Ảnh: NAM TRẦN
Ông Nguyễn Thành Nam vốn đã rất nổi tiếng trong giới công nghệ với vai trò là một trong những người sáng lập Tập đoàn FPT, từng giữ vai trò tổng giám đốc FPT. Gần đây ông chuyển sang lĩnh vực giáo dục, sáng lập chương trình Funix, giảng dạy món lập trình máu thịt với phương cách trực tuyến "không giới hạn" hoàn toàn mới.
Ông Nam còn đến những lớp học năm thứ nhất của VinUni, dạy các tân sinh viên một môn học tưởng như hoàn toàn xa lạ với công nghệ: Lịch sử Việt Nam cận đại - Tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng với phương cách "hỏi - thảo luận" hoàn toàn mới.
Mỗi bạn trẻ hãy tư duy độc lập, tự chọn và quyết định cho mình. Con đường thành công đang lồ lộ ở đó, xung quanh bạn. Hàng ngàn triệu con đường nhỏ như thế, và chúng ta sẽ có nhiều đại lộ để đất nước đi lên.
Ông NGUYỄN THÀNH NAM
Hai chữ "Độc Lập"
* Đam mê lịch sử đã đến với ông bằng đường nào trong cuộc sống công nghệ? Hôm nay chúng ta trao đổi với nhau trong cảm hứng về Quốc khánh lần thứ 77 của Việt Nam, ông có thể cho biết cảm nghĩ của mình về sự kiện lớn lao này không?
- Ông Nguyễn Thành Nam: Từ nhỏ tôi là người học toán, lớn lên là máy tính, lập trình. Quá nhiều thứ phải học, kiến thức lịch sử tất nhiên chỉ ở mức căn bản. Thế rồi một bước ngoặt đã đến. Từ năm 1999, FPT chúng tôi quyết định phải mở rộng ra nước ngoài vì thị trường phần mềm ở Việt Nam hẹp quá. Đầu tiên là Ấn Độ, rồi Mỹ, Nhật.
Thế giới quá rộng lớn và chúng tôi quá nhỏ bé. Những gì chúng tôi có, chúng tôi giỏi thì họ không cần, và ngược lại, cái người ta cần chúng tôi không có. Viễn tưởng chăng? Trong lúc hoang mang trên đất Mỹ, thói quen từ nhỏ kéo bước chân tôi đến một hiệu sách. Ở đó đập vào mắt tôi là một tựa đề quen thuộc Ho Chi Minh - A life. Tôi mua cuốn sách về, đọc ngấu nghiến hết 700 trang.
Lần đầu tiên - trước mắt tôi - tiểu sử của con người tưởng như rất quen thuộc với chúng ta là Bác Hồ hiện lên trong bức tranh toàn cảnh của lịch sử thế giới, cục diện của từng thời kỳ, từng mảnh ghép. Tôi chợt giật mình. Nguyễn Tất Thành lên tàu Amiral La Touche De Tréville với tay trắng.
Nguyễn Ái Quốc bôn ba khắp thế giới 30 năm mới chính là nguy nan trùng trùng. Từ rừng sâu Pắc Bó, mấy mươi con người toan tính giành độc lập cho cả dân tộc, cả nước mới chính là điều không tưởng... Ấy vậy mà các bậc tiền bối của chúng ta đã làm được. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trên lễ đài. Thế giới đã biết đến Việt Nam.
Thế thì những khó khăn chúng tôi đang gặp phải có là gì? Tại sao tôi lại chán nản, mệt mỏi? Động lực để chúng tôi tiếp tục con đường ra thế giới đã đến như vậy. Tôi đã dịch cuốn sách ấy, hiệu đính đến 3 lần để lan tỏa đến đồng nghiệp, bạn bè mình.
Và ấn tượng sâu đậm ảnh hưởng nhất với tôi chính là hai chữ "Độc lập" mà Việt Nam đã giành lại được từ ngày 2-9-1945.
* Giới công nghệ đã tiếp nhận hai chữ "Độc lập" như thế nào?
- Những bài học lịch sử rút ra là vô cùng thực tiễn: Độc lập không chỉ là ngoại giao. Muốn đứng vững trên thị trường Mỹ và thế giới phải có suy nghĩ độc lập, con đường độc lập riêng của mình. Tinh thần độc lập ấy phải nằm trong từng người, từng thành viên của tổ chức thì mới thành công được.
Công nghệ không biên giới và rất dân chủ, công bằng. Một mình Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird có thể thu hút giới công nghệ game toàn cầu, kéo CEO Google đến tận quán trà chanh vỉa hè Hà Nội để gặp gỡ. Tôi tin đó là thành công của suy nghĩ độc lập.
Các kỹ sư chế tạo robot ở Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: T.TR.
Những con đường riêng
* Vâng, để độc lập thì cần đến nội lực, vậy đâu sẽ là lựa chọn của người Việt trong cách mạng công nghiệp 4.0 hay 5.0, 6.0?
- FPT của chúng tôi cũng đã mất rất nhiều thời gian và nguồn lực khi bộ máy cồng kềnh hoạt động không hiệu quả.
Và tôi lại đi học từ thực tiễn. Làng gốm Bát Tràng với những hộ gia đình buôn bán hiệu quả đến mức có thể tự tin nhận tiền rồi chuyển an toàn sang Mỹ những cặp độc bình khổng lồ đã cho tôi bài học tổ chức hiệu quả bằng cách chia nhỏ các khâu, gắn bó bằng lợi ích.
Chúng tôi gọi khu làm việc của mình là "Làng phần mềm Hòa Lạc" để ghi nhớ bài học từ làng ấy.
Các cô giúp việc về từ Đài Loan và câu chuyện cạnh tranh với các đồng nghiệp Philippines vốn chuyên nghiệp nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực này bằng kỹ năng nấu ăn ngon được học từ mẹ đã cho chúng tôi nhận ra: những điểm yếu, khuyết điểm thuộc bản chất sẽ phải khắc phục bằng thời gian của cả thế hệ, thế nên trước hết hãy phát huy thế mạnh riêng mình.
Chúng tôi họp lại, thảo luận để tìm điểm mạnh. Và tìm ra: các lập trình viên trẻ của chúng ta có khả năng học cái mới, tiếp cận công nghệ mới nhanh hơn đồng sự cùng khu vực, một nghiên cứu cho là gấp 2,5 lần.
Với công nghệ mới, ngôn ngữ lập trình mới, xuất phát điểm là như nhau, ai nhanh hơn sẽ thắng. Thế là chúng tôi xác định hướng đi của mình: lao lên, tiếp cận những công nghệ mới nhất, tìm cách học nhanh nhất và đưa vào sản phẩm.
* Và còn gì nữa?
- Tất nhiên nhanh hơn chỉ là kết quả cuộc tìm kiếm của riêng chúng tôi. Các bạn trẻ khác đã tìm ra thế mạnh của mình. Nguyễn Hà Đông sau khi tự gỡ Flappy Bird khỏi Internet, một bảo tàng nghệ thuật tại Anh đã trưng bày chiếc điện thoại có cài trò chơi này.
Tôi rất thú vị với chi tiết ít ai để ý ấy, nó chứng tỏ Flappy Bird không chỉ là game mà còn mang nhiều tính nghệ thuật, cũng dễ hiểu khi chủ nhân của nó xuất thân từ quê lụa Hà Đông. Nhiều bạn trẻ Việt khác mà tôi biết đang phát triển những phần mềm chỉnh sửa ảnh, AI vẽ tranh theo yêu cầu mô phỏng phong cách các danh họa thế giới...
Người Việt vốn có nhiều truyền thống nghệ thuật. Vậy "công nghệ + mỹ thuật + nghệ thuật" có phải cũng là một công thức riêng hay không? Các bạn trẻ sẽ trả lời bằng lựa chọn của mình.
* Chương trình Funix của ông cũng đã hướng rất nhiều người vào những con đường riêng. Và họ đã tiếp nhận như thế nào?
- Rất thoải mái. Chúng tôi dạy lập trình nhưng không rập khuôn. Mỗi người đăng ký học sẽ được phỏng vấn về trình độ, mục đích, quyết tâm và được thiết kế chương trình, lộ trình riêng để học. Có người hướng dẫn cách tự học, trả lời câu hỏi, cùng giải quyết khúc mắc, lại có cả người dỗ dành, động viên khi gặp khó khăn, chán nản trong cả hành trình.
Người học sẽ tự quyết định chất lượng học và cả thời gian học của mình. Funix của chúng tôi không có giới hạn không gian, thời gian, không giới hạn người học. Học viên có thể là bác sĩ, kỹ sư, sinh viên, lại cũng có thể là tài xế, lơ xe, buôn bán. Học và họ sẽ có cơ hội thay đổi mình, tìm con đường cho mình.
Một bạn trẻ ở Hội An đã theo học Funix ngay khi không có cả một chiếc laptop. Cậu ra quán net, thuê máy tính 5.000 đồng/giờ, ngồi giữa các game thủ để học lập trình với chúng tôi. Kiên trì như vậy, cậu đã tốt nghiệp sau hơn 2 năm, được nhận vào làm việc ở FPT Đà Nẵng, nay thì đã lập được công ty riêng chuyên về thiết kế web.
Lại có một bạn trẻ khác đã tự tin trả lời khi tôi hỏi làm cách nào để theo kịp đổi mới công nghệ của thế giới: "Tại sao phải chạy theo, chúng em đang dẫn dắt". Các bạn rất thành công, nhiều người thành công hơn tôi. Và tôi tin vào lớp trẻ như vậy.
Máu thịt cá hồi
* Được biết ông còn làm chủ tịch câu lạc bộ AIVIET, nơi tụ tập nhiều trí thức Việt kiều đang có mong muốn về nước xây dựng sự nghiệp. Tại sao ông gọi họ là những "cá hồi"?
- Cá hồi sinh ở nước ngọt, đủ lớn thì xuôi dòng ra biển, vẫy vùng trưởng thành, rồi đến kỳ sinh sản lại quay về nguồn để đẻ trứng. Ký ức ngọn nguồn chào đời nằm trong khứu giác, trong máu thịt thúc đẩy chúng ngược dòng dù có xa xôi, ghềnh thác.
Tôi nghĩ con người cũng vậy, và người Việt càng vậy. Những gắn bó máu thịt với quê hương qua kỷ niệm, qua ẩm thực, qua văn hóa, lịch sử sẽ thúc đẩy người ta ý muốn quay về sau những khoảng thời gian học hỏi, trải nghiệm, trưởng thành và thành công ở thế giới. Đôi khi chỉ một người bạn, một cơn nhớ tô phở, bún bò đúng vị, giữa không khí ấm áp quen thuộc đã đủ.
Về nhưng vui chơi hay làm việc, xây dựng, đóng góp mới là điều quan trọng. Câu lạc bộ của chúng tôi sẽ giúp khơi dòng, giúp họ tìm ra con đường của mình khi có ý muốn quay về lập nghiệp. Phải có được con đường phù hợp, người quay về mới có thể "bén rễ" lâu bền với quê hương.
* Phải chăng như vậy thì Nhà nước sẽ không cần phải "trải thảm đỏ mời nhân tài" mà chỉ cần chờ những di sản Việt Nam và tình yêu Việt Nam trong mỗi người Việt tự phát huy tác dụng?
- Về phía chính quyền, tôi nghĩ nên chuẩn bị những chính sách, những cơ hội để đón và tạo điều kiện cho người về "bén rễ" bằng chính sự nghiệp của họ, quyết định của họ. "Thảm đỏ" dẫn dắt bằng vật chất sẽ không thể lâu bền, vì nếu tòa lâu đài mà chiếc thảm dẫn đến không như mường tượng thì vẫn không thể giữ được người.
Trong khía cạnh này, người Trung Quốc đã làm rất tốt khi có hẳn những chương trình và hành động hệ thống để giữ gìn tình đồng hương, quan hệ ruột thịt. "Thảm đỏ" trong tinh thần, tình cảm mới có tác dụng tích cực hơn.
* Có một thực tế là trong khi không ít người đã trở về - hầu hết khi không còn trẻ, có nhiều hơn nhiều lần số đó lại ra đi - và rất đông là người trẻ. Thực tiễn này làm quan ngại nhiều người, với ông thì sao?
- Tôi không e ngại. Các bạn trẻ hãy cứ ra đi, học và làm, trải nghiệm cuộc sống trên cả thế giới. Có đi mới có trưởng thành. Có trưởng thành mới có thành quả khi quay về một lúc nào đó con tim lên tiếng gọi.
Lịch sử của chúng ta đã ghi nhận bao nhiêu người Việt trở về với quê hương giữa cuộc kháng chiến gian khổ thiếu đói, giữa cuộc chiến tranh mưa bom bão đạn.
Hôm nay đất nước đang phát triển, lo gì chuyện người đi không về. Với thế giới công nghệ không biên giới, rất nhiều người Việt đang ở Úc, Mỹ, Canada vẫn hằng ngày trở về với chúng tôi thông qua Internet đó thôi.
Chúng tôi đưa ra những câu hỏi: Tại sao các thế hệ đi trước lại khát khao và hy sinh cho độc lập như thế? Trả lời: Vì trước đó là nô lệ.
Thế còn bây giờ, chúng ta đã hết nô lệ chưa, khi xung quanh cuộc sống chúng ta là những sản phẩm, công cụ đến từ nước ngoài? Phong trào "Make in Vietnam" có thể đưa chúng ta khỏi tình trạng nô lệ công nghệ? Sẽ phải trả giá gì cho cuộc cách mạng công nghệ này?
Tôi đi dạy sử
Với mong muốn sinh viên tự hào với Việt Nam, có tinh thần để làm những việc nhỏ bé hay lớn lao vì đất nước, chúng tôi đã thiết kế khóa học như một sân khấu, nơi diễn ra các sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam giai đoạn này, xung quanh nhân vật trung tâm là Hồ Chí Minh cùng các cộng sự và đối thủ của ông.
Toàn bộ giai đoạn lịch sử được chia thành 12 chương, trình bày như một chuỗi sự kiện cùng nhân vật chọn lọc.
Trước buổi học, giảng viên cung cấp bộ câu hỏi cùng các gợi ý về sự kiện, nhân vật - như một "kho báu", nhiệm vụ của sinh viên là tìm thông tin, tài liệu liên quan - chìa khóa để mở "kho báu".
Các nhóm sinh viên đều phải chuẩn bị cho tất cả các câu hỏi, nhưng trong buổi học chỉ trả lời một câu, các nhóm còn lại sẽ dùng kiến thức mình chuẩn bị để phản biện. Giảng viên đánh giá cuộc đua, chấm điểm theo xếp hạng qua từng buổi học, và giúp sinh viên hệ thống lại bức tranh tổng thể từ những mảnh ghép ấy.
Sinh viên của tôi rất ham tìm hiểu, hăng hái tranh luận và sáng tạo trong trình bày, đủ thể loại từ phóng sự, kịch câm, ca kịch, nhập vai, diễn thuyết. Lịch mỗi bài giảng là 2 tiết - 90 phút nhưng chưa hôm nào kết thúc được trong 150 phút, có hôm kéo dài tới hơn 3 tiếng. Hôm kết thúc khóa học, khi tôi thông báo, một em đã kêu lên: "Ôi, tiếc quá! Bọn em có thể học lại từ đầu không ạ?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận