bộ trưởng Bộ y tế Malaysia, ông Datuk Seri Liow Tiong Lai, cho rằng du lịch chữa bệnh là một lĩnh vực kinh doanh có thể giúp quảng bá Malaysia ra toàn thế giới. Ông Liow dẫn ví dụ về dịch vụ nha khoa rất tốt của Malaysisa đã trở thành một trong những dịch vụ thu hút mạnh với người nước ngoài.

Ấn Độ: tăng trưởng 25%

Một nghiên cứu năm 2014 của hãng tư vấn tài chính KPMG xếp Ấn Độ chỉ đứng sau Thái Lan và Singapore trong lĩnh vực du lịch chữa bệnh với tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành này là 25%.

Tháng 6-2015, Ấn Độ thành lập Ủy ban Du lịch Sức khỏe và Y tế Quốc gia nhằm xúc tiến phát triển hơn lĩnh vực kinh doanh này. Tới cuối năm 2015, ước tính số du khách tới Ấn Độ chữa bệnh đạt 1,2 triệu người. Hãng tư vấn PwC cho rằng con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.  Ấn Độ dự tính tới năm 2018 tổng doanh thu từ hoạt động du lịch chữa bệnh của nước này sẽ đạt 6 tỉ USD.

Thái Lan: 2,81 triệu lượt khách du lịch đến chữa bệnh

Ngay từ năm 2003 chính phủ Thái Lan đã xác lập mục tiêu biến Thái Lan trở thành trung tâm toàn cầu về du lịch chữa bệnh. Họ triển khai các chương trình thu hút khách hàng thông qua các hội chợ quốc tế đồng thời dành mức thuế ưu đãi cho các danh mục đầu tư vào các cơ sở y tế mới hướng tới dịch vụ du lịch chữa bệnh.

Người Thái cũng đánh giá cao tiềm năng thu hút ngoại tệ từ hoạt động du lịch chữa bệnh. Năm 2011, nước này ước tính doanh thu từ hoạt động này tạo ra khoảng 0,4% GDP của họ.

Trong khi đó, năm 2012, Thái Lan thu hút 2,53 triệu khách du lịch chữa bệnh. Mặc dù trong đó bao gồm cả những du khách sử dụng dịch vụ spa, nhưng chỉ trong 2 năm, lượng khách này đã tăng 1/3 và đem về doanh thu cho Thái Lan gần gấp đôi với khoảng 4,2 tỷ USD.

Năm 2015, số du khách tới chữa bệnh tại các bệnh viện tư của Thái Lan ước tính tăng 10,2% lên 2,81 triệu lượt khách. Theo ngân hàng Kasikorn, các bệnh viện tư có niêm yết trên sàn chứng khoán ở Thái Lan trong năm 2015 đều ước tính có mức tăng lợi nhuận 15% so với năm 2014.

Singapore: thu hút nửa triệu khách chữa bệnh mỗi năm

Theo WHO, Singapore là quốc gia đứng thứ 6/191 quốc gia toàn thế giới và đứng đầu tại châu Á về chất lượng dịch vụ du lịch chữa bệnh. Mỗi năm quốc gia này thu hút khoảng 600.000 du khách tới điều trị. Năm 2013, du khách chữa bệnh đến Singapore đã chi khoảng 630 triệu USD. Theo ước tính của Patients Beyond Borders, mỗi năm, quốc đảo này thu hút hơn nửa triệu khách du lịch chữa bệnh.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên