Bữa sáng với bánh mì và trứng - Ảnh: AFP |
Hãng tin Bloomberg vừa công bố chỉ số Bloomberg Global City Breakfast Index (Chỉ số về bữa ăn sáng ở các thành phố trên toàn cầu) cho thấy số tiền người dân các thành phố trên thế giới chi trả cho phần ăn sáng và mức thời gian làm việc để kiếm tiền chi trả cho phần lót dạ này.
Chỉ số này cho thấy người dân các thành phố Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất - UAE), Osaka (Nhật Bản) và Zurich (Thụy Sĩ) thuộc nhóm những thành phố tốn ít thời gian lao động nhất để mua được phần ăn sáng: chưa đầy 5 phút!
Trong khi đó người ở thành phố Accra (Ghana) mất gần một giờ làm việc, còn ở thủ đô Caracas (Venezuela) là gần 9 giờ, tức nhiều hơn cả một ngày công lao động bình thường. Lý do cũng khá dễ hiểu cho trường hợp ở Venezuela bởi tình trạng lạm phát ở quốc gia Nam Mỹ này khiến giá cả hàng hóa tăng gấp tám lần trong năm 2016.
Điểm thú vị của bảng chỉ số trên là sự phân hóa rõ rệt về giàu nghèo giữa bắc và nam bán cầu. Giá khẩu phần ăn sáng chiếm hơn 4,4% thu nhập trung bình mỗi ngày ở phần lớn các thành phố của châu Phi, Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Á.
Thậm chí ở khu vực Mỹ la tinh, giá trung bình của khẩu phần ăn sáng chiếm đến 13,4% thu nhập trong ngày và ở khu vực châu Phi hạ Sahara là 7,4%. Ngay cả ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng có khoảng cách rõ rệt giữa khối các nước phát triển (1,7% thu nhập trong ngày) và đang phát triển (4,8%)
Trong khi đó ở Mỹ, Tây Âu và Úc, trị giá khẩu phần ăn sáng chỉ vào khoảng 1,4% - 1,8% thu nhập mỗi ngày.
Ngay tại châu Âu, cũng có những khác biệt phản ánh tình trạng kinh tế quốc gia. Tại hai thành phố Zurich và Geneva của Thụy Sĩ, khẩu phần ăn sáng chỉ chiếm 1% thu nhập trong ngày, còn tại thành phố Kiev (Ukraine), người dân phải mất đến 6% thu nhập trong ngày để lót dạ buổi sáng.
Ở châu Á, người dân Osaka chỉ chi chưa tới 1% thu nhập của ngày công lao động, nhưng ở Hà Nội người dân tốn đến 12% thu nhập trong ngày cho bữa sáng.
Chỉ số "bữa ăn sáng" của Bloomberg dựa trên chi phí cho một "bữa ăn tiêu chuẩn” gồm: 1 cốc sữa, 1 quả trứng, 2 lát bánh mì và một phần trái cây. Các chỉ số tính theo giá cả ghi nhận ở 129 trung tâm tài chính của khu vực và toàn cầu, và dựa theo giá thị trường trong 12 - 18 tháng gần nhất của trang Numbeo.com, một cơ sở dữ liệu trực tuyến do người dân ở các thành phố cung cấp.
Bloomberg giải thích rằng họ lựa chọn sữa, trứng, bánh mì và hoa quả vì đây là các loại thức ăn phổ biến ở khắp nơi; hơn nữa các loại thực phẩm này ít chịu tình trạng bị đội giá đặc thù (ví dụ một vùng đất không có hoa tulip, thì giá hoa tulip phải đắt “đặc biệt” nên không thể tính vào).
Đơn cử người dân ở hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải ở Trung Quốc thường ăn sáng với cháo đặc hoặc bánh quẩy, chứ không phải khẩu phần kiểu phương tây như bánh mì, bơ sữa.
Sự khác biệt về văn hóa ăn uống vì thế khiến thang đo của Bloomberg có thể không chính xác lắm ở khu vực châu Á. Tại Hà Nội, một khẩu phần trứng, sữa và bánh mì như thế thông thường được bán ở các khách sạn hoặc cùng lắm các quán cà phê sang trọng kiểu “tây” như Starbucks hoặc chuỗi cà phê dành cho giới trẻ. Mỗi phần như vậy có giá trên 50.000 đồng đến thậm chí hơn 100.000 đồng.
Nhưng nếu bỏ tiền tự mua bánh mì, trứng, sữa hoặc một quả táo tại nhà, như kiểu ăn sáng của người phương tây thì chi phí có lẽ không cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận