23/07/2024 19:21 GMT+7

Thế giới vừa trải qua ngày nóng nhất lịch sử

Theo dữ liệu sơ bộ của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), ngày 21-7 vừa qua là ngày nóng nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.

Các nhà khoa học nhận định các đợt nắng nóng xảy ra ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn - Ảnh: AFP

Các nhà khoa học nhận định các đợt nắng nóng xảy ra ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn - Ảnh: AFP

Cụ thể, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đo được vào ngày 21-7 vừa qua là 17,09 độ C, cao hơn một chút so với mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 6 vừa qua là 17,08 độ C.

Theo C3S, kể từ tháng 6-2023, đã 13 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình hằng tháng đều được ghi nhận là cao nhất lịch sử. Riêng tháng 6 vừa qua ghi nhận nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu là 16,66 độ C - nóng nhất từ trước đến nay.

Một số nhà khoa học cho rằng năm 2024 có thể vượt qua năm ngoái trở thành năm nóng nhất kể từ khi các dữ liệu được ghi chép đến nay do tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino vốn kết thúc vào tháng 4 năm nay đã đẩy nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy trong năm 2024 này.

Trong tuần qua, các đợt nắng nóng đã thiêu đốt nhiều vùng rộng lớn ở Mỹ, châu Âu và Nga, đồng thời làm tăng nguy cơ cháy rừng diện rộng.

Theo Đài quan sát Trái đất của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, nhiệt độ cao đã góp phần gây ra cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp, cũng như dọc theo bờ biển phía bắc châu Phi ở Algeria.

"Gần như cứ mỗi 10 phút lại có một đám cháy mới bùng phát", báo Independent dẫn lời một người phát ngôn của lực lượng cứu hỏa Hy Lạp. Người này nói thêm rằng họ đang phải vật lộn với hàng loạt đám cháy.

Theo Hill (Mỹ), nắng nóng khắc nghiệt là thảm họa gây chết người hàng đầu trong các thảm họa khí hậu.

Trong năm nóng nhất lịch sử 2023, hơn 2.300 người Mỹ đã chết vì nhiệt độ cao, cùng với đó là hơn 70% người lao động toàn cầu phải đối mặt với các nguy cơ do thời tiết nóng khắc nghiệt.

Đến lúc loài người phải chấp nhận nắng nóng cực độ là "bình thường mới"Đến lúc loài người phải chấp nhận nắng nóng cực độ là 'bình thường mới'

Ngày 20-6, báo chí quốc tế đưa tin về việc hơn 1.000 người đã chết trong cuộc hành hương đến thánh địa Mecca (Hajj) ở Saudi Arabia, trong bối cảnh nhiệt độ khu vực lên tới gần 52 độ C.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên