06/10/2016 06:52 GMT+7

​Hoàng Chi Phong đã trở về Hồng Kông

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong ngày 5-10 đã trở về nhà sau khi bị bắt và trục xuất khỏi Thái Lan. Những người ủng hộ cựu thủ lĩnh sinh viên này đổ lỗi cho Bắc Kinh trong vụ bắt giữ anh.

Hoàng Chi Phong trả lời phỏng vấn báo chí sau khi quay trở về sân bay quốc tế Hồng Kông - Ảnh: AFP
Hoàng Chi Phong trả lời phỏng vấn báo chí sau khi quay trở về sân bay quốc tế Hồng Kông - Ảnh: AFP

AFP đưa tin Hoàng Chi Phong bị bắt tại sân bay Suvarnabhumi, Bangkok khi đến quốc gia này theo lời mời của một nhà hoạt động tại đây để kỷ niệm vụ thảm sát các sinh viên năm 1976.

"Vào khoảng 1 giờ sáng Hồng Kông, tôi đã đến sân bay Bangkok, ngay lập tức khoảng 20 cảnh sát và nhân viên bộ phận nhập cư ập đến thu giữ hộ chiếu của tôi" - Hoàng Chi Phong với vẻ mệt mỏi nói với các phóng viên.

Phong cho biết đã bị giam giữ tại đồn cảnh sát sân bay Bangkok khoảng 12 tiếng trong khi các nhà chức trách Thái Lan từ chối để anh liên lạc với gia đình hoặc luật sư.

"Khi tôi hỏi họ lý do giam giữ tôi, họ chỉ nói rằng họ sẽ không giải thích gì thêm với tôi vì tôi đã nằm sẵn trong danh sách đen của họ rồi" - Hoàng Chi Phong nói thêm.

Đảng Demosisto do Hoàng Chi Phong đồng thành lập trong năm nay cũng tuyên bố "cực kỳ lên án chính phủ Thái Lan vì đã giới hạn một cách bất hợp lý quyền tự do và quyền nhập cảnh của Phong".

Nhiều người suy đoán rằng chính phủ quân đội Thái Lan đã hành động dưới áp lực của Trung Quốc.

Nhà hoạt động sinh viên Thái Lan Netiwit Chotipatpaisal, người đã mời Hoàng Chi Phong đến Bangkok, cho biết cảnh sát có nói với ông về một "lá thư viết từ chính phủ Trung Quốc cho chính phủ Thái Lan liên quan đến Phong".

Trong khi đó một quan chức nhập cảnh sân bay xác nhận với AFP rằng có "lệnh" bắt giam ông Phong nhưng từ chối thông tin rằng cơ quan hay yếu nhân nào đã ra lệnh này.

Tuy nhiên phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Sansern Kaewkamnerd lại nói rằng: "Không có chỉ thị hay lệnh nào được đưa ra liên quan đến ông Phong".

"Ông Phong đã có những hoạt động tích cực trong các phong trào chống đối chống lại chính phủ các nước khác và nếu những hành động tương tự như vậy xảy ra tại Thái Lan, chúng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Thái Lan và các quốc gia khác" - phát ngôn viên Kaewkamnerd nói thêm.

Sau khi Hoàng Chi Phong bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ, nhà hoạt động Netiwit đã dẫn đầu vài chục sinh viên cầm ô - biểu tượng của phong trào dân chủ của Phong tại Hồng Kông - tổ chức một cuộc biểu tình tại ĐH Chulalongkorn với khẩu hiệu: "Hoàng Chi Phong có quyền có mặt tại đây".

Từ lâu Hoàng Chi Phong đã là cái gai trong mắt chính phủ Bắc Kinh kể từ khi anh cùng những người bạn lãnh đạo phong trào đòi dân chủ, chống lại sự thống trị chính trị của Trung Quốc tại đặc khu này.

Chuyên gia chính trị Thitinan Pongsudhirak tại ĐH Chulalongkorn nhận định rằng việc trục xuất Hoàng Chi Phong là "phản tác dụng vì vụ việc sẽ thu hút sự chú ý của toàn thế giới cũng như gởi đi tín hiệu không chào đón của chính phủ Thái Lan".

Trong khi đó phát ngôn viên Văn phòng Nhân quyền LHQ tại châu Á Jeremy Laurence cho biết vụ bắt giữ Hoàng Chi Phong "làm tăng thêm sự lo ngại về những hạn chế về tự do ngôn luận tại Thái Lan".

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên