08/04/2007 10:09 GMT+7

Thế hệ thứ sáu của điện ảnh Trung Quốc: "Ngọa hổ tàng long"

LÊ HỒNG LÂM
LÊ HỒNG LÂM

TTCT - Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Điền Tráng Tráng, Phùng Tiểu Cương..., những đại diện sáng giá nhất của thế hệ điện ảnh thứ năm TQ, dường như đã làm xong phận sự của họ. Có lẽ đã đến thời của thế hệ thứ sáu.

RCWOvEo2.jpgPhóng to
Giả Chương Kha
TTCT - Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Điền Tráng Tráng, Phùng Tiểu Cương..., những đại diện sáng giá nhất của thế hệ điện ảnh thứ năm TQ, dường như đã làm xong phận sự của họ. Có lẽ đã đến thời của thế hệ thứ sáu.

Sau những bộ phim thời đầu đầy ấn tượng, góp công lớn đưa điện ảnh TQ ra thế giới và gặt hái nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế, những bộ phim gần đây của các tên tuổi lớn kể trên đã gây nhiều thất vọng nơi người hâm mộ, như Vô cực (Trần Khải Ca), Dạ yến (Phùng Tiểu Cương) và Hoàng Kim Giáp (Trương Nghệ Mưu) đều giống nhau ở chỗ ganh đua phô trương về kỹ xảo, xào xáo chuyện “nồi da xáo thịt” chốn cung đình và cách diễn xuất (dù là bởi các ngôi sao danh tiếng) tựa như những diễn viên sân khấu...

Tuy nhiên, trong vài năm qua đã có một loạt những tên tuổi mới xuất hiện, với những bộ phim có ngôn ngữ điện ảnh mạnh mẽ, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của xã hội TQ hôm nay. Được xem là “thế hệ thứ sáu”, những tên tuổi này chưa thật sự nổi bật như thế hệ đi trước nhưng họ đều xứng đáng là những “ngọa hổ tàng long” mới của điện ảnh nói tiếng Hoa.

Thế hệ 6x

ybJW7rIx.jpgPhóng to
Vương Quyền An
Có thể coi Khương Văn là người đứng giữa thế hệ thứ năm và thế hệ thứ sáu. Xuất thân là một diễn viên nổi tiếng, từng đóng nhiều bộ phim của thế hệ thứ năm (như vai chính trong hai bộ phim Cao lương đỏ, Có lời thì nói của Trương Nghệ Mưu) và nhiều bộ phim của thế hệ thứ sáu, Khương Văn nay cũng là một đạo diễn tên tuổi dù chỉ mới dàn dựng được hai bộ phim và đang thực hiện phim thứ ba.

Hai tác phẩm Dưới bóng mặt trời Ma quỉ ngoài ngưỡng cửa của Khương Văn đều gặt hái được những thành quả đáng kể, trong đó bộ phim sau là một câu chuyện lạ lùng kể về những năm tháng Nhật chiếm đóng TQ, đoạt giải Grand Prix (chỉ sau Cành cọ vàng) tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2000. Ba năm sau, anh được mời ngồi ghế ban giám khảo tại LHP Cannes 2003. Khương Văn sinh năm 1963, có thể coi là người đầu tiên của thế hệ điện ảnh thứ sáu trên cương vị đạo diễn.

Vương Tiểu Soái sinh năm 1966 ở Thượng Hải, xuất hiện cùng thời với Khương Văn, từng thực hiện những bộ phim nhỏ, kinh phí thấp từ giữa thập niên 1990 nhưng hầu như không ai để ý, bởi thời điểm đó Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca đang ở đỉnh cao. Chỉ đến bộ phim Xe đạp Bắc Kinh, đoạt giải Gấu bạc tại LHP Berlin năm 2001 (và giải tài năng mới cho hai nam diễn viên trẻ đóng vai chính của bộ phim này), Vương Tiểu Soái mới được xem là một trong những đạo diễn nổi bật của thế hệ thứ sáu. Qua câu chuyện về hai thiếu niên mới lớn tranh giành một chiếc xe đạp, bộ phim thể hiện sự bất bình đẳng, sự chèn ép trong xã hội, sự thờ ơ, lãnh cảm nơi đường phố và cũng tô đậm cho tính cách “duy ý chí” của người TQ mà chúng ta từng thấy phần nào trong Thu Cúc đi kiện của Trương Nghệ Mưu.

utpWvuft.jpgPhóng to
Vương Tiểu Soái
Bộ phim thứ chín của Vương Tiểu Soái Những giấc mơ Thượng Hải (tên tiếng Hoa là Thanh Hồng - nhân vật nữ chính) được trao giải đặc biệt của ban giám khảo LHP Cannes 2005. Câu chuyện phim quay về những năm 1960, khi chính quyền TQ lúc đó khuyến khích những gia đình tại Thượng Hải chuyển về sống ở vùng quê để giúp dân nghèo tại đây. Thanh Hồng, cô gái 19 tuổi, phải từ bỏ những người bạn thân thiết và cả mối tình đầu để rồi Thượng Hải trở thành một giấc mơ mãi ám ảnh người thiếu nữ... Những giấc mơ Thượng Hải được khen ngợi như một bước tiến dài của Vương Tiểu Soái, nhất là cách xử lý câu chuyện mang thông điệp thời đại nhưng đầy thi vị.

Một tài năng nữa sinh ở Thượng Hải cũng thuộc thế hệ thứ sáu là Lâu Diệp. Sinh năm 1965, Lâu Diệp làm bộ phim đầu tay năm 1994 và nổi lên năm 2000 khi bộ phim thứ ba Sông Tô Châu đoạt ít nhất năm giải thưởng quốc tế, trong đó có giải thưởng lớn và giải nữ diễn viên chính xuất sắc (cho Châu Tấn) của LHP Paris và giải phim hay nhất tại LHP Rotterdam (Hà Lan). Song phim này bị cấm chiếu ở TQ vì chưa qua kiểm duyệt. Năm 2003, Lâu Diệp thực hiện Hồ Điệp, một bộ phim hình sự điệp báo kể về một tổ chức gián điệp có tên Hồ Điệp chống lại Nhật Bản thời đang xâm chiếm Thượng Hải. Với Chương Tử Di và Lưu Diệp đóng chính, Hồ Điệp lọt vào danh sách tranh giải Cành cọ vàng 2003.

Di Hòa viên, bộ phim thứ năm của Lâu Diệp, tiếp tục lọt vào vòng chung kết LHP Cannes 2006 và trở thành một sự kiện khi anh tiếp tục gửi thẳng đến Cannes, chưa kể phim đụng chạm đến một đề tài nhạy cảm về chính trị là sự kiện Thiên An Môn năm 1989 lại vừa có nhiều cảnh nóng bỏng xoay quanh câu chuyện tình của một đôi sinh viên. Trước Lâu Diệp, Trương Nghệ Mưu với phim Phải sống và Khương Văn với Ma quỉ ngoài ngưỡng cửa cũng đều gửi thẳng đến Cannes và sau đó bị cấm chiếu trong nước một thời gian dài.

Một gương mặt nữa của thế hệ thứ sáu là Vương Quyền An, sinh năm 1965, vừa giành giải Gấu vàng tại LHP Berlin (tháng 2-2007) với bộ phim Đám cưới của Tuya, kể về một phụ nữ nông dân ở Nội Mông phải nuôi người chồng bị khuyết tật và hai đứa con nhỏ; kiệt sức và không thể tiếp tục nuôi sống gia đình, người phụ nữ xinh đẹp này tự nguyện kết hôn lần nữa với một người chồng giàu với điều kiện anh ta phải chăm sóc người chồng cũ tàn tật của cô... Phim không chỉ đem đến cho khán giả những cảm xúc về tình yêu mà còn là tiếng thở than về cuộc sống vẫn lắm chua xót của người nông dân ở vùng quê hẻo lánh tại TQ ngày nay.

0m6hiv8y.jpgPhóng to 83rezoOB.jpg
Đội tuần tra núi Xe đạp Bắc Kinh

Và những đạo diễn 7x

VJFvwWvN.jpgPhóng to
Lưu Chuẩn
Cũng thuộc thế hệ thứ sáu nhưng trẻ hơn và phong cách làm phim đương đại, mạnh mẽ hơn là hai đạo diễn được kỳ vọng nhất hiện nay của điện ảnh nghệ thuật TQ: Lưu Chuẩn và Giả Chương Kha, đều sinh năm 1970.

Lưu Chuẩn theo đuổi phong cách làm phim nhanh và thiên về hành động kiểu Hollywood. Bộ phim đầu tiên của anh là Khẩu súng biến mất (2002) với Khương Văn đóng vai chính, kể về một cảnh sát ở một thị trấn nhỏ thức dậy và phát hiện khẩu súng của anh ta biến mất. Câu chuyện hấp dẫn cộng với một chút bí ẩn, đủ để kéo khán giả đến rạp và hồi hộp đến phút chót.

Nhưng chỉ đến năm 2004, với bộ phim Đội tuần tra núi, Lưu Chuẩn mới được công nhận là một tài năng thật sự. Tựa như một phim tài liệu, Đội tuần tra núi là câu chuyện một nhà báo từ Bắc Kinh đến viết phóng sự về một nhóm tuần tra tình nguyện chống lại những kẻ săn trộm linh dương trong vùng núi rộng lớn và hoang dã ở Tây Tạng. Nhà báo trẻ đã nhập cuộc cùng nhóm tuần tra, lao vào một hành trình săn đuổi dữ dội và nguy hiểm. Hấp dẫn nhưng lại đầy nghệ thuật, bộ phim là một minh chứng cho khả năng tiếp cận những đề tài gai góc và đương đại của điện ảnh trẻ TQ. Phim đoạt giải tại LHP Tokyo, Berlin, tranh giải thưởng lớn cho phim nước ngoài tại LHP độc lập Sundance của Mỹ và đoạt giải phim hay nhất và quay phim xuất sắc nhất tại giải Kim Tượng (Hong Kong) năm 2005.

Với thành công này, Lưu Chuẩn đang trên đà để trở thành một đạo diễn ở tầm quốc tế khi bắt tay thực hiện bộ phim Cuộc thảm sát Nam Kinh kể về một tội ác gây chấn động lịch sử khi phát xít Nhật xâm lược TQ. Bộ phim này được đầu tư 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 26 triệu USD), là một siêu phẩm của điện ảnh TQ đương đại.

Ngược lại với Lưu Chuẩn, Giả Chương Kha đi theo phong cách làm phim châu Âu chậm rãi và mang nhiều thông điệp ngầm không dễ hiểu. Giả Chương Kha đã thực hiện sáu phim truyện, một phim tài liệu và đang thực hiện một phim truyện mới. Sáu bộ phim truyện đã chiếu đều được đánh giá đều tay và một vài trong số đó được các nhà phê bình đánh giá là “xuất sắc”, “kiệt tác” như Thế giới (2004) và Người tốt ở Tam Hiệp vừa đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2006.

Phim của Giả Chương Kha đều phản ánh cuộc sống của xã hội TQ ngày nay, với cái nhìn trần trụi và không tô vẽ về đời sống. Tuy nhiên phim của anh rất khó xem vì tình tiết quá chậm, rời rạc và đôi khi tưởng như không ăn nhập vào nhau. Nhưng đến khi phim kết thúc, rất nhiều khán giả có nhu cầu xem lại để kết nối những tình tiết mà tác giả đan cài rất khéo léo trong phim.

Whb0GQx0.jpgPhóng toNgười tốt ở Tam HiệpNgười tốt ở Tam Hiệp là một bộ phim xuất sắc với hai câu chuyện độc lập đan xen, kể về cuộc sống ngột ngạt, tù đọng của những nhân vật chính trên cái nền bối cảnh của Tam Hiệp, con đập lớn nhất của TQ mà để xây dựng nó hơn 1,13 triệu người phải di cư hay thay đổi nơi sống...

Có thể kể thêm nữ đạo diễn kiêm diễn viên Từ Tịnh Lôi (sinh năm 1974). Với Cha và tôi, Bức thư của người đàn bà không quen, hai bộ phim được làm với phong cách tinh tế và đầy cảm xúc, Từ Tịnh Lôi hứa hẹn trở thành một đạo diễn nữ sáng giá của thế hệ thứ sáu.

LÊ HỒNG LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên