Nhân viên y tế đưa một người bị thương lên xe cấp cứu - Ảnh: Reuters |
Vụ tấn công bắt đầu bằng một sự việc tưởng chừng như một tai nạn giao thông bình thường ngày 22-3 (giờ địa phương). Khi đó, một người đàn ông đã lái một chiếc xe trên cầu Westminster và tông vào một số người đi bộ, nhân viên cảnh sát.
"Chiếc xe sau đó đâm vào một hàng rào gần tòa nhà quốc hội. Ít nhất một người đàn ông trên xe, được vũ trang bằng dao, đã tiếp tục tấn công những người khác và cố gắng xông vào quốc hội", Mark Rowley - người đứng đầu lực lượng chống khủng bố của Anh cho biết.
Các phóng viên của Reuters tham gia một cuộc họp của quốc hội Anh kể lại đã nghe thấy một số tiếng nổ lớn vào thời điểm xảy ra vụ việc. Đến khi ra ngoài đã thấy một người đàn ông và nhân viên an ninh bị đâm nằm gục trên sân trước cổng tòa nhà quốc hội.
Nhiều người dân đã chứng kiến thời khắc hoảng loạn bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh cho biết cảm thấy bị sốc trước vụ tấn công. Họ đều nói rằng tưởng đây là một vụ tai nạn nhưng sau đó bàng hoàng nhận ra sự việc khi có người xông vào quốc hội.
“Hắn chạy vụt qua chỗ cánh cổng còn mở, chụp lấy một nhân viên cảnh sát và tấn công anh ta bằng một thứ gì đó trông như cây gậy. Thật kinh khủng, viên cảnh sát gã gục xuống. Rồi hắn chạy tới cổng Hạ viện, chạy được khoảng vài chục mét thì bị 2 cảnh sát hạ gục”, nhà báo Quentin Letts của tờ báo Daily Mail nói với đài LBC.
Nhiều quan chức chính phủ và nghị sĩ Anh đã bị cuốn vào sự hỗn loạn từ vụ tấn công. Tobias Ellwood, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Anh được chụp lại cảnh đang cố gắng cứu một người đàn ông nằm gục trên sân – được cho là nhân viên cảnh sát bị đâm.
Nhiều người dân đang đi bộ trên cầu Westminster đã bị kẻ tấn công lái xe ô tô đâm vào. Trong ảnh: Người dân Anh đang cố gắng sơ cứu những người bị thương - Ảnh: Reuters |
Vụ tấn công xảy ra đúng vào ngày tưởng niệm 1 năm vụ khủng bố ở Brussels (Bỉ) khiến 32 người chết.
An ninh tại Anh và các địa điểm của Anh ở nước ngoài đã được siết chặt ngay sau khi xảy ra sự việc. Thị trưởng London Sadiq Khan khẳng định sẽ triển khai thêm nhiều cảnh sát trên đường phố nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Thủ tướng Anh Theresa May đã lên án vụ tấn công, gọi đó là hành động “bệnh hoạn và đồi trụy”.
Mỹ, đồng minh thân cận của Anh đã ngay lập tức lên tiếng. Tổng thống Donald Trump đã gọi điện cho bà May, đề nghị được hỗ trợ và phối hợp đầy đủ với Anh trong sự việc lần này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lên án vụ tấn công là “hành động bạo lực ghê tởm".
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cũng gọi điện và bày tỏ sự đoàn kết với nước Anh sau sự việc.
Hiện vẫn chưa rõ danh tính của kẻ tấn công và các nạn nhân. Theo các quan chức Pháp, trong số những người bị thương có 3 học sinh Pháp 15, 16 tuổi.
Khu vực cầu Westminster đã bị phong tỏa ngay sau khi xảy ra sự việc - Ảnh: Reuters |
Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại London kể từ sau vụ 4 người Anh theo Hồi giáo đánh bom tự sát vào hệ thống giao thông của thành phố vào tháng 7-2005 khiến 56 người chết. Vụ tấn công lần này được thực hiện theo mô típ tấn công khủng bố quen thuộc đã xảy ra tại nhiều quốc gia khác là sử dụng xe dân sự và lao vào đám đông. Điều này đang đặt ra thách thức không hề nhỏ đối với lực lượng an ninh các nước trong việc phát hiện và ngăn chặn kiểu tấn công điên rồ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận