25/08/2016 09:39 GMT+7

Sức khỏe ông Lý và khoảng trống quyền lực ở Singapore

D.KIM THOA, duongkimthoa@tuoitre.com.vn
D.KIM THOA, [email protected]

TTO - Sự cố sức khỏe bất thường của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa rồi khiến nhiều người giật mình khi nhìn về thế hệ lãnh đạo kế cận của đảo quốc sư tử.

Người dân Singapore xem truyền hình trực tiếp ông Lý Hiển Long đọc diễn văn kỷ niệm ngày quốc khánh - Ảnh: AFP
Người dân Singapore xem truyền hình trực tiếp ông Lý Hiển Long đọc diễn văn kỷ niệm ngày quốc khánh - Ảnh: AFP

Theo Reuters, vị trí người đứng đầu Chính phủ Singapore luôn được “quy hoạch” trước nhiều năm. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Lý Hiển Long gần như ngã quỵ trong lúc đọc diễn văn kỷ niệm ngày Quốc khánh Singapore hôm 21-8, dư luận trong nước cũng như quốc tế bắt đầu nóng trở lại câu chuyện âm ỉ nhiều tháng qua: ai sẽ là người kế nhiệm ông Lý?

Ngổn ngang

Nền kinh tế Singapore thời gian qua đã phần nào giảm đi những sôi động hấp dẫn từng có trong mô hình phát triển kinh tế theo định hướng thương mại mở cửa do cố thủ tướng Lý Quang Diệu thiết lập nền tảng. Singapore cũng đã trở thành mục tiêu bị nhóm phiến quân Hồi giáo nhắm tới.

Tháng 8-2016, hai công dân Singapore bị bắt giữ trước khi họ tới được Syria và gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cảnh sát Indonesia cũng vừa triệt phá được âm mưu tấn công quốc đảo này bằng tên lửa. Và nay là sự cố sức khỏe với ông Lý tại bục phát biểu.

Tất cả đang làm dấy lên câu hỏi: Sau ông Lý Hiển Long, nhà lãnh đạo kế cận nào đã được chọn mặt gửi vàng? Người kế nhiệm cố thủ tướng Lý Quang Diệu, ông Ngô Tác Đống, đã được xác định từ trước khi bổ nhiệm ít nhất năm năm. Bản thân ông Lý Hiển Long đã được chuẩn bị cho cương vị nhà lãnh đạo tương lai của đất nước từ rất lâu trước khi ông chính thức nhận trọng trách năm 2004.

Cựu luật sư Inderjit Singh của Đảng Hành động nhân dân (PAP), đảng cầm quyền liên tục tại Singapore từ năm 1965 tới nay, nhận định: “Điều đáng lo ngại là chúng ta đang chậm chạp trong việc hoạch định thế hệ lãnh đạo thứ tư của đất nước”.

Những tâm tư về sự thiếu vắng một ứng cử viên sáng rõ cho cương vị thủ tướng tương lai của đất nước cũng có thể cảm nhận được ở những người dân bình thường. Anh Delon Wong, một nhà tư vấn tiếp thị 29 tuổi, chia sẻ: “Hiện chưa có ứng cử viên nào rõ rệt và điều đó khiến tôi lo lắng”.

Chưa rõ gương mặt sáng giá

Các bác sĩ nói ông Lý Hiển Long, năm nay 64 tuổi, hiện không gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Nhưng ngay cả như vậy thì khi trở lại bục phát biểu sau một giờ tạm nghỉ để đọc nốt bài diễn văn còn dang dở, chính ông Lý cũng nói: “Những gì vừa xảy ra cho thấy đây là lúc quan trọng hơn bao giờ hết”, với hàm ý chuẩn bị tìm nhân vật kế nhiệm.

Ông Lý sau đó đề cập tới Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat và cho biết ông Heng Swee Keat sẽ sớm trở lại với công việc sau lần bị đột quỵ đầu năm nay. Truyền thông Singapore ca ngợi ông Heng có thể trở thành một nhà lãnh đạo tiềm năng, nhưng vẫn không ít người nghi ngại tình trạng sức khỏe về lâu dài của ông.

Bà Gillian Koh, phó giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách Singapore, dẫn ra một số ứng viên khác, trong đó có ông Chan Chun Sing - bộ trưởng phụ trách văn phòng thủ tướng; ông Tan Chuan Jin - một cựu quan chức quân đội và hiện là bộ trưởng phát triển gia đình và xã hội; ông Ong Ye Kung - quyền bộ trưởng giáo dục và ông Lawrence Wong - bộ trưởng tài chính.

Ngoài ra còn một ứng cử viên tiềm năng khác là Phó thủ tướng Tharman Shanmugaratnam, tuy nhiên ông này liên tục nói mình không quan tâm tới chiếc ghế thủ tướng. Ông Tharman là người thiểu số Tamil và một số người cho rằng bất kể tính đa văn hóa của Singapore, một thủ tướng không phải người gốc Hoa cũng là điều khó xảy ra ở đất nước này.

Nghĩa là cho đến nay vẫn chưa thể xác định một cách rõ ràng nhân vật sẽ tiếp quản vị trí thủ tướng Singapore sau ông Lý Hiển Long. Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều rằng các đảng phái đối lập ở Singapore đều được đánh giá là quá yếu ớt nên sẽ không thể cạnh tranh được với PAP trong tương lai trước mắt.

Ông Lý từng 2 lần điều trị ung thư

Ông Lý Hiển Long bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư bạch cầu năm 1992 và phải điều trị ba tháng bằng phương pháp hóa trị. Đợt điều trị này thành công và tới tháng 4-1993 ông không còn tế bào ung thư.

Tháng 1-2015, ông bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt, sau đó tới tháng 2-2015, ông phải phẫu thuật loại bỏ tuyến tiền liệt. Ca phẫu thuật sau đó cũng được văn phòng thủ tướng thông báo đã thành công.

3 thế hệ lãnh đạo

Tại Singapore, hiến pháp quy định một nhiệm kỳ thủ tướng kéo dài năm năm (tổng thống là sáu năm), tuy nhiên không có quy định giới hạn tối đa số nhiệm kỳ của một thủ tướng. Theo đó, kể từ năm 1959 tới nay, Singapore đã có ba thủ tướng.

Đầu tiên là ông Lý Quang Diệu với thời gian tại nhiệm là 31 năm 178 ngày; người thứ hai là ông Goh Chok Tong với thời gian tại nhiệm 13 năm 258 ngày; người thứ ba là ông Lý Hiển Long từ năm 2004 cho tới nay.

D.KIM THOA, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên