11/07/2017 09:55 GMT+7

CNN tung tài liệu lý giải nguyên nhân khủng hoảng vùng Vịnh

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Đài CNN đã công bố các thỏa thuận bí mật giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh - điều có thể giúp lý giải cho cuộc khủng hoảng hiện tại.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chủ trì các cuộc hội đàm với lãnh đạo Qatar, Kuwait và Ả Rập Saudi để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh - Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang có mặt tại khu vực để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh - Ảnh: AFP

Theo đó, Qatar và các quốc gia vùng Vịnh đã ký kết các thỏa thuận trong năm 2013 và 2014 để cấm tài trợ cho các phe đối lập và các nhóm thù địch tại các quốc gia này cũng như ở Ai Cập và Yemen.

Nhiều người biết đến sự tồn tại của các thỏa thuận này nhưng cả nội dung và các tài liệu liên quan đều được giữ kín do sự nhạy cảm của các vấn đề liên quan. CNN cho biết nguồn tin có quyền truy cập các tài liệu này đã cung cấp thông tin cho mình.

Các quốc gia vùng Vịnh đã cáo buộc Qatar không tuân thủ hai thỏa thuận trên. Điều này giúp giải thích những gì đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất ở vùng Vịnh trong nhiều thập kỷ qua.

Việc tuân thủ các thỏa thuận đó nằm trong 6/13 điểm trong bản yêu sách của các quốc gia vùng Vịnh buộc Qatar thực thi trong thời gian qua.

Hai thỏa thuận trong hai năm

Quốc vương Saudi Arabia, quốc vương Qatar và quốc vương Kuwait đã ký kết thỏa thuận đầu tiên, được viết tay và đề ngày 23-11-2013. 

Thỏa thuận Riyadh đưa ra các cam kết nhằm tránh can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước vùng Vịnh khác, bao gồm cấm hỗ trợ hoặc tài trợ chính trị cho các nhóm hoạt động chống chính phủ tại khu vực này.

Thỏa thuận Riyadh đề cập cụ thể đến việc không ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) cũng như không chống lưng cho các nhóm đối lập tại Yemen. Các nước vùng Vịnh từng nhiều lần cáo buộc Qatar tài trợ cho tổ chức MB.

Để biện minh cho cuộc cô lập ngoại giao và kinh tế đầu tháng trước, các đối tác vùng Vịnh của Qatar đã cáo buộc Doha hỗ trợ tài chính cho nhóm Hezbollah và các tổ chức khủng bố khác cũng như chống lưng cho MB tại Ai Cập.

Trong thỏa thuận đầu tiên, các quốc gia cũng cam kết không ủng hộ "phương tiện truyền thông đối kháng" - một điều kiện liên quan rõ ràng đến đài truyền hình vệ tinh Al Jazeera có trụ sở tại Qatar.

Thỏa thuận thứ hai có đóng dấu "tuyệt mật" và ghi ngày 16-11-2014 và có thêm chữ ký của Vua Bahrain, Hoàng tử Abu Dhabi và thủ tướng Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Thỏa thuận này đặc biệt đề cập đến cam kết của các nước tham gia ký kết để hỗ trợ sự ổn định của Ai Cập, bao gồm việc ngăn các nhóm hoặc các cá nhân chống đối chính phủ Ai Cập sử dụng kênh Al Jazeera để tuyên truyền.

Thỏa thuận thứ hai đề cập riêng đến đài Al Jazeera chứ không phải các cơ quan truyền thông khác như Al Arabiya của Saudi Arabia. Sau khi thỏa thuận được ký kết, đài Al Jazeera đã đóng cửa một kênh chuyên phủ sóng ở Ai Cập là Al Jazeera Mubashir Misr.

Ngoài ra, ngoại trưởng của những nước trên cũng đã ký một tài liệu bổ sung cho thỏa thuận năm 2013. Tài liệu bao gồm các điều khoản cấm tài trợ cho tổ chức MB cũng như các nhóm đối lập ở Yemen và Saudi Arabia vốn đặt ra mối nguy hại cho an ninh và sự ổn định của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Các thỏa thuận không chỉa mũi dùi về phía Qatar vì tất cả các bên tham gia ký kết có trách nhiệm tuân thủ các điều khoản đã đề ra.

Trong khu thương mại Qatar ở thủ đô Doha ngày 5-7 - Ảnh: Reuters
Trong khu thương mại Qatar ở thủ đô Doha ngày 5-7 - Ảnh: Reuters

Qatar lên tiếng

Trong một tuyên bố với đài CNN ngày 10-7, Qatar cáo buộc Saudi Arabia và UAE vi phạm tinh thần của thỏa thuận và theo đuổi một "cuộc tấn công không khiêu khích về chủ quyền của Qatar".

"Đọc toàn bộ văn bản này sẽ cho thấy ý định của các thỏa thuận năm 2013/2014 là nhằm đảm bảo rằng các quốc gia GCC có thể hợp tác trong khuôn khổ rõ ràng. Các yêu cầu của họ về việc Qatar đóng cửa Al Jazeera, buộc chia cắt các gia đình và bồi thường là những yêu cầu không liên quan đến thỏa thuận Riyadh" - giám đốc văn phòng truyền thông chính phủ Qatar, ông Sheikh Saif Bin Ahmed al-Thani cho biết.

Ông al-Thani cho rằng bản yêu sách 13 điều là "một cuộc tấn công vô lý và chưa từng có đối với chủ quyền Qatar và đó là lý do tại sao Qatar từ chối và cộng đồng thế giới lên án".

Đài CNN cho thấy các tài liệu trên chỉ ra những căng thẳng lâu năm giữa các quốc gia trong khối GCC và giúp giải thích lý do tại sao các quốc gia Trung Đông do Saudi Arabia dẫn đầu lại cắt đứt quan hệ với Qatar trong tháng 6 khi cáo buộc nước này tài trợ khủng bố.

Tuy nhiên, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đang hy vọng có thể giúp đưa ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh.

Hãng tin Reuters cho biết ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã bay đến vùng Vịnh để thảo luận với các lãnh đạo của Qatar, Kuwait và  Saudi Arabia từ ngày 10-7.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, RC Hammond cho biết mục đích chuyến đi của ông Tillerson là "tìm kiếm khả năng giải quyết vấn đề và tìm ra các điểm chung có thể dùng để giải quyết vấn đề".

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên