11/07/2017 09:08 GMT+7

Hết G20, nai lưng ra dọn rác

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TTO - Hội nghị thượng đỉnh G20 đã kết thúc với kết quả tương đối tốt ở Hamburg nhưng người dân thành phố không hề hài lòng chút nào với những gì họ phải chịu đựng trong thời gian này.

Một hộ dân viết biển hiệu đòi
Một hộ dân viết biển hiệu đòi "nói chuyện phải quấy" với thị trưởng Olaf Scholz sau những gì họ phải chịu đựng - Ảnh: Reuters

Đêm trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg, những người phản đối hội nghị này đã tổ chức cuộc diễu hành “Chào mừng đến Địa ngục” với sự tham gia của 12.000 người.

Các cuộc biểu tình phản đối đủ các thể loại từ chống toàn cầu hóa cho đến các kiểu bất công xã hội khác tiếp tục diễn ra từ trước ngày khai mạc hội nghị (7-7) và kéo sang những ngày cuối tuần.

Đúng như lời họ hứa, đến thứ Hai (10-7), nhiều dân cư tại thành phố lớn thứ hai của nước Đức đã cảm nhận được thông điệp này khi khu vực trung tâm thành phố hầu như tê liệt và biến thành một bãi rác khổng lồ.

Đường phố ngổn ngang gạch đá, rác thải các loại, nhiều cửa hàng bị đập phá, cướp bóc, khoảng 100 xe hơi đã bị đốt.

Đá lát đường nhiều nơi bị người biểu tình cạy lên, rào sắt bị bẻ để làm vũ khí tấn công cảnh sát.

Cảnh tượng kinh hoàng đến nỗi người dân Hamburg đã dùng mạng xã hội kêu gọi nhau tham gia dọn dẹp hầu “Phục hồi lại thành phố xinh đẹp của chúng ta”.

Người dân Hamburg phải xuống đường làm đẹp thành phố sau ngày kết thúc hội nghị G20 - Ảnh: Reuters
Người dân Hamburg phải xuống đường làm đẹp thành phố sau ngày kết thúc hội nghị G20 - Ảnh: Reuters

Ngay trong ngày 10-7 đã có 10.000 người tình nguyện tham gia dọn dẹp cùng với lực lượng cảnh sát và công nhân vệ sinh để có thể lấy lại bộ mặt sạch sẽ chỉnh tề cho thành phố.

Hiệp hội Vận tải Hamburg đứng ra cấp vé giao thông công cộng miễn phí cho những người dân có xe bị đốt cháy.

Người dân thành phố đi chùi rửa sơn xịt trên cửa - Ảnh: Reuters
Người dân thành phố đi chùi rửa sơn xịt trên cửa - Ảnh: Reuters

Rút kinh nghiệm từ các hội nghị trước, chính quyền Đức đã phải huy động tới 20.000 nhân viên cảnh sát, 3.000 xe cảnh sát  và 19 máy bay trực thăng để giữ gìn trật tự an ninh.

Thế nhưng theo thông tin của Sở Cảnh sát Hamburg, có đến 476 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc do xô xát với những người biểu tình. Cảnh sát trưởng Hamburg, ông Ralf Martin Meyer cho biết những người biểu tình bạo động không chỉ tấn công cảnh sát mà còn chẳng chừa những người làm nhiệm vụ cấp cứu người bị thương.

Cảnh sát chống bạo động phải dọn dẹp xe đạp do người biểu tình chất đống làm
Cảnh sát chống bạo động phải dọn dẹp xe đạp do người biểu tình chất đống làm "chiến hào" - Ảnh: Reuters

Chuyện biểu tình bạo động trong thời gian diễn ra các hội nghị thượng đỉnh G20 không phải là mới. Năm năm 2010 tại thành phố Toronto (Canada), có khoảng 10.000 người biểu tình, kéo theo số cảnh sát và nhân viên an ninh gấp đôi.

Những cảnh tương tự cũng diễn ra tại London (Anh) năm trước đó, một người bán báo đã chết trong bạo loạn. Năm 2001, một người người Ý thiệt mạng khi tham gia biểu tình tại Genoa ở miền bắc Ý, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G8.

Điều đáng nói là một trong những lý do của các cuộc biểu tình tại Hamburg là chống biến đổi khí hậu, chống các tác động tiêu cực của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa lên môi trường. Tuy nhiên trong số những người tham gia biểu tình có không ít phần tử xấu trà trộn vào để hôi của, phá phách cho sướng tay, thậm chí mượn cơ hội này để trả thù ai đó.

Chuyện bị bỏ tù cũng không khiến họ lo ngại vì họ đều biết rằng ở tù tại Đức chẳng có gì đáng sợ, nếu không nói là… sướng khi có chỗ ngủ đàng hoàng, cơm ăn ba bữa kèm cà phê sáng.

Thông điệp “Chào mừng đến Địa ngục” mà những người tổ chức biểu tình nêu ra, đối với nhiều người dân Hamburg lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác!

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên