TTCT - Hơn 76.000 người di cư đã vượt qua Edirne - thành phố tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ nằm giáp Hi Lạp và cách biên giới với Bulgaria 20km, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết hôm 1-3. Con số này có vẻ chưa dừng lại, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29-2 tuyên bố mở cửa biên giới với EU cho người tị nạn Syria. Lực lượng nổi dậy Quân đội giải phóng Syria thượng cờ Thổ Nhĩ Kỳ và treo hình ông Erdogan ở thị trấn miền bắc Syria Azez. Ảnh: AP Những thỏa thuận bị xé bỏ Quyết định mở cửa biên giới được Ankara đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Idlib (Syria). Trong một phát biểu ở Istanbul, ông Erdogan nhắc lại hiện có 3,7 triệu người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước này “không thể đối phó với một làn sóng nhập cư mới”. Tuyên bố của ông nhắc thế giới, và nhất là Liên minh châu Âu (EU) nhớ lại thỏa thuận giữa Ankara với Brussels hồi tháng 3-2016. Theo đó, Ankara sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới, ngăn dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào EU qua Hi Lạp và Bulgaria. Đổi lại, Brussels phân bổ 6 tỉ euro để hỗ trợ người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này giúp giảm tới 97% người chạy nạn vào EU. Nếu Ankara từ chối thực thi thỏa thuận, vấn đề người tị nạn chắc chắn sẽ lại trở thành một thách thức kinh tế, chính trị nghiêm trọng cho EU mùa xuân này. Chẳng khó khăn gì để nhận ra động thái của ông Erdogan chẳng qua nhằm gây sức ép buộc châu Âu và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng về phía Ankara trong những diễn biến chiến sự mới nhất ở Idlib. Kể từ sau khi Nga được Tổng thống Syria Bashar al-Assad “mời” vào hỗ trợ Damascus chống khủng bố từ năm 2015, đến nay quân đội Syria với sự hỗ trợ của Nga đã dần đẩy lui các lực lượng nổi dậy khỏi các tỉnh thành. Idlib cùng các vùng phụ cận ở ba phía đông, nam và tây (còn được gọi là Đại Idlib) là thành trì cuối cùng của các lực lượng vũ trang đối lập chống Damascus. Thổ Nhĩ Kỳ, tuy không được ông Assad mời, nhưng “được nhân dân Syria mời” (nguyên văn lời ông Erdogan), cũng là một phe tham chiến ở Syria nhiều năm qua. Tháng 9-2018, Damascus, Matxcơva và Ankara ký thỏa thuận Sochi. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ loại tất cả các nhóm khủng bố cực đoan khỏi lực lượng đối lập ôn hòa trước cuối năm 2018; đổi lại, Nga sẽ bảo đảm không để quân đội Syria tấn công Idlib, tiến tới một giải pháp chính trị nhằm thống nhất Syria. Hiện ở Idlib, lực lượng vũ trang đối lập chính là Hội đồng giải phóng Sham, và các nhóm đối lập vũ trang khác, hợp nhất dưới sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ trong tổ chức Quân đội quốc gia Syria (từ tháng 10-2019 có thêm Mặt trận dân tộc giải phóng). Hội đồng giải phóng Sham chính là lực lượng mà quân đội Damascus dưới sự hỗ trợ của Nga muốn tiêu diệt và muốn Thổ Nhĩ Kỳ loại khỏi phe đối lập. Tuy nhiên, đến giờ G (cuối năm 2018), Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện được việc phân định lực lượng theo thỏa thuận Sochi. Chuyên gia Hội đồng các vấn đề đối ngoại Nga Kiril Semyonov nói với tờ Kommersant rằng do trong một thời gian dài Ankara không có động thái rõ ràng để ngăn chặn Hội đồng giải phóng Sham vì coi nhóm này là lực lượng đối trọng để ghìm chân ông Assad, nên Nga và Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực thi thỏa thuận Sochi. Dựa trên lý lẽ đó, đêm 27-2, không quân Syria không kích một địa điểm phiến quân ở phía nam Idlib, khiến 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, và vòng xoáy bạo lực mới bắt đầu. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Syria vi phạm thỏa ước Sochi, trong khi Syria và Nga khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không những không phân định được lực lượng theo thỏa ước này, mà còn đang dung dưỡng cho phe đối lập. Erdogan cô đơn Có thể nói ông Erdogan đang gặp khó cả ở mặt trận quân sự lẫn ngoại giao. Trước tiên, chính sự “quyền biến” của ông Erdogan đã gây khó cho ông. Trong một thời gian dài, ông tỏ ra kết thân với Nga (mặc dù có lúc cũng “đâm sau lưng” Nga, theo lời ông Putin), bất cần Hoa Kỳ và các đồng minh truyền thống. Sự thay đổi đường lối của Erdogan lộ rõ từ năm 2016, khi ông Putin đề nghị hỗ trợ ông Erdogan trong vụ đảo chính năm 2016, trong khi phương Tây tỏ ra lạnh nhạt. Từ đó hai nguyên thủ phát triển các quan hệ hỗ trợ lẫn nhau dù theo đuổi các chương trình nghị sự khác biệt. Năm ngoái, Ankara đã chọn mua một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Nga thay thế cho hệ thống do Mỹ sản xuất, dù đi kèm với những hạn chế về địa điểm và thời gian sử dụng. Các mối quan hệ với Washington hiển nhiên bị tổn hại và Lầu Năm Góc đã đưa Ankara ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35. Không khó hiểu khi vụ căng thẳng 27-2 nổ ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump khoanh tay tuyên bố “cứ để Nga và Thổ đấu nhau ở Syria”. NATO cũng không can thiệp theo đề nghị của quốc gia thành viên Thổ Nhĩ Kỳ, vì điều 5 Hiến chương NATO quy định tổ chức này chỉ ra tay khi các thành viên bị tấn công, mà trong trường hợp Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ không những không bị tấn công mà còn đang đem quân đi đánh xứ người. EU cũng không dại gì can thiệp, “bứt dây” để “động rừng” vấn đề người tị nạn mà họ đã phải đau đầu bao lâu nay. Trong khi đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới để hàng chục ngàn người rời nước này là “động thái đe dọa này không có mấy tác động” - theo ông Murat Erdogan (không có họ hàng gì với Tổng thống Erdogan), giáo sư Đại học Thổ Nhĩ Kỳ - Đức ở Istanbul, chuyên nghiên cứu về di trú. Theo ông, “những người tuyệt vọng có thể cố gắng vào châu Âu, nhưng sẽ sớm đi vào bế tắc, vì để chiến thuật mở các cửa biên hiệu quả, phía bên kia của biên giới cũng phải mở cửa”. Hiện cả Bulgaria lẫn Hi Lạp đều đã “rào chắn” kỹ và EU tuyên bố không thay đổi trong chính sách di trú này. Các bước đi của ông Erdogan có vẻ như chỉ “rung cây nhát khỉ” và tạo ra một tác động chính là càng khiến ông bị căm ghét thêm ở EU. Trong hàng ngũ các nước Ả Rập, ông Erdogan cũng đang trở nên cô đơn, theo nhận định của đài Đức Deutsche Well (DW) hôm 29-2. DW nhắc một loạt nước từng đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ khi ủng hộ phe đối lập Syria giờ dần bỏ rơi ông. Từng đứng đầu một liên minh 65 nước, trong đó có Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)... can thiệp quân sự ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang gây ra sự cảnh giác ngay chính trong thế giới Ả Rập, nhiều nước đã theo chân Mỹ rút khỏi Syria. Họ cũng không còn mặn mà với Ankara như trước. DW dẫn lời Abdel Bari Atwan - tổng biên tập nhật báo online tiếng Ả Rập trụ sở tại London, Rai al-Youm, nhận định: “Erdogan đang một mình đối mặt với siêu cường Nga và một đội quân Syria đã dạn dày kinh nghiệm trên đất Syria”. Không chỉ khó khăn trên mặt trận đối ngoại, trong nước dường như Erdogan cũng lâm vào bế tắc. Nhà Đông phương học người Nga Semen Bagdadsarov nói trên tờ Sự Thật Komsomol rằng ông Erdogan đang liên minh với đảng có đường lối quốc gia. Những người theo quốc gia chủ nghĩa đã thắng trong những cuộc bầu cử gần đây ở Ankara, Istanbul, Izmir và gây sức ép lớn lên ông Erdogan. Họ yêu cầu ông phải “tiến về Damascus và lật đổ Assad, đến năm 2023 bắc Syria và bắc Iraq phải thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ”. “Sau cuộc đảo chính quân sự 2016, ông Erdogan sợ quân đội của mình còn hơn quân đội Nga. Ông sợ nhất là tỏ ra yếu đuối trước quân đội và người dân Thổ Nhĩ Kỳ” - Bagdadsarov bình luận. Nhiều chuyên gia khẳng định các bước đi của ông Erdogan hiện nay khá mạo hiểm. Trong một bài phân tích trên Bloomberg ngày 29-2, hai tác giả Selcan Hacaoglu và Onur Ant cảnh báo nền kinh tế ốm yếu của Thổ Nhĩ Kỳ mới hơi phục hồi vào năm 2019, nhưng lạm phát và thất nghiệp vẫn ở mức cao, nên một cuộc phiêu lưu quân sự không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và NATO có thể dẫn tới những tai họa khó lường. Năm ngoái, phe ông Erdogan đã thất bại trong cuộc bầu cử hội đồng thị chính ở những thành phố then chốt, cho thấy cử tri dù trung thành và bị lôi kéo bởi chủ nghĩa quốc gia của ông tới đâu thì cũng đã mệt mỏi vì nền kinh tế chao đảo. ■ Vẫn sẽ là chiến tranh ủy nhiệm Thực tế, một cuộc đối đầu Nga - Thổ đang diễn ra trên chiến trường Syria, dù không hẳn là trực diện. Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đang bắn vào các máy bay Syria cũng như Nga từ các hệ thống phòng không cơ động. Người Thổ không thể không biết trong quân đội Syria mà họ bắn vào có các cố vấn Nga, và trong tất cả các đơn vị quân nổi dậy Syria đang chiến đấu ở Idlib có các cố vấn Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Semen Bagdadsarov, 7.000 lính Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa đến vùng xung đột này. Tuy nhiên, chiến sự nhiều khả năng vẫn chỉ là theo kiểu ủy nhiệm, hoặc “chiến tranh lai” (hybrid), bởi đối đầu trực diện sẽ bất lợi lớn cho cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước còn đang có quá nhiều dự án hợp tác kinh tế. Những hậu quả của một cuộc chiến trực diện cũng sẽ rất nguy hiểm không chỉ cho toàn bộ khu vực, mà cho cả thế giới. Một trong những mối đe dọa từ Ankara với Nga - như mọi xung đột Nga - Thổ ít ra là đã 400-500 năm qua - là đóng cửa eo Bosphorus (biển Đen) để chặn đường tiếp tế cho các lực lượng không quân Nga ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có quyền phong tỏa eo biển này theo công ước Montreaux 1936. Khi đó Nga sẽ phải tiếp tế cho lực lượng của mình ở Syria qua đường biển Caspi, “đi nhờ” lãnh thổ Iran, ra vịnh Ba Tư, vòng qua bán đảo Ả Rập rồi mới tới Hồng Hải giáp Syria - xa hơn nhiều so với tuyến biển Đen. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đối mặt nhiều bất trắc. Tờ Sự Thật Komsomol 28-2 phân tích hiện có hơn 100 công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động tại Nga, và 10% GDP nước này là từ du lịch. Năm ngoái, trong 45 triệu du khách nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ, 7 triệu là từ Nga. Sau lệnh trừng phạt năm 2015 khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga, 1.300 khách sạn của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị rao bán do sụt giảm trầm trọng du khách Nga. Nga cũng là thị trường rất lớn với nông sản xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra còn có dự án hợp tác Nga - Thổ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu và dự án vận chuyển khí đốt “Dòng Thổ Nhĩ Kỳ”. Trong đợt “ghẻ lạnh” năm 2015, các kinh tế gia ước tính tổng thiệt hại tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 11 tỉ đôla. Tags: Thổ Nhĩ KỳErdoganTổng thống Thổ Nhĩ KỳNgười tị nạn Syria
Thăm dò ở bang chiến trường Wisconsin, bà Harris nhỉnh hơn ông Trump TRẦN PHƯƠNG 06/11/2024 Cuộc bầu cử Mỹ vẫn đang diễn ra và các cử tri đang bỏ những lá phiếu quyết định cuộc đua giữa ứng viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa.
Tin tức thế giới 6-11: Lính Triều Tiên và Ukraine đụng độ; Bộ trưởng quốc phòng Israel bị cách chức MINH KHÔI 06/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận đã đụng độ lính Triều Tiên; Ấn Độ muốn dùng mưa nhân tạo để xử lý ô nhiễm không khí quá nặng.
Tin tức sáng 6-11: Giá USD 'chợ đen' tăng vọt; Lộ diện 'ngôi sao' tăng giá trên sàn chứng khoán TUỔI TRẺ ONLINE 06/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội thảo luận về các nhóm chính sách lớn sửa Luật Đầu tư công; 10 tháng đầu năm, thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế tăng gần 13% so với cùng kỳ; Việt Nam đạt kỷ lục 9 triệu tài khoản chứng khoán...
Bầu cử Mỹ: Ông Trump ám chỉ có gian lận quy mô lớn ở Philadelphia DUY LINH 05/11/2024 Trên mạng xã hội Truth Social ngày 5-11, ông Trump tuyên bố "hiện có nhiều lời bàn tán về nạn gian lận quy mô lớn ở Philadelphia", nhưng không giải thích gì thêm.