Phim Sex and the city từng phát trên HBO - Ảnh: dzi-thevoice |
Việc dán nhãn cho phim các nước đều đã làm. Tuy nhiên khi áp dụng tại VN cần có cách riêng của mình và hợp thuần phong mỹ tục của VN. Riêng cụ thể về giờ phim 18+ trên VTV2 lúc 23g, những phim phát sóng trên các đài truyền hình do các đài truyền hình tự duyệt và tự chịu trách nhiệm. Phim cũng chưa phát sóng nên chưa thể nói được điều gì. Khi phim phát sóng, có dư luận thì lúc đó mới có thể bàn luận tiếp |
Phó giáo sư, tiến sĩ TRẦN LUÂN KIM |
Gần 3.000 bạn đọc (tính đến 21g ngày 3-11) đã gửi ý kiến trong bảng thăm dò của Tuổi Trẻ Online về việc VTV mở giờ phát sóng phim 18+.
Trước sự quan tâm của bạn đọc, Tuổi Trẻ thông tin thêm về xu hướng của truyền hình thế giới.
Cách thức và tiêu chí phân loại đối tượng cho từng bộ phim truyền hình khác nhau tùy theo mỗi nước. Việc phân cấp khán giả này có thể do cơ quan quản lý văn hóa, do đài truyền hình hoặc do chính nhà sản xuất phim thực hiện.
Nhìn chung, phần lớn các nước trên thế giới tới nay đều đã triển khai hệ thống phân cấp độ tuổi khán giả để dán nhãn các chương trình truyền hình. Theo đó, các quốc gia đều dùng ký tự (chữ hoặc số) hoặc biểu tượng (icon) phân chia nhóm đối tượng khán giả cho phim và các chương trình truyền hình.
Mỗi nước mỗi kiểu
Ở Mỹ, phim có đánh dấu TV-Y dành cho trẻ nhỏ, TY-Y7, TY-G, G, PG, TV-PG dành cho thiếu nhi; PG-13, TV-14 dành cho tuổi teen; R, TV-MA dành cho người lớn. Ở Canada thì phim C là dành cho trẻ nhỏ, phim C8, G, PG dành cho trẻ lớn hơn; 14A, 14+ dành cho tuổi teen và 18A, 18+, R là ký hiệu dành cho phim người lớn...
Ngay cả mốc 18 tuổi cũng không phải đã thống nhất chung để được xem là trưởng thành ở nhiều quốc gia. Có những nước xếp trẻ 16 tuổi vào nhóm đối tượng khán giả được xem phim người lớn.
Ở Thái Lan, hệ thống phân loại nội dung truyền hình được đưa vào thực hiện từ năm 2006 cùng với hệ thống phân loại nội dung của điện ảnh. Tuy nhiên vào tháng 9-2013, cách đánh giá phân loại nội dung truyền hình đã được chỉnh sửa bổ sung.
Theo đó, với loại nội dung truyền hình được gán nhãn “PG 18”, khán giả là những người từ 18 tuổi trở lên. Những ai dưới 18 tuổi phải có bố mẹ hướng dẫn nếu muốn xem. Ngoài ra, Thái Lan còn có các nội dung được gán nhãn “Adults” (phim người lớn) không dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, chỉ được chiếu từ lúc 0g.
Với Hàn Quốc, hệ thống phân loại nội dung truyền hình bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2000 chỉ với bốn loại: All (dành cho mọi đối tượng) và 7, 13, 19 (tùy theo độ tuổi). Ðến năm 2007, cấp độ 13 được chuyển thành 12 và có thêm một loại khác bổ sung là 15.
Riêng với “phim người lớn”, Hàn Quốc không gán nhãn 18 hay 18+ mà là 19. Ðây là những chương trình dành cho người lớn và không được phát sóng vào các khung giờ từ 7-9g và 13-22g hằng ngày.
Cảnh báo liên tục trong thời gian phát sóng
Ðáng chú ý, các thông báo phân cấp khán giả sẽ xuất hiện ở góc trái hoặc góc phải màn hình trong lúc xem chương trình với tần suất 10 phút/lần và sau các nội dung quảng cáo.
Biểu tượng thông báo có kích cỡ ít nhất là 1/20 kích thước màn hình và kéo dài 30 giây. Nếu là chương trình gán nhãn 19, biểu tượng sẽ xuất hiện suốt thời gian xem.
Tại Ðức, các biểu tượng phân loại nội dung chương trình truyền hình luôn được “treo” trên màn hình tivi trong suốt thời gian phát sóng hoặc khi chương trình bắt đầu.
Loại có nhãn “TP” (dành cho mọi độ tuổi) thì không bao giờ “treo” nhãn mác. Riêng với các phim 18 và 18+ luôn có thông báo bằng lời nói để cảnh báo về nội dung phim.
Riêng ở Ðức, nhà cung cấp dịch vụ phim và chương trình truyền hình qua Internet hàng đầu Netflix còn có một cách riêng để quản lý và cung cấp dịch vụ truyền hình 18+.
Theo đó, những người muốn xem các bộ phim và chương trình truyền hình FSK (chỉ dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên) tại Ðức sẽ được cung cấp một mã PIN từ hãng dịch vụ. Mỗi khi khán giả mở xem nội dung nào thuộc loại 18+, thông báo yêu cầu nhập mã PIN sẽ xuất hiện.
Tại Venezuela, là quy định bắt buộc với mọi đài truyền hình, trước khi phát sóng bất cứ nội dung nào cũng phải dành một đoạn giới thiệu ngắn về thể loại chương trình, hình thức sản xuất (trong nước hay nước ngoài), các yếu tố khác liên quan tới nội dung (ngôn ngữ, sức khỏe, tình dục và/hay bạo lực) và cuối cùng là độ tuổi khán giả được xem.
Khung giờ cho phim 18+ Trên thực tế, khung giờ từ 22-5g sáng có thể được xem là “khung giờ vàng” cho các nội dung truyền hình “18+”. Ðây là thực tế đang diễn ra tại các nước và vùng lãnh thổ có phát sóng phim người lớn như Thổ Nhĩ Kỳ (0-5g), Ukraine (23-5g), Ðài Loan (22-6g), Thụy Sĩ (từ sau 22g), Tây Ban Nha (22-6g), Nam Phi (22-4g30), Thái Lan (22-5g)... Dán nhãn cho phim truyền hình, mở giờ phim dành cho lứa tuổi 18+ đối với thế giới là chuyện xưa cũ nhưng với VN thì quá mới. Ngày 11-9- 2014, Bộ VH-TT&DL cũng chỉ mới ban hành quyết định về việc thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng thông tư quy định phân loại phim. Theo đó, ban soạn thảo và tổ biên tập có trách nhiệm lập kế hoạch, xây dựng và hoàn thiện dự thảo thông tư trình lãnh đạo Bộ VH-TT&DL ký ban hành trong năm 2014. Mọi việc còn chưa bắt đầu. Và đối với các đài truyền hình, VTV là đài đi tiên phong. Cái mới gặp những phản ứng trái chiều cũng là điều dễ hiểu. |
* Tôi thấy có rất nhiều cách và phương pháp để giáo dục vấn đề giới tính cho thế hệ trẻ, không nhất thiết một kênh truyền hình trung ương chuyên về khoa học giáo dục phải sử dụng những bộ phim gắn mác 18+ để thực hiện mục đích này. Tại sao VTV2 không xây dựng một chương trình phù hợp với văn hóa và xu thế phát triển của giới trẻ VN hiện nay để thực hiện mục đích đó? * Không có gì phải làm to chuyện, trên Internet nhiều phim lắm, làm sao cấm cho hết được. Có hay chăng là sự nhận thức của mỗi người và cách giáo dục của gia đình đối với trẻ em, mà điều này thì tôi thấy nhiều bậc cha mẹ chưa có đủ kỹ năng để giải thích cho con cái hiểu rõ. Chính tôi là một ví dụ, những hiểu biết xxx tôi đều tìm hiểu từ Internet. |
[poll width="400px" height="300px"]40[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận