TTCT - Năm học sắp tới sẽ là năm thứ ba triển khai dạy các môn tích hợp ở bậc THCS, song thế lưỡng nan của tích hợp sẽ cần tới một quyết sách khác biệt nữa để giải quyết. Học sinh Trường tiểu học Danh Thắng, Bắc Giang trong giờ học tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới. Ảnh: Vĩnh Hà Năm học sắp tới sẽ là năm thứ ba triển khai dạy các môn tích hợp ở bậc THCS. Nhưng với quá nhiều khó khăn, bất cập, và như bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói "khả năng cao sẽ phải sửa chương trình", thế lưỡng nan của tích hợp sẽ cần tới một quyết sách khác biệt nữa để giải quyết.Từ đốm lửa ban đầu đến cuộc đổi mới nửa vờiNhiều chuyên gia giáo dục cho rằng từ những năm 1950 - 1960, khái niệm "học đi đôi với hành" đã chính là yêu cầu tích hợp. Bởi để "hành" được, giáo viên phải hướng dẫn học sinh thực hiện những yêu cầu, hay sản phẩm bằng cách sử dụng kiến thức của nhiều môn học khác nhau. Nhưng việc này chỉ được đẩy lên mạnh mẽ hơn vào các năm từ 2012 đến trước 2015 (thời điểm bắt đầu xây dựng chương trình GIÁO DỤC phổ thông 2018). Ở quãng thời gian này, ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đã có những văn bản mang tính mở đường đưa vào trường phổ thông nhiều cái mới mẻ: Dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, mở rộng không gian dạy học ra ngoài lớp học, dạy học gắn với di sản, gắn với sản xuất kinh doanh và mở ra Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.Một loạt văn bản chỉ đạo thời đó cũng nhằm vào việc gắn kiến thức liên môn với cuộc sống. Ví dụ cho phép các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, xây dựng các chủ đề học tập liên môn từ các bài học đơn lẻ của từng môn hoặc nhiều môn, phát triển các dự án học tập, nghiên cứu khoa học của học sinh, đổi mới đánh giá học sinh không chỉ bằng bài kiểm tra thông thường mà chấm điểm qua dự án, qua hoạt động trải nghiệm…Khá nhiều trường trung học ở Hà Nội, TP.HCM, tới cả các tỉnh khó khăn hơn như Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu… đã tiếp nhận "luồng gió mới" này và có những thay đổi nhất định.Thế nên, nếu nói chưa có sự chuẩn bị gì cho triển khai môn tích hợp là không hoàn toàn đúng. Những thay đổi về nhận thức, cách làm thường là thay đổi khó khăn nhất trong bối cảnh giáo dục phổ thông vô cùng trì trệ, bảo thủ. Thực tế cho thấy những nơi nào làm tốt các chỉ đạo chuyên môn trên thì khi tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018 không gặp bỡ ngỡ, khó khăn quá lớn. Nhưng tiếc là những người đi tiên phong không nhiều. Bộ GD&ĐT đã không thể thổi bùng lên ngọn lửa từ những đốm lửa nhen nhóm ban đầu.Phụ huynh và học sinh mua sách giáo khoa tại Công ty CP Sách và thiết bị trường học TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNGDù vậy, thực tiễn áp dụng nền móng đầu tiên cho "tích hợp" cùng với kinh nghiệm tiếp thu từ các nền giáo dục khác là cơ sở để Bộ GD&ĐT quyết định xây dựng các môn học mới: Môn tích hợp theo tinh thần "tích hợp mạnh mẽ ở bậc học dưới (tiểu học, THCS), phân hóa mạnh mẽ ở bậc học trên (THPT).Ở bậc THCS, các môn học mới đã được ra đời theo hướng tích hợp. Ban đầu nó là các môn khoa học tự nhiên (tích hợp từ vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (tích hợp từ lịch sử, địa lý). Có ý kiến thời đó còn cho rằng môn khoa học xã hội cần đưa thêm các nội dung văn hóa xã hội, con người và một phần của nội dung môn giáo dục công dân. Nhưng thời điểm đó, chỉ nhìn vào tên gọi, những cuộc tranh cãi đã nổ ra căng thẳng. Một luồng ý kiến rất đáng nể, vì toàn các "cây đa cây đề" cho rằng nếu có môn khoa học xã hội thì như vậy, về cơ bản là đã xóa sổ môn lịch sử. Và rằng môn lịch sử không thể bị mất tên, nó cần đứng độc lập, cần có vị thế quan trọng.Sau rốt, để tránh những vấn đề nhạy cảm, tên môn khoa học xã hội được đổi thành môn lịch sử và địa lý.Theo chương trình giáo dục phổ thông biên soạn lần đầu năm 2015, các môn tích hợp được xây dựng theo chủ đề gần gũi với các vấn đề, hiện tượng trong đời sống mà nội hàm của nó chứa nội dung kiến thức của nhiều môn học thuộc hai lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Nhưng tính khả thi của môn tích hợp cũng đã được đặt ra để phản biện từ thời kỳ đó. Câu hỏi lớn nhất là: Nếu các chủ đề "tích hợp" quá sâu thì ai sẽ dạy môn tích hợp?Chỉ mới manh nha có "môn tích hợp" mà hàng loạt giáo viên các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý đã hoang mang. Về lâu dài sẽ phải có giáo viên được đào tạo để dạy môn tích hợp, nhưng như thế thì giáo viên đơn môn liên quan sẽ đi đâu? Một cuộc đổi mới không thể bỏ qua việc kế thừa và tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực đã có. Về lý thuyết, giáo viên đơn môn có thể được tập huấn để đảm nhiệm "môn tích hợp", nhưng sẽ khó khả thi nếu "tích hợp" quá sâu như ý tưởng ban đầu.Và từ hiện thực đó, chương trình môn tích hợp được nắn chỉnh theo hướng xây dựng các chủ đề thuộc kiến thức của các môn thành phần, bên cạnh đó có các chủ đề tích hợp sâu hơn, là giao thoa, trộn lẫn kiến thức của các môn học lý, hóa, sinh và lịch sử, địa lý. Cách thiết kế chương trình, sách giáo khoa như hiện nay nhìn vào thì có thể nhận ra ngay chủ đề nào là thuộc lý, hóa hay sinh... Đặc biệt là môn lịch sử và địa lý, nhiều nhà giáo cho rằng đó là một cuộc "cưỡng hôn sống sượng". Thực chất chúng giống như môn tổ hợp hơn là tích hợp.Chương trình cũng chia ra các nhóm tương ứng với các phân môn thiết kế, sách giáo khoa cũng chia cho các nhóm khác nhau tương ứng với các phân môn biên soạn.Song song với việc hình thành "môn tích hợp", dạy học "tích hợp", kỳ thi tốt nghiệp THPT thời kỳ đó cũng điều chỉnh để có các môn "tổ hợp". Các môn tổ hợp này ban đầu được gọi là tích hợp, sau đó vì thấy khó có thể ra đề "tích hợp" thực sự nên chuyển sang thành tổ hợp. Có nghĩa một môn thi có các nội dung thi của môn thành phần.Như vậy, bên cạnh khái niệm "tích hợp" vốn mới mẻ, mơ hồ với nhiều người, lại có thêm khái niệm "tổ hợp". Ai cũng hiểu đổi mới cần đi từng bước, nhưng rồi ai cũng thấy, về thực chất, đó là cuộc đổi mới nửa vời.Trong nồi canh hẹ rối renCác môn tích hợp "va đầu vào đá" ngay vào năm học triển khai ở lớp 6, rồi lớp 7. Điều này đã được đoán trước. Vì từ khâu biên soạn chương trình đến sách giáo khoa đã không phải "tích hợp", do các nhóm khác nhau làm, nên khó có thể bắt giáo viên "tích hợp" trong khi họ chỉ được đào tạo đơn môn.Trên thực tế, mỗi địa phương, thậm chí mỗi trường làm theo một cách, và tất cả đều rối như canh hẹ. Nguyên nhân chính là không có giáo viên dạy môn tích hợp. Giáo viên các đơn môn đồng thời tham gia môn tích hợp từ dạy đến kiểm tra đánh giá học sinh. Một số nơi yêu cầu giáo viên đơn môn dạy cả môn tích hợp, trong đó có các phân môn họ không được đào tạo. Chương trình - sách giáo khoa cũng được thực hiện khác nhau. Có nơi bóc các phân môn ra bố trí dạy song song theo thời lượng 1 tiết/tuần. Có nơi dạy theo trình tự trong sách giáo khoa, hết lý, đến hóa, đến sinh, hết lịch sử đến địa lý…Mỗi cách gây nên một sự bất hợp lý. Khi giáo viên luân phiên đảm nhận các phân môn dạy theo trình tự sách giáo khoa, xảy ra tình trạng có giáo viên phải dạy đến trên 30 tiết/tuần và có giáo viên ngồi chờ. Nhưng yêu cầu một giáo viên đảm nhiệm cả môn tích hợp để chia việc đủ cho giáo viên trong tổ bộ môn thì lại gặp khó khi "dạy cái chưa được đào tạo".Tới đây, sinh ra giải pháp tình thế: cho giáo viên đi bồi dưỡng 6 tháng những phân môn trái với chuyên môn được đào tạo. Nhưng 6 tháng không bù được cho 4 năm đào tạo chính quy. Giáo viên thiếu tự tin, chất lượng dạy học tối thiểu còn khó đảm bảo, nói gì đến các mục tiêu đổi mới phương pháp, phát triển năng lực học sinh…Sách giáo khoa là một trong những vấn đề được nhiều giáo viên và phụ huynh quan tâm. Trong ảnh: phụ huynh mua sách giáo khoa cho con, chuẩn bị năm học mới 2023-2024 - Ảnh: NHƯ HÙNGNhững nơi bóc môn học riêng rẽ ra theo từng phân môn để dạy song song thì vấp phải hòn đá còn to lớn: phá vỡ tính logic của môn học. Có những kiến thức của phân môn này học sinh chưa được dạy, đã phải lồng ghép để học ở phân môn kia. Mọi ngả đường đều là sự loay hoay trong bế tắc.Và đấy cũng là lúc nhiều giáo viên, cán bộ quản lý nhận ra một điều căn bản: Nếu bóc tách các phân môn ra dạy riêng được thì cần gì "tích hợp" nữa. Họ đặt ra câu hỏi, môn tích hợp - theo kiểu ghép cơ học, chắp vá này - có lợi gì cho học sinh không?"Nếu có lợi cho học sinh thì khó chúng tôi có thể cố. Nhưng không có lợi gì so với dạy đơn môn riêng rẽ thì việc bắt các nhà trường, giáo viên phải làm khó là điều vô nghĩa" - một giáo viên phát biểu trong cuộc tập huấn mới đây ở Hà Nội. Giáo viên này còn cho biết có những thắc mắc của giáo viên, tác giả chương trình - sách giáo khoa không trả lời được vì "trái môn". Người làm ra chương trình - sách giáo khoa còn không "tích hợp" được thì sao bắt giáo viên phải làm?Cho tới giờ, cả báo cáo của Chính phủ và của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về câu chuyện "tích hợp" đều cho rằng chưa có sự chuẩn bị kỹ điều kiện triển khai. Cụ thể là điều kiện về giáo viên được đào tạo mới và giáo viên bồi dưỡng tại chỗ. Chương trình được bắt đầu xây dựng từ năm 2012 tới năm 2018 hoàn thành. Từ 2018 đến nay, đã 5 năm trôi qua, đủ cho một thế hệ giáo viên mới được đào tạo chính quy môn tích hợp ra trường nhưng hiện vẫn chưa có giáo viên dạy tích hợp được đào tạo bài bản. Nó chứng tỏ việc chuẩn bị điều kiện chưa được làm đến nơi đến chốn.Tuy nhiên, rối ren ở môn tích hợp lại không chỉ là chuyện thiếu giáo viên. Nó bắt đầu có vấn đề từ quan điểm đổi mới nửa vời, từ việc tập huấn về chương trình mới, cách quản trị, triển khai chuyên môn, đến những đổi mới thiếu đồng bộ trong kiểm tra, đánh giá, thi cử.Thế lưỡng nanKhi bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng "khả năng cao sẽ sửa", có người hồ hởi vì tin rằng sẽ được "lối cũ ta về", cũng không ít người khác thất vọng vì thấy bộ "không làm được thì bỏ". Trong quá khứ, Bộ GD&ĐT đã vài lần "đẽo cày giữa đường" giữa nhiều luồng quan điểm. Lần này, lại trong thế lưỡng nan sửa - bỏ. Và lại cần tới một cuộc tham vấn nhiều kênh nữa.Có thể dự báo khả năng "bỏ" là rất thấp, vì quyết định "bỏ" không khác gì thừa nhận một thất bại lớn trong việc triển khai chương trình lần này, vì dạy tích hợp (trong môn và liên môn) là xu thế giáo dục hiện đại tiến bộ, đúc kết từ nhiều nền giáo dục khác. Câu hỏi còn lại là sửa như thế nào. Muốn biết sửa như thế nào, chắc chắn cần lần trở lại xem đã sai từ đầu tới giờ trên những vấn đề nào. Và sẽ phải làm lại chương trình, sách giáo khoa. Về căn bản, đó sẽ là một cuộc cải cách giáo dục nữa. Điều đáng tiếc nhất là những nỗ lực đưa nhiều cái mới vào nhà trường phổ thông từ trước 2015 đã không được phát huy. Nhiều tổ chuyên môn trong các nhà trường từng làm tốt các chủ đề dạy học tích hợp liên môn, dạy học gắn với di sản, gắn với sản xuất kinh doanh, dạy học bằng trải nghiệm, theo chủ đề, dự án học tập... lại "gãy gục" khi áp dụng môn tích hợp vì chịu áp lực phải làm đúng, làm đủ chương trình - sách giáo khoa một cách cứng nhắc. Tags: Trường tiểu họcTiếng Việt lớp 1Chương trình mớiChương trình giáo dụcGiáo dục phổ thôngChuyên gia giáo dụcNguyễn Vinh HiểnĐánh giá học sinh
Ông Lý Hiển Long chuyển giao quyền lực, mong thế hệ kế tiếp phải trọng dụng người tài DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.